“Đòn đánh” của Mỹ khiến số phận 6 tàu phá băng của Nga treo lơ lửng
Thị trường toàn cầu cuối cùng sẽ quay trở lại với LNG Nga vì Moscow vẫn là một nhà xuất khẩu LNG quan trọng.
Những người tham gia thị trường vận tải khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở cả châu Á lẫn châu Âu đều đang tìm câu trả lời về số phận của 6 tàu chở LNG có khả năng phá băng Arc7 hiện đang nằm ở Hàn Quốc, vốn ban đầu được dành riêng cho dự án LNG 2 ở Bắc Cực do Novatek của Nga vận hành.
Việc xây dựng các tàu chở LNG phá băng Arc7, có công suất 172.600 m3, là một bước tiến đáng kể trên thị trường đóng mới tàu chở hàng lỏng. Các tàu này được chuyên môn hóa cao để hoạt động trong điều kiện băng giá, khiến chúng trở thành phương tiện lý tưởng để vận chuyển LNG từ các vùng Bắc Cực.
Tuy nhiên, do căng thẳng địa chính trị liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, các lệnh trừng phạt giáng lên Moscow đã khiến số phận những con tàu này bị treo lơ lửng và việc sử dụng chúng trong tương lai là không chắc chắn, đặc biệt khi khách hàng chuyến hướng khỏi LNG của Nga sang hãng của Mỹ và các nước Trung Đông.
Hãng TradeWinds hôm 15/4 dẫn lời ông Mehdy Touil, chuyên gia độc lập về LNG, cho biết sẽ khó tìm được khách hàng khác mua những con tàu này – 3 trong số đó nằm trong hợp đồng với hãng Mitsui OSK Lines (MOL) và 3 chiếc còn lại do Hanwha Ocean tiếp quản quyền sở hữu sau khi hợp đồng với chủ sở hữu Nga Sovcomflot bị hủy.
“Các tàu Arc7 rất chuyên dụng và đắt tiền”, một nhà môi giới tàu biển nói với hãng tư vấn S&P Global hôm 17/4. “Việc sử dụng tàu có khả năng phá băng như tàu chở hàng thông thường là không khả thi và hiệu quả nên không có nhiều lựa chọn thay thế”.
S&P Global dẫn một số nguồn tin cho biết việc chuyển đổi Arc7 thành các đơn vị lưu trữ và tái hóa khí nổi (FSRU) cũng sẽ không thực tế, đồng thời nói thêm rằng lựa chọn khả thi nhất là sử dụng chúng làm tàu chở LNG thông thường.
“Đối với tôi, FSRU dường như là một ý tưởng thậm chí còn tệ hơn, vì hiện có rất nhiều tàu cũ hoàn toàn phù hợp cho mục đích lưu trữ”, một nhà môi giới tàu biển khác cho biết.
Các lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine đã ngăn lô tàu phá băng này ra khơi. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin thị trường, về lâu dài, việc vận chuyển LNG của Nga có thể sẽ được tiếp tục và do đó các tàu này có thể đến vùng biển Bắc Cực để nạp hàng.
“Theo tôi biết, Mỹ đang nỗ lực áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một dự án nhằm hạn chế nguồn cung của Nga”, một nhà môi giới tàu biển ở châu Á cho biết. “Tôi cho rằng những tàu này có thể được tích hợp vào hệ thống do các quy định về khí thải, dẫn đến việc loại bỏ dần các tàu cũ”.
Đầu năm nay, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với tổ hợp đóng tàu và nhà máy đóng tàu Zvezada do nhà nước Nga hậu thuẫn, nơi đóng tàu cho dự án Artic LNG 2 của gã khổng lồ năng lượng tư nhân Novatek của Nga ở Bắc Cực.
“Các vị không thể tránh Nga về lâu dài”, một nhà môi giới tàu biển châu Âu cho biết. “Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là những khách hàng lớn của LNG Nga” .
Minh Đức (Theo S&P Global, TradeWinds)