Đôi vợ chồng mù Hà Nội dắt tay nhau bán chổi và câu chuyện tình bền chặt suốt 40 năm khiến ai cũng ngưỡng mộ
Đằng sau hình ảnh ông bà mù dắt tay nhau bán chổi ở Hà Nội là câu chuyện tình yêu đẹp và đáng ngưỡng mộ.
Tại ngã 3 chợ Yên Phụ (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội), ông Bùi Doãn Thụ, 71 tuổi, mù cả hai mắt, dò từng bước đi cẩn trọng. Ông bán chổi đót sạch, từ lâu có tiếng trong vùng, đều đặn mỗi chiều đều mang hàng ra chợ bán.
Một lúc sau, anh Hoàng Anh Dũng, 33 tuổi, trú quận Long Biên, dừng xe hỏi mua 8 cây chổi. Không đủ số lượng do chỉ mang theo 5 cái, ông Thụ nhờ anh Dũng chở về nhà tại ngõ 35 An Dương, cách đó chỉ vài trăm mét để lấy thêm hàng.
Thấy chồng về nhà sớm hơn mọi hôm, bà Trịnh Thị Mai, 69 tuổi, hỏi chuyện rồi nhờ người hàng xóm lên tầng 4 mang theo 10 cây chổi đót xuống nhà. Bà Mai bước đi từ từ và chậm rãi, dò theo từng bức tường, bởi bà cũng bị mù cả hai mắt.
Sau khi câu chuyện về đôi vợ chồng mù bán chổi đót "nổi tiếng" khắp mạng xã hội, điện thoại của ông Thụ réo liên tục. Có người hỏi thăm, cũng có người đặt mua chổi.
"Mình chạy công trình gần chợ Yên Phụ, biết được câu chuyện của ông bà qua mạng xã hội, nên cùng bạn bè gom mua 8 cây chổi để ủng hộ", anh Hoàng Anh Dũng nói.
Ông Bùi Doãn Thụ mang chổi đót đi bán ở ngã ba chợ Yên Phụ
Anh Hoàng Anh Dũng biết đến câu chuyện của vợ chồng ông Thụ nên tìm đến mua ủng hộ
Chuyện tình hai ông bà mù
Năm 3 tuổi, ông Thụ mắc bệnh sởi. Sau khi khỏi bệnh – giai đoạn hậu sởi, do không kiêng kĩ, ông chuyển biến nặng khiến đôi mắt mờ dần. Dù chạy chữa, tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm. Qua từng năm, đôi mắt càng "khép lại" khiến ông không nhìn rõ mặt người, đường đi cũng trở nên "mơ hồ".
Sinh hoạt tại Câu lạc bộ người khiếm thị, ông Thụ gặp bà Mai. Năm 22 tuổi, đầu không mũ nón, bà Mai đội nắng từ hợp tác xã dệt về nhà ở quận Hà Đông. Nắng nóng, bà gội đầu rồi đi ngủ luôn, không ngờ khi tỉnh dậy cơ thể bắt đầu sốt và hai mắt không nhìn thấy gì.
Đến bệnh viện, bà được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7, hỏng võng mạc tận bên trong đáy mắt. Sau này, bà phẫu thuật 3-4 lần tại Bệnh viện Mắt Trung ương nhưng vẫn không thể cứu vãn tình hình.
"Cuối cùng, 22 tuổi – đang tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, tôi khép chặt cửa sổ tâm hồn", bà Mai ngậm ngùi. Hồi mới bị hỏng mắt, bà suy sụp tinh thần, nghĩ rằng "không còn hi vọng gì nữa".
Qua lời giới thiệu của người quen, bà Mai đến sinh hoạt tại Câu lạc bộ khiếm thị, gặp nhiều người cùng hoàn cảnh, cũng dần vơi đi nỗi mặc cảm.
"Những người khiếm thị như chúng tôi gặp nhau vui lắm, tay bắt mặt mừng. Ai cũng thế, rất quý nhau. Tình cảm của những người khiếm thị dạt dào lắm", bà Mai nhớ lại.
Trải qua 40 năm bên nhau, ông Thụ và bà Mai vẫn giữ cách xưng hô "anh - em", tôn trọng lẫn nhau
Anh Dũng mua 8 cây chổi đót ủng hộ ông bà
Ông Thụ gặp và kết bạn với bà Mai tại câu lạc bộ, rồi tìm hiểu, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình nhau. "Anh/ em ở đâu?" là câu hỏi mộc mạc đầu tiên hai ông bà nói với nhau, mở ra một câu chuyện tình đẹp và đáng ngưỡng mộ.
