Đồn Chí Hòa và kỳ vọng ngăn bước quân Pháp của triều Nguyễn (P3)
Đầu tháng 2/1861, tướng Charner tổ chức thám thính Đại Đồn Chí Hoà để lên kế hoạch tấn công, quân thám báo người Việt và người Hoa trà trộn vào Đại Đồn để nắm tình hình và cách bố trí của quân Đại Nam.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Kế hoạch của quân Pháp
Quân Pháp cũng sử dụng phương tiện hiện đại lúc bấy giờ là khinh khí cầu nhằm do thám tình hình Đại Đồn. Quân Đại Nam không biết gì về khinh khí cầu nên không có kế hoạch đối phó. Vì thế cách bố trí quân và vũ khí trong Đại Đồn đều bị quân Pháp nắm được.
Sau khi thu thập được cách bố trí phòng thủ của Đại Đồn, quân Pháp lên kế hoạch. Nhận thấy quân Đại Nam tập trung phòng thủ phía trước và 2 cánh, phía sau có phần lơ là hơn, quân Pháp quyết đánh đánh bọc hậu từ phía sau.
Để đánh bọc hậu thì con đường thuận tiện nhất là từ đồn Hữu (Redoute). Quân Pháp dự định tấn công vào đây trước rồi cho quân đi bọc hậu.
Trận đánh Đại Đồn Chí Hòa
Sáng sớm ngày 24/2, trận đánh Đại Đồn Chí Hòa bắt đầu, đại bác quân Pháp từ Phòng tuyến các Chùa kéo đến bắn vào Đại Đồn Chí Hòa, đại bác trên các tàu chiến cũng đồng thời nhả đạn.
Pháo quân Đại Nam cũng bắn đáp trả, nhưng hoàn toàn lép về trước hỏa lực mạnh và tầm bắn xa của đại pháo quân Pháp. Trung úy Hải quân Pháp Léopold Pallu kể:
“Bốn giờ sáng ngày 24 tháng 2 năm 1861, quân Pháp được lệnh tập họp. Đến 5 giờ 30 phút, đoàn quân bắt đầu lên đường. Khi ấy, pháo binh từ các chùa Barbet (chùa Khải Tường), Chochetons, Cây Mai đã bắn được một giờ rồi; và các toán quân Việt cũng đã kéo nhau dàn ra các ngả đường để phòng ngự.
(Trên đường), đại pháo do ngựa kéo bất thần nhả đạn vào đồn Redoute (sử Việt ghi là Đồn Hữu). Đối phương lập tức đốt khói để che và mặc dầu súng nhỏ và các điều kiện quân sự thua thiệt, họ vẫn kháng cự quyết liệt… Pháo binh chịu trận trước tiên; chỉ trong vài phút, nhiều pháo thủ và ngựa bị trúng đạn… mặc dù tầm đạn của ta chính xác, liên tục và ưu thế hơn, nhưng sức kháng cự của bọn An Nam không bị đánh tan cũng không nao núng chút nào.”
(Theo “Lịch sử cuộc Viễn chinh Nam Kỳ 1861”).
Đến sáng Liên quân với Đề đốc Charner, Thiếu tướng De Vassoigne và Đại tá Palanca (Tây Ban Nha) đưa quân cùng pháo hạng nhẹ tấn công đồn Hữu. Quân Việt anh dũng chống trả khiến cả De Vassoigne và Palanca đều bị thương.
Cuốn “Lịch sử cuộc Viễn chinh Nam Kỳ 1861” cũng mô tả thiệt hại của quân Pháp:
“Thương vong của ta tăng lên; Đại tướng de Vassoigne, Đại tá Tây Ban Nha Palanca Gutierrez, Chuẩn úy Lesèble và Thượng sĩ Joly bị thương nặng. Thủy sư Đề đốc (Léonard Charner) bèn trực tiếp cầm quân và ra hiệu lệnh”.
Trước sự ngoan cường của quân Việt, liên quân phải tạm dừng lại cho đại bác bắn khoảng 500 quả rồi tiếp tục tiến lên. Nhờ có đại bác mà quân Pháp vào được phía trong. Quân Việt liền cho voi ứng chiến nhưng không có hiệu quả trước đạn pháo và súng trường.
Quân Pháp vào được phía trong đồn Hữu, cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt. Quân Pháp theo kế hoạch định trước, cho một cánh quân đi vòng qua các làng Tân Thới, Bình Hưng lên Tân Sơn Nhì đóng quân tại nơi mà ngày nay gọi là Gò Cát thuộc quận Bình Tân, chuẩn bị đánh bọc hậu.
Tại đồn Hữu, quân Pháp chiếm được khoảng 1 cây số, trong khi còn 2 cây số nữa mới đến mặt chính của Đại Đồn. Trận đánh kéo dài mãi đến đêm, quân Pháp vẫn không đến được mặt chính Đại Đồn và hai bên tạm ngừng chiến.
Cuốn “Lịch sử cuộc Viễn chinh Nam Kỳ 1861” mô tả:
“Khi các quân lính Pháp đầu tiên nhảy được vào bên trong, trên các bệ bắn phía sau tường, thì họ thấy quân An Nam thối lui mang theo giáo mác, súng lớn và súng tay của họ. Quân An Nam lùi lại một bước thế thôi, gần như thản nhiên, giống như những người thợ đang làm việc rồi ngưng tay; thật quả là lạ lùng, mặc dù tình thế cấp bách vì cả một đạo quân đang trèo lên tường để tràn vào; chỉ có một số thật ít bỏ chạy mà thôi. Trong mấy phút sau là họ rút về phía đại quân có cờ đuôi nheo phấp phới bên trong thành Kỳ Hòa (người Pháp không phát âm được chữ Chí nên gọi ‘Chí Hòa’ thành ‘Kỳ Hòa’).
Trong trận đánh ngày 24 tháng 2 này, quân An Nam chấp nhận đối đầu bằng đại pháo với ta tuy họ yếu kém nhưng không thấy lòng can trường của họ bị sứt mẻ hay nao núng một chút nào cả: nhiều xác chết rải rác dọc theo tường phòng thủ cho thấy hiệu quả của súng nòng có khía của ta. Nhưng khi quân ta xung phong, tiến thẳng vào họ, thì họ thối lui nhưng không chạy, khoảng cách vẫn còn nhìn thấy nhau.”
Ghi chép của người Pháp cho thấy rằng đối mặt với đội quân trang bị hiện đại của phương Tây, quân Đại Nam vẫn thản nhiên quyết chiến chứ không hề run sợ.
Sau một đêm ngừng bắn nghỉ ngơi, đến sáng 25/2, cánh quân Pháp nhận nhiệm vụ đánh bọc hậu từ Gò Cát đến Bà Quẹo rồi đến sát sau đồn.
Mở đầu trận đánh ngày 25/2, đại bác quân Pháp từ các hướng cũng bắn dồn dập vào đồn Tiền.
Hai cánh quân Pháp cùng xuất kich. Cánh quân bọc hậu đến sát đồn Tiền và bắt đầu tấn công, cánh quân từ đồn Hữu cũng tấn công về hướng mặt chính Đại Đồn.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Mời xem video :