Đời thật của hai bà mẹ khắc khổ nhất màn ảnh Việt
Nghệ sĩ Ánh Hoa, bà mẹ truân chuyên từ trong phim đến ngoài đời
Màn ảnh Việt Nam xuất hiện không ít các nữ nghệ sĩ chuyên vào vai người mẹ lam lũ, khắc khổ nhưng để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả nhất phải kể đến nghệ sĩ Ánh Hoa và NSƯT Hoàng Yến.
Mới đây, (3/11), đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp là nghệ sĩ đã tiễn đưa nghệ sĩ Ánh Hoa về nơi an nghỉ cuối cùng. Trên mạng xã hội, nhiều người hâm mộ liên tục gửi lời chia buồn đến gia đình nữ nghệ sĩ và chúc cho vong linh “bà mẹ khắc khổ nhất màn ảnh Việt Nam” sẽ lên thiên đường.
Nghệ sĩ Ánh Hoa sinh năm 1941 tại Bến Tre trong một gia đình giàu truyền thống cải lương. Từ năm 7 tuổi, bà đã tham gia nghệ thuật khi giả trai đóng Na Tra trong ở vở “Na Tra lóc thịt”. Sau này, khi kết hôn với “Vua Xàng Xê" Minh Chí, nghệ sĩ Ánh Hoa chuyển qua nghiệp làm bầu, cùng chồng dìu dắt đoàn hát lưu diễn khắp miền Tây. Thời điểm này bà gây tiếng vang với những vai như nhũ mẫu trong “Dương Vân Nga”, bà mẹ trong “Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga”…
Nghệ sĩ Ánh Hoa.
Khi chuyển sang đóng phim, nữ nghệ sĩ được khán giả yêu mến qua các vai diễn người mẹ có số phận khắc khổ nhờ khuôn mặt hiền hậu với nụ cười nhân từ. Đầu tiên là vai bảo mẫu Đô của trong bộ phim “ Người tình - L'Amant” của đạo diễn người Pháp tên Jean Jacques Annaud. Bộ phim sau đó trở thành hiện tượng, mang về cho bà nhiều cơ hội diễn xuất mới, trong đó là vai bà Ti - quản gia một gia đình giàu có ở tác phẩm “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng (năm 1993).
Đến “Dã từ dĩ vãng”, khi vào vai người mẹ già của Hạnh, nghệ sĩ Ánh Hoa gây ấn tượng mạnh với khán giả bởi sự khắc khổ, hi sinh vì con cháu; trong phim, không ít lần bà khiến khán giả sụt sùi với lối diễn xuất mộc mạc, tinh tế của mình. Tiếp đó là nhân vật Tám Luông trong phim “Đất phương Nam” (1997), “Đồng tiền xương máu”, bà Hai trong “Mùa len trâu” và Má Hai ở “Cổng mặt trời”,…
Nghệ sĩ Ánh Hoa trong phim "Dã từ dĩ vãng".
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những vai diễn lận đận, khắc khổ trên màn ảnh đã vận vào cuộc đời nghệ sĩ Ánh Hoa. Bởi gần 30 năm trước, chồng bà qua đời sau thời gian bệnh nặng. Ông mất chỉ vài tháng sau khi bà quay xong phim “Mùi đu đủ xanh”. Sau đó cả 4 đứa con cũng lần lượt qua đời để lại bà một mình, ra vào trong căn nhà dưới chân cầu chữ Y (quận 8, TP. Hồ Chí Minh). Vài năm trước, nghệ sĩ Ánh Hoa về sống cùng người cháu nội trước khi qua đời vào chiều 1/11.
NSƯT Hoàng Yến, bà mẹ khắc khổ trên màn ảnh nhưng có cuộc sống ngoài đời
NSƯT Hoàng Yến sinh năm 1932 tại Hà Nội, bà được coi là một trong những nữ nghệ sĩ gạo cội của làng điện ảnh phía Bắc Việt Nam. Sinh thời nữ nghệ sĩ tham gia nhiều bộ phim như “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Quà năm mới”, “Hoa xuyến chi”, “Bông sen”,… nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến vai bà Vi trong bộ phim truyền hình “Của để dành”.
Bà Vi trong "Của để dành".