Không hẹn hò lãng mạn, ông Thụ dắt tay bà Mai, chống thêm cái gậy đi khắp nẻo đường. Bà hỏi "Nếu anh xác định hôn nhân, thì về nói chuyện với bố mẹ em. Còn không, chúng ta vẫn là bạn, em còn tính đi hướng khác".
Ông Thụ vốn ít nói, không giỏi thể hiện tình cảm, không hoa, không quà, càng không biết cách "tán", nhưng bà Mai thấu hiểu được sự chân thật của người đàn ông này.
Hôm sau, ông Thụ nhiều lần xuống nhà bà Mai thưa chuyện, nhưng hai bên gia đình có nhiều rào cản. Mẹ bà Mai xót phận con gái vốn đã mù, dặn "tìm người sáng mắt, hiền lành mà lấy. Hai người mù đến với nhau, cuộc sống sau này sẽ vất vả". Dù bố mẹ hai bên không hài lòng, nhưng ông Thụ và bà Mai rất quyết tâm, cố gắng thuyết phục gia đình.
"Anh ấy đến nhà tôi thường xuyên để bố mẹ biết mặt mới gả con gái cho. Sau cùng, bố mẹ cũng đồng ý, dù anh ấy không nhìn thấy gì, nhưng hiền lành, chất phác và tử tế", bà Mai tâm sự.
Trong thâm tâm, bà hình dung người yêu khoẻ mạnh, hiền lành và chịu khó, lại xuất thân từ gia đình nền nếp, nên sẵn lòng "trao thân gửi phận". Chứng kiến những cặp vợ chồng khiếm thị đến với nhau có cuộc sống hạnh phúc, gia đình bà Mai cũng dần đồng ý.
Dù có nhiều người thầm thích, nhưng ông Thụ vẫn chọn bà Mai để gắn bó. Tình yêu 4-5 năm bền bỉ dù bị ngăn cấm đã đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản đơn vào năm 1983. Vài người đại diện hai gia đình, đón dâu bằng xe buýt. Không hoa, không ảnh cưới, chỉ có mỗi bánh pháo để dành lúc cô dâu về nhà chồng đốt linh đình.
Bà Mai mặc quần xoa màu đen, ông Thụ bận quần kaki. Cả hai cùng khoác sơ mi trắng, nắm tay nhau nên duyên vợ chồng. Bà Mai nghẹn ngào hứa với mẹ "Từ nay sướng khổ, con sẽ tự chịu".
"Người bình thường kết hôn còn gặp khó khăn, gian khổ nữa là người khiếm thị. Tôi biết trước cái khổ của cuộc sống hôn nhân, nhưng vẫn bước vào. Mẹ tôi sau này thấy hai con hạnh phúc nên cũng yên lòng", bà Mai kể.
Ông Thụ bà Mai được tổ chức đám cưới tập thể cùng các cặp đôi khiếm thị khác, do một tổ chức từ thiện tài trợ năm ngoái (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Về chung nhà, hai vợ chồng chịu khó làm ăn, mưu sinh bằng nhiều nghề như làm tăm, làm nhựa, bán chổi tại hội người mù. Mỗi tháng, hai ông bà kiếm lãi được mấy chục nghìn, đưa cho mẹ chồng đong gạo.
Dù khó khăn, nhưng chưa bao giờ ông bà lớn tiếng hay cãi vã. Bên nhau gần 40 năm, cặp vợ chồng vẫn xưng "anh – em", tôn trọng đối phương. Ông Thụ nói, ngày xưa thế nào, giờ vẫn thế, là điều mà đến bây giờ ông bà trân quý nhất.
Phải mất một thời gian, bà Mai mới quen được không gian và ngõ ngách tại nhà ông Thụ. Cứ tối đến, khi mọi người đã đi ngủ, bà lại thức dậy tập đi lại trong nhà.
Hàng ngày, hai vợ chồng làm việc tại hội người mù, tối về nhà, bà Mai lại lo cơm nước. Mỗi lần ăn cơm xong, bà sợ đi vấp mấy bậc tam cấp, nhờ chồng bê mâm cơm mang ra ngoài để rửa.
"Tôi làm dâu 30 năm, vẫn cơm nước, đi chợ, bán hàng đầy đủ cho nhà chồng. Ngày xưa làm dâu các cụ hay soi, nhưng may mắn tôi làm được hết nên không bị chê", bà Mai nhớ lại.
Bà Mai được tặng giấy khen thành tích xuất sắc trong phong trào hoạt động của Hội người mù quận Tây Hồ
Hai năm sau, bà Mai mang thai. Trong khi vợ lo lắng, học cách đi đứng nhẹ nhàng và cẩn trọng, thì ông Thụ rất bỡ ngỡ. Đến năm 1986, bà Mai sinh con gái Bùi Thị Thu Thuỷ, nặng 2,7 kg, tại nhà hộ sinh trên phố Hàng Bún. Do không có điều kiện, hai ông bà quyết định không sinh thêm.
"Tôi sinh con gái nhẹ nhàng, được gia đình hai bên hỗ trợ. Tôi vẫn có thể bế ẵm, cho con ăn uống. Được cái con gái cũng dễ nuôi nên chúng tôi cũng đỡ vất vả", bà Mai kể.
Sau sinh, bà về nhà mẹ đẻ ở 1-2 tháng để chăm con cứng cáp hơn. Cứ cách 1-2 tuần, ông Thụ lại bắt xe buýt từ An Dương xuống Hà Đông thăm vợ con để vơi bớt nỗi nhớ nhung.
"Cuộc sống tuy gian nan, nhưng nghị lực. Chúng tôi đã chấp nhận nhau thì phải cố gắng, không phiền hà bố mẹ hai bên", ông Thụ nói.
Khi Thuỷ lớn lên, hai mẹ con dắt tay nhau đến trường. Những hôm đạp xe, con gái cầm lái, còn mẹ ngồi sau thỉnh thoảng đạp hộ. Sau khi Thuỷ đã ngồi ngay ngắn trong lớp học, bà Mai mới chống gậy đi về. May mắn, nhà gần trường nên hai mẹ con đi lại không quá khó khăn.
Bà Mai là người đi họp phụ huynh, nghe cô giáo khen con gái thông minh, học giỏi. Mọi khoản tiền từ học phí, đóng góp,… đều được miễn phí do nhà trường biết hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Chị Thuỷ sau này học Trung cấp, rồi tốt nghiệp Cao đẳng kế toán, hiện có công việc ổn định tại một nhà sách. Chị kết hôn và có hai con (1 trai, 1 gái) dọn về sống cùng bố mẹ tại phố An Dương.
"Cuộc sống của tôi từ bé rất thiệt thòi, không được bố mẹ chở đi chơi, ngày lễ cũng không có quà. Nhưng chính những điều thiệt thòi đó giúp tôi trưởng thành hơn, có ý thức và trách nhiệm với bố mẹ", chị Thuỷ, 36 tuổi, nói.
Chị biết ơn bố mẹ, dù hoàn cảnh khó khăn, vẫn cho con gái được đến trường, có công việc ổn định. Đó là sự nỗ lực và cố gắng của cả ông Thụ bà Mai lẫn chị Thuỷ.
"Tôi rất tự hào về bố mẹ mình, không còn cảm thấy thiệt thòi như hồi bé", chị Thuỷ nói từ đáy lòng, ngưỡng mộ và nể phục tình yêu, tinh thần của bố mẹ. Dù cuộc sống vất vả, hai ông bà vẫn luôn vì con vì cháu, giữ gìn sức khoẻ và tự kiếm tiền, hạn chế tối đa ảnh hưởng cuộc sống các con.
Buổi sáng, hai vợ chồng ông Thụ gia công chổi, để chiều ông mang ra chợ bán (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chị Thuỷ nhớ lại hồi Tết Nguyên đán, bố mẹ đều mắc Covid-19, riêng bà Mai bị nặng, phải chuyển điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn. Bất chấp nguy cơ lây nhiễm, chị xin vào bệnh viện chăm mẹ.
"Cả cuộc đời bố mẹ đã dành những thứ tốt đẹp nhất cho tôi. Bây giờ, là lúc mẹ cần mình, tôi chấp nhận đánh đổi tất cả", chị Thuỷ tâm sự.
Suốt nửa tháng, cô con gái như "điều dưỡng" chăm sóc mẹ. Vất vả, nhưng chị Thuỷ nói "chưa thấm gì so với nhọc nhằn của bố mẹ". Những lúc trời lạnh, bữa cơm nguội ngắt, hai mẹ con cố gắng ăn và động viên tinh thần nhau.
"Mình thích ứng với hoàn cảnh và điều kiện, rồi vượt qua hết. Ngày mẹ âm tính được xuất viện, cả gia đình đều rất vui", chị Thuỷ nhớ lại.
