Đốm màu bí ẩn khổng lồ ở Thái Bình Dương cuối cùng cũng được hé lộ
Được biết tới kể từ năm 2010, những đốm màu khổng lồ ở Thái Bình Dương đã trở thành một bí ẩn với những ai chứng kiến
Những mảng nước ấm bất thường ở Thái Bình Dương, thường được gọi là những "đốm màu", đã gây ảnh hưởng tai hại đến hệ sinh thái biển kể từ năm 2010. Giờ đây con người đã có thể biết được nguyên nhân xuất hiện của chúng.
Một công bố mới của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế và một số mô phỏng máy tính chi tiết trước đây, đã liên kết việc xuất hiện các đốm màu với việc giảm phát thải khí dung ở Trung Quốc.
Điều đó cho thấy các chính sách được ban hành nhằm cải thiện môi trường cũng có thể đi kèm với những hậu quả tiêu cực.
Lý do là những hạt nhỏ trong không khí do các nhà máy điện thải ra có tác dụng rất tốt trong việc phản chiếu ánh sáng mặt trời trở lại không gian và giữ cho bầu không khí mát hơn.
Không có lớp che phủ đó, Thái Bình Dương sẽ tiếp xúc nhiều hơn với sức nóng từ Mặt trời, kết hợp với sức nóng ngày càng tăng do hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người tạo ra. Những nguyên nhân này bắt nguồn cho sự xuất hiện của đốm màu khổng lồ trên Thái Bình Dương.
Việc giảm khí dung nhanh chóng ở Trung Quốc gây ra sự bất thường trong tuần hoàn khí quyển ngoài khu vực nguồn, dẫn đến sự nóng lên đáng kể ở bề mặt Đông Bắc Thái Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho các hiện tượng nóng lên cực đoan của đại dương.
Các đạo luật về không khí sạch khác nhau được đưa ra ở Trung Quốc vào những năm 2010 đã có hiệu quả trong việc giảm mức độ chất ô nhiễm được đưa vào không khí và kết quả là cải thiện chất lượng không khí.
Nhóm nghiên cứu gợi ý rằng đó không chỉ là tác động bức xạ trực tiếp của các sol khí đang diễn ra. Sol khí (aerosol) là hệ thống các hạt nhỏ rắn hoặc lỏng lơ lửng trong không khí hoặc trong một khí khác. Các hạt này có kích thước rất nhỏ, thường trong khoảng từ vài nanomet đến vài chục micromet.
Có khả năng một phản ứng dây chuyền nóng lên do sự vắng mặt của các sol khí đã giúp thay đổi hệ thống thời tiết, làm giảm tốc độ gió trên các khu vực cụ thể ở Thái Bình Dương và khiến các mảng đại dương trở nên quá nóng ở mức độ lớn hơn.
Những đốm màu này đã dẫn đến cái chết của cá, chim biển và các sinh vật biển khác trên quy mô lớn , cũng như sự nở rộ của tảo độc hại có thể gây tổn hại thêm cho hệ sinh thái khi chúng chặn ánh sáng mặt trời và tiêu thụ oxy.
Sự xuất hiện của các đốm màu Thái Bình Dương và hậu quả tai hại của chúng là một ví dụ khác về sự cân bằng vô cùng mong manh và vô số yếu tố ảnh hưởng đang diễn ra trên khắp hành tinh.