“Của để dành” là bộ phim truyền hình dài tập phát sóng lần đầu vào năm 1998 ca ngợi tình mẫu tử sâu sắc và gây được tiếng vang lớn cũng như làm nên tên tuổi của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Trong phim, NSƯT Hoàng Yến vào vai bà Vi – người mẹ của ba đứa con gồm Thanh (cố NSND Anh Tú), Tiến (Hồng Tuấn) và Thư (Thu Hường). Do bà Vi thường xuyên bệnh tật trong khi cả ba người con quá bận rộn nên họ quyết định tìm người giúp việc cho mẹ. Tuy nhiên tất cả đều không ở lại được lâu.
Quá thất vọng về các con nên bà Vi bỏ đi. Chỉ khi ấy, ba người con mới nhận ra mẹ quan trọng thế nào và cuống cuồng đi tìm. Cuối cùng, khi cảm thấy đã dạy cho các con một bài học sâu sắc, bà Vi quyết định quay về nhà. Khán giả nhận xét, NSƯT Hoàng Yến đã Khắc họa sắc nét hình ảnh một bà mẹ đáng thương trên màn ảnh bằng gương mặt mệt mỏi, khắc khổ cùng những cử chỉ chân thực.
Trong lần trò chuyện với Tiền Phong trước khi qua đời vào chiều ngày 4/7, NSƯT Hoàng Yến tâm sự: “Có lẽ bà Vi là vai diễn tôi không bao giờ quên trong cuộc đời này. Những phân cảnh tôi ngã, tôi khóc đều đến từ cảm xúc chân thật nhất. Khi quay phim có nhiều kỉ niệm đẹp lắm nhưng tôi chỉ biết gọi tên nó là đẹp chứ không còn nhớ được nhiều nữa đâu, tôi già rồi mà.
NSƯT Hoàng Yến.
Nhưng tôi vẫn nhớ sau khi phim phát sóng, ra đường có khán giả chạy đến bảo “Cho con ôm bà một cái, bà diễn thật như chính cuộc sống của mình làm con thuơng quá”. Mà đâu phải một người, một lần mà có nhiều người cũng từng chạy đến bên tôi bảo vậy. Đến tận bây giờ, lâu lâu đi đâu, nhiều người nhận ra, vẫn gọi tôi với cái tên cũ là “bà Vy bà Vy” rồi đứng nói chuyện chào hỏi rất vui vẻ. Người nghệ sĩ như tôi chỉ cần có vậy là đủ".
Theo hàng xóm và nhiều nghệ sĩ, mặc dù chuyên đóng vai khắc khổ trên phim nhưng ngoài đời NSƯT Hoàng Yến có một cuộc sống yên ấm với người chồng là đạo diễn Hồng Minh (từng công tác tại Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam). Các con của ông bà sau này cũng nối nghiệp cha mẹ; trong đó con gái là nghệ sĩ Hoàng Hương – diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam còn con trai là Hoàng Phương – công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam.
Những năm cuối đời bà sống viên mãn bên các con, các cháu trong căn nhà nằm trong ngõ trên đường Quang Trung (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Diễn viên Ánh Hoa 20 năm cô độc khi chồng và 4 con đều mất sớm
Tình sóng gió của cô đào 'biết hát trước biết nói'
Diễn viên Ánh Hoa từng chia sẻ bà biết hát trước biết nói. Bởi vậy 7 tuổi bà đóng vai Nghi Xuân trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa, lên 12 đóng Na Tra tuồng Na Tra lóc thịt. Nhờ thế từ nhỏ Ánh Hoa mang danh thần đồng.
Ánh Hoa và Minh Chí ngày ấy.
Càng lớn, bà ca càng "mùi", được mệnh danh là "Út Trà Ôn 2" vì cách hò vọng cổ êm và buồn giống hệt vua vọng cổ. Năm tháng xuân thì, Ánh Hoa có đủ mọi thứ: nhan sắc, sự nghiệp và tình yêu với nghệ sĩ Minh Chí.