Ông bà phụ giúp con cái nấu cơm, ngắt rau,...
"Không nhìn thấy nhau, nhưng bao năm vẫn gắn bó, nghe nhau nói hàng ngày"
Ông Thụ làm và bán chổi đót được 30 năm. Ngày trước, ông đẩy xe nhỏ đi bán, mò mẫm đến tận chợ Đồng Xuân, hồ Gươm rồi dạo quanh 36 phố phường.
Nhiều năm qua, do tuổi cao, ông chuyển về bán tại ngã ba chợ Yên Phụ gần nhà, khách hàng chủ yếu là người dân trong xóm. Mỗi ngày, hai vợ chồng nhận chổi từ cơ sở sản xuất rồi mang về gia công cẩn thận. Cây chổi bền, chắc, sạch sẽ, có giá 50.000 đồng, nếu giữ gìn cẩn thận có thể sử dụng 1-2 năm.
Cứ mỗi buổi chiều từ 2 đến 5h, ông Thụ lại mang chổi ra chợ bán, có ngày được 5-7 cái. Trước đây, bà Mai cũng theo chồng đi bán, người dân Yên Phụ đã quen với hình ảnh hai vợ chồng mù cầm tay nhau, chống gậy đi bán chổi. 3 năm qua, bà bị đau chân, khớp gối, chỉ ở nhà làm chổi và lo cơm nước cho gia đình.
"Chúng tôi chỉ muốn bán hàng, không nhằm mục đích kêu gọi ủng hộ từ thiện. Trên thực tế, có nhiều người khổ hơn chúng tôi nhiều. Vợ chồng tuy tàn tật nhưng vẫn còn sức lao động, làm ra những sản phẩm chất lượng, không ỷ lại", bà Mai khẳng định.
Ông bà khẳng định bán chổi để có thêm thu nhập, được tiếp xúc với mọi người, không nhằm mục đích kêu gọi ủng hộ từ thiện
Chị Bùi Thị Thu Thuỷ nhận về một số ý kiến chỉ trích "để bố mẹ già lang thang kiếm sống" sau khi chia sẻ câu chuyện. Chị kể dù nhiều lần mong muốn bố mẹ ở nhà, duy trì lượng khách ổn định mua hàng online, nhưng ông bà không đồng ý.
"Bố mẹ tôi rất tự chủ, không muốn phụ thuộc vào con cái. Ông bà bị khiếm thị nên khát khao được ra ngoài giao lưu và tiếp xúc với mọi người. Đặc biệt, khi kiếm ra tiền, dù chỉ lãi 10.000 đồng, bố mẹ cũng rất vui và tích cực", chị Thuỷ nói.
Một số người khác ngỏ ý gửi tiền ủng hộ gia đình, chị Thuỷ đều từ chối, chỉ mong muốn giúp bố mẹ tiêu thụ sản phẩm tâm huyết. "Chúng tôi không nhận tiền từ thiện, chỉ bán hàng thôi. Tôi mong sản phẩm của bố mẹ có tên tuổi, được nhiều người biết đến", chị Thuỷ phân trần.
Ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết vợ chồng ông Thụ, bà Mai không thuộc diện khó khăn trên địa bàn. Hàng tháng, hai ông bà hưởng chế độ trợ cấp, vẫn bán chổi để kiếm thêm thu nhập ở chợ Yên Phụ.
"Chúng tôi là những người khuyết tật trong xã hội, không đóng góp cho cộng đồng, nhưng may mắn được quan tâm và nhận trợ cấp. Chúng tôi luôn biết ơn và không đòi hỏi gì, bởi biết rằng có nhiều người còn khó khăn hơn", bà Mai nói.
Thỉnh thoảng, những dịp rảnh rỗi, hai ông bà lại dắt tay nhau rong ruổi đi chơi, bắt xe buýt lên hồ Gươm tâm sự. Nhiều lúc ngồi với nhau, nhìn lại 40 năm qua, cặp vợ chồng già lại nghĩ "không nhìn thấy nhau, nhưng bao năm vẫn gắn bó, nghe nhau nói hàng ngày".
"Cuộc sống xô đẩy, nếu năm xưa không có lập trường, không có niềm tin, không có tình thương, thì cuộc hôn nhân của chúng tôi không tồn tại được. Tôi xác định bước chân ra khỏi nhà bố mẹ đẻ, là đầy gian nan, vất vả", bà Mai nhớ lại, nở nụ cười hạnh phúc.
Theo Minh Nhân
Tổ Quốc