Dọn dẹp từ khán đài đến phòng thay đồ, vì sao người Nhật sạch sẽ và ngăn nắp như thế?
Các CĐV Nhật Bản đã gây ấn tượng mạnh tại World cup 2022 với hình ảnh dọn rác sau trận thắng Đức. Không chỉ là thói quen hay ý thức, sự sạch sẽ của người Nhật gắn liền với lịch sử và văn hoá lâu đời của quốc gia này.
Sau chiến thắng 2-1 trước đội tuyển Đức tối ngày 23/11 trong khuôn khổ bảng E vòng chung kết World Cup 2022, cổ động viên Nhật Bản đã có khoảnh khắc gây sốt là thu dọn rác trên sân. Trước đó, trong trận khai mạc giữa Qatar và Ecuador hôm 20/11, nhiều cổ động viên đến từ đất nước mặt trời mọc cũng để lại hình ảnh đẹp tương tự trên sân Al Bayat.
Theo SBS News, đây là truyền thống của người hâm mộ Nhật Bản kể từ World Cup 2018 ở Nga, khi họ dọn sân vận động sau trận thua 3-2 trước Bỉ.
Không chỉ cổ động viên, trong phòng thay đồ, các tuyển thủ Nhật Bản cũng dọn dẹp các đồ đã dùng trước khi rời đi, đặt khăn tắm, chai nước, hộp đồ ăn ngay ngắn lại ở bàn nhỏ giữa phòng. Họ còn để lại những con hạc giấy origami - biểu tượng may mắn và trường thọ ở Nhật Bản.
Những hình ảnh đẹp trên chỉ là một trong số các minh chứng người Nhật luôn sạch sẽ và ngăn nắp. Vậy tại sao người Nhật Bản lại sạch sẽ và ngăn nắp đến vậy?
Câu trả lời của Charlie Horner, cây bút của blog Japan Junky sẽ cho thấy có lẽ Nhật Bản không chỉ sạch như vẻ bề ngoài chúng ta nhìn thấy. Theo cô, vấn đề này cần được hiểu theo nhiều góc độ từ lịch sử, giáo dục cho đến ý thức xã hội...
Một lịch sử sạch sẽ
Sạch sẽ là một phần trong văn hóa Nhật Bản từ thế kỷ 12, khi Thiền tông du nhập vào đất nước này. Khi đó sạch sẽ là điều cốt lõi và trung tâm của Thiền tông (một tông phái Phật giáo Đại thừa). Nó ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống thường nhật của người dân như nấu ăn, dọn dẹp...
"Gột sạch bụi bẩn về cả thể chất lẫn tinh thần có vai trò quan trọng trong việc luyện tập hàng ngày", Eriko Kuwagaki, nhà sư ở chùa Shinshoji nói.
Mặc dù được giới thiệu cách đây hàng trăm năm nhưng bất kỳ ai đến thăm một ngôi đền ngày nay ở Nhật đều thấy rõ ràng những niềm tin này vẫn còn vẹn nguyên. Bạn sẽ không tìm thấy một hạt bụi ở bất kỳ góc nào tại những ngôi đền. Rõ ràng nguyên tắc giữ cho mọi thứ sạch sẽ đã đi sâu vào dân chúng.
Tuy nhiên đạo Phật không phải lý do duy nhất khiến người Nhật Bản sạch sẽ. Điều này còn phải kể tới tôn giáo riêng của người dân nơi đây - Thần đạo.
Thần đạo cũng nhấn mạnh sự sạch sẽ. Những người theo Thần đạo luôn tin rằng sạch sẽ là thuần khiết. Trước khi bước vào nghi lễ, họ đều phải thanh tẩy để xua đuổi kegare (bụi bẩn hoặc tạp chất).
Với ảnh hưởng của hai hệ thống tín ngưỡng đó, nhiều thế hệ người Nhật đã hình thành tính cách sạch sẽ.