Bà quen cố danh ca thời đóng Đầu xanh vương khổ hận. Từ xem như anh lớn trong nhà (Minh Chí hơn Ánh Hoa 17 tuổi - PV), bà nảy sinh tình cảm với đàn anh khi ca diễn chung. Chuyện tình sóng gió tới nỗi, Minh Chí từng phải hầu tòa vì bị ba Ánh Hoa tố cáo. Bà bầu 6 tháng cũng là lúc chồng đi tù, lúc Minh Chí ra tù thì bà đã sinh con gái đầu lòng.
Chuyện tình rầm rộ hủy hoại sự nghiệp của Minh Chí. Ông nỗ lực quay lại nghề, lập gánh hát 2 lần vẫn sớm tan rã. Khi cay đắng nhận ra mình không còn đường quay lại, Minh Chí buông bỏ nhưng chưa từng oán thán hay trách Ánh Hoa.
Bén duyên điện ảnh thì chồng mất
Sau tháng ngày đi hết đoàn này đến đoàn khác, vợ chồng Ánh Hoa - Minh Chí mua trả góp căn nhà nhỏ gần cầu chữ Y (Quận 8, TP.HCM). Bà nghỉ hát, bán cơm tấm, vợ chồng đỡ đần nhau sống qua ngày. Quán cơm tấm nổi tiếng đến mức trong khu vực cứ hỏi người dân là biết.
Một hôm nọ, đang lúi húi nấu cơm Ánh Hoa được lời mời từ đoàn phim Người tình (đạo diễn Jean Jacques Annaud). Sau đó, bà tiếp tục đóng một vai nhỏ trong Mùi đu đủ xanh (đạo diễn Trần Anh Hùng) ở Pháp. Ánh Hoa lòng đầy hân hoan, nghĩ sẽ kiếm được tiền trả hết tiền mua nhà.
Hai tháng sau, Ánh Hoa về, vui vầy chưa bao lâu thì chồng đổ bệnh. Đúng 10 ngày sau ông mất, đó là vào năm 1995. Khi ấy mọi thứ ập đến quá nhanh bà thấy tiền bạc, danh vọng, quyền lực... đều trở nên vô nghĩa với mình.
Ánh Hoa (phải) và NSND Bạch Tuyết trong "Bên cầu dệt lụa".
"Cái chết ập đến gia đình tôi bao giờ cũng choáng váng, đột ngột và thảng thốt. Tôi nhớ gương mặt non nớt, xanh xao của đứa con gái lên 10 với ánh nhìn trân trối ám ảnh. Nó đau 5 ngày rồi đi lặng lẽ", bà từng nói về con gái đầu mất ngay hôm 30 Tết. Ba người con còn lại của bà lần lượt qua đời. Con thứ 2 mất năm 2016, con thứ 3 mất năm 50 tuổi. Khi trong nhà chỉ còn hai mẹ con thui thủi, con trai út của bà qua đời năm 24 tuổi do tai nạn giao thông.
Căn nhà trống hoác, Ánh Hoa bán đi lấy tiền lãi hàng tháng thuê 1 căn nhà ở đường Trần Xuân Soạn (Quận 7, TP.HCM). Bà sống đơn độc, thỉnh thoảng có em gái qua ăn cơm chung. 20 năm qua, cuộc sống của bà vẫn diễn ra như vậy.
Nghệ sĩ Ánh Hoa tham gia "Ký ức vui vẻ".
Nghệ sĩ Ánh Hoa mất trưa 1/11, em gái bà khóc nức nở bên kia điện thoại khi phóng viên VietNamNet hỏi thăm.
Có hai câu thơ bà rất thích thủa sinh thời: Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng / Được, mất, bại, thành bỗng chốc hoá hư không. Thật vậy, với đời bi kịch, nghệ sĩ Ánh Hoa không có gì luyến tiếc chuyện được, mất, thành, bại như nhân thế nữa.
Trong sự nghiệp, nghệ sĩ Ánh Hoa đóng hơn 60 phim, như Người đẹp Tây Đô, Xóm nước đen, Đất phương Nam, Đồng tiền xương máu, Mùa len trâu... Bà luôn được mời đóng vai lão, đặc biệt là các vai bà mẹ khắc khổ và phúc hậu.
Nếu tính trọn vẹn sự nghiệp, bà đóng hơn 200 vai lão. Bà diễn bi nhiều, khóc nhiều, về già thì nước mắt "như sương đêm hè". