Đông Âu "tê liệt", thế giới đứng trước cuộc khủng hoảng chưa từng thấy kể từ Thế chiến II

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 15:45:04

Giao tranh đã phá hủy các trang trại của những người nông dân ở Ukraine, gây gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm tại nơi được mệnh danh là "giỏ bánh mì của châu Âu".

Đang làm việc trên cánh đồng vào sáng sớm thì Yuriy Gumanenko, 48 tuổi, một nông dân Ukraine được hàng xóm báo tin nhà kho của anh bị trúng bom. Gumanenko vội quay về nhà thì thấy nhà kho bốc cháy dữ dội. Một trong những người làm công cho anh còn bị thương.

Ba trong số bốn máy kéo của Gumanenko bị phá hủy, và mái nhà kho cũng vậy. Số lúa mì dự trữ trong nhà kho mà ông hy vọng sẽ bán được giá cùng nhiều hạt giống cây trồng cũng bị hủy hoại. "Cả đời tôi nỗ lực để phát triển trang trại của mình nhưng giờ thì không còn gì nữa", ông thở dài.

Nhưng Gumanenko chỉ là một trong số những nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột đang diễn ra ở Đông Âu.


Ảnh hưởng từ xung đột

Trong 6 tuần qua, cuộc xung đột đã khiến Ukraine thiệt hại nặng nề. Chiến sự ảnh hưởng tới cả các vùng đồng bằng màu mỡ của khu vực vốn được mệnh danh là "giỏ bánh mì của Châu Âu", làm tê liệt mùa màng, phá hủy các kho thóc và kho hạt giống, nguy cơ để lại hậu quả tàn khốc đối với một quốc gia chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn ngũ cốc cho thế giới.

Thứ trưởng nông nghiệp Ukraine cho biết nước này đã mất ít nhất 1,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc kể từ khi chiến sự bùng nổ. Trong khi đó, Nga - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới - gần như không thể xuất khẩu lương thực do các lệnh trừng phạt quốc tế.

Hai yếu tố này đang tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu "vượt xa bất cứ điều gì chúng ta đã thấy kể từ Thế chiến II", người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc nhận định.

Một nông dân đang làm việc trên cánh đồng gần Kiev ở Ukraine hồi tháng 3, trước khi bắt đầu mùa gieo hạt. Ảnh: EPA


Ở Ukraine, các kho chứa đầy ngũ cốc không thể xuất khẩu. Đường vào Biển Đen, tuyến đường xuất khẩu chính của Ukraine đã bị chặn, các chuyến tàu chở hàng gặp rất nhiều trở ngại về hậu cần.

Vận tải đường bộ cũng gặp nhiều thách thức vì hầu hết các tài xế xe tải là nam giới từ 18 đến 60 tuổi không được phép rời khỏi đất nước, nên không thể lái xe xuất khẩu nông sản qua biên giới.

Ukraine cũng đã cấm một số hoạt động xuất khẩu ngũ cốc để đảm bảo nhu cầu cho người dân ở trong nước.


Trên thực tế, nhiều kho thóc lớn đã bị phá hủy. Grigoriy Tkachenko, một nông dân ở làng Lukashivka, gần thành phố Chernihiv, miền bắc Ukraine, cho biết: "Trang trại của tôi đã bị biến thành đống đổ nát. Hầu như không còn gì cả".

Đất nông nghiệp chiếm 70% diện tích đất nước và nông nghiệp là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Ukraine, chiếm gần 10% GDP. Ukraine là một trong những nước xuất khẩu ngô và lúa mì chính của thế giới và là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất.

Thứ trưởng nông nghiệp Ukraine, Taras Vysotsky cho biết họ hiện có 13 triệu tấn và 3,8 triệu tấn lúa mì không thể xuất khẩu bằng các tuyến đường thông thường, chủ yếu là đường biển.

Cảng Mykolaiv trên Biển Đen, đã bị chặn hoàn toàn. Ảnh: NYT


Tương lai bất định

Công việc trồng trọt đã trở nên bất khả thi ở một số khu vực có giao tranh ác liệt.

Người nông dân cũng lo lắng không biết liệu họ có thể gieo hạt vào mùa xuân này hay không, khiến mùa vụ sau gặp nhiều rủi ro. Hôm 7/4, Thủ tướng Ukraine, Denis Shmygal, nói rằng chính phủ dự kiến ​​sẽ giảm 20% số cây trồng được gieo vào mùa xuân này.

Ở những khu vực ít bị ảnh hưởng, nông dân đã bắt đầu xuống giống, nhưng nhiều người thiếu nhiên liệu, phân bón và hạt giống do các cảng bị chặn và việc nhập khẩu từ Nga và Belarus bị đình trệ. Ngoài ra, nhân lực cũng thiếu do nhiều người phải ra chiến trường.

Một cuộc khảo sát của chính phủ Ukraine vào tháng trước cho thấy, nông dân chỉ có 20% nguyên liệu cần thiết cho vụ gieo cấy vào mùa xuân.

Anatoly Guyvaronsky, đại diện vùng Dnipro trong Hiệp hội nông dân Ukraine cho biết người lái xe tải chở ngũ cốc và người điều hành thang máy chở ngũ cốc của ông đã tham gia chiến đấu và ông hiện không có đủ người làm.


Chính phủ Ukraine đã tạm thời miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho nhân lực làm nông nghiệp, nhưng một số người đã chọn tham gia chiến đấu. Ông Guyvaronsky nói: "Phụ nữ và trẻ em hiện đang làm thay những người đàn ông trong lĩnh vực này".

Chia sẻ Facebook