Năm 1600, William Adams, thuỷ thủ người Anh đến Nhật đã dành lời khen cho quốc gia này. "Giới quý tộc Nhật cực kỳ sạch sẽ. Hệ thống cống rãnh, nhà cửa hay phòng tắm hơi lúc nào cũng thơm tho", người này nhận xét. Cảnh tượng này đối lập hoàn toàn với đường phố của nước Anh thời điểm đó.
Trong cuốn sách Samurai William, tác giả Giles Milton đã viết người Nhật "kinh hoàng" trước những du khách không có ý thức giữ gìn vệ sinh. Trong lịch sử, người Nhật luôn coi trọng sự sạch sẽ. Còn bây giờ thì sao?
Nhật Bản thời hiện đại vẫn sạch sẽ
Nếu đến thăm Nhật Bản ngày nay, điều đầu tiên bạn ấn tượng về các thành phố của Nhật đó là sự sạch sẽ. Điều đặc biệt hơn là trên đường phố bạn sẽ không thấy bất kì chiếc thùng rác nào. Chúng đã bị dỡ bỏ sau một cuộc tấn công khủng bố vào năm 1995. Có thể nhiều người sẽ cho rằng tại khu vực đông dân cư nhất là Tokyo sẽ gặp những vấn đề về rác thải. Trên thực tế, điều này không xảy ra ở đây.
Ngay từ khi đi học, trẻ em đã được dạy chúng phải chịu trách nghiệm về những bừa bãi mà mình gây ra. Các trường học cũng không có lao công. Vào cuối ngày, học sinh phải tự dọn dẹp. Điều này đã hình thành suy nghĩ cho trẻ rằng chúng phải chịu trách nhiệm về tác động mà chúng gây ra đối với môi trường. Nếu bừa bộn và bất cẩn chính họ là người phải dọn dẹp.
Ngoài ra ý thức xã hội là một trong những động lực lớn để người Nhật hình thành sự sạch sẽ. Người dân quốc gia này tập trung nhiều vào "nhóm" thay vì "cá nhân". Mọi người thường hành động để đem lại lợi ích tốt nhất cho nhóm, cộng đồng hoặc thành phố nói chung.
Chính vì vậy người Nhật luôn chú ý đến việc sạch sẽ và ngăn nắp. Họ mang rác về nhà, cẩn thận không làm bừa bãi nơi công cộng, chỉ hút thuốc ở nơi chỉ định, đeo khẩu trang khi bị cảm lạnh để ngăn chặn virus lây lan... Hầu hết các cộng đồng dân cư đều có hoạt động dọn dẹp hàng tháng với sự tham gia của cả trẻ em.
Một trong những lý do thuyết phục nhất mà cư dân Nhật bản chọn mang rác về nhà và giữ cho đường phố sạch sẽ là mức phạt của chính quyền. Hành vi xả rác trái phép sẽ bị phạt tù 5 năm. Những cá nhân xả rác bừa bãi bất kì là khách du lịch hay dân bản địa sẽ bị phạt tới 10 triệu yên. Ngay cả các công ty lớn, nếu xả chất thải trái phép họ sẽ bị phạt tới 100 triệu yên. Mức phạt đã trở thành động lực mạnh mẽ để người Nhật phải giữ gìn sạch sẽ.
Cho dù bắt nguồn từ Thần đạo hay Phật giáo hay chỉ đơn giản là mục tiêu xã hội của họ hướng đến, người dân Nhật Bản vẫn rất giỏi trong việc duy trì thói quen. Các quy tắc tái chế và xử lý rác thải của Nhật rất nhiều và phức tạp nhưng không đáng sợ đối với một quốc gia đã được dạy phải tuân theo đã quy tắc đã được đề ra. Thực tế, việc dọn dẹp để giữ gìn sự sạch sẽ được hình thành từ khi còn nhỏ. Sau đó điều này được coi là chuẩn mực xã hội trong suốt cuộc đời của một người Nhật và là động lực mạnh mẽ nhất tạo nên danh tiếng của quốc gia này.