Đơn hàng khởi sắc, cơ hội “lội ngược dòng” cho ngành gỗ năm 2024

Chia sẻ Facebook
07/05/2024 05:59:22

Sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm thu 4,84 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2024 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 3/2024 và tăng 19,4% so với tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 893 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng 3/2024, và tăng 14,1% so với tháng 4/2023.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Các doanh nghiệp ngành gỗ cho hay, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, nhờ đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.

Tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi kỳ vọng cho ngành hàng này có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trước mắt trong quý II và cả năm 2024.


Theo báo Đầu Tư năm 2023, tác động của sự suy giảm kinh tế tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt, cuộc chiến Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng, đặc biệt tại EU, và một số yếu tố vĩ mô khác khiến cho cầu tiêu dùng đồ gỗ giảm mạnh. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã giảm 15,9% so với 2022, chỉ đạt 14,39 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong 15 năm ngành gỗ Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm trong khâu xuất khẩu.

Ảnh minh họa.

"Cửa sáng" cho xuất khẩu gỗ trong năm 2024 đạt 15,2 tỷ USD

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng triển vọng của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những tín hiệu tích cực ngay những tháng đầu năm 2024. Theo dự báo năm 2024 chưa phải “thời điểm vàng” của ngành gỗ. Tuy nhiên, cơ hội mở rộng, phát triển thị phần được cho là khá lớn. Thị trường đồ nội thất thế giới ước tính khoảng 405 tỷ USD/năm; nhu cầu nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ 230 tỷ USD trong khi kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam chỉ chiếm hơn 6%. Dư địa còn nhiều.

Đặc biệt thời gian qua, các Hiệp định Thương mại tự do được Việt Nam phê chuẩn tiếp tục là “cú hích”, cơ hội thuận lợi để ngành gỗ đi xa: Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); các hiệp định với ASEAN, Nhật Bản, Chi Lê, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan; Hiệp định đối tác tự nguyện Việt Nam - EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản; Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ về khai thác, buôn bán gỗ bất hợp pháp…

Trước những biến động của thị trường dự báo năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2023. Hai tháng đầu năm, bức tranh cho thấy đã sáng lên. Giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 2,68 tỉ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ 2023; giá trị nhập khẩu đạt 355 triệu USD, tăng 31%; xuất siêu ước đạt 2,465 tỉ USD.


Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Lao Động ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông tin: “Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đã mở rộng đến 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sản phẩm gỗ Việt Nam “ghi dấu ấn” từ nguyên liệu đầu vào cho các ngành chế biến, xây dựng đến sản phẩm có tính hoàn thiện cao”.

Cũng theo ông Phú lưu ý dự báo tăng trưởng khả quan của nhu cầu sử dụng đồ gỗ ngoài trời, xuất phát từ xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường.

Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành từ 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU đạt trên 11,74 tỷ USD, chiếm trên 89,13% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này giảm từ 12% đến 30% so với năm 2022.

Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 7,1 tỷ USD, chiếm trên 53,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, đây cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 1,73 tỷ USD, giảm 20,4% so với năm 2022, chiếm 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhật Bản: đạt trên 1,65 tỷ USD, giảm 12,5%, Hàn Quốc: đạt trên 796,81 triệu USD, giảm 21,3% so với năm 2022, EU đạt trên 455,52 triệu USD, giảm 29,5% so với năm 2022. Sau năm 2023 xuất khẩu giảm 2 con số, ngành gỗ đang chờ đợi nhiều vào sự phục hồi nhập khẩu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc để gia tăng xuất khẩu.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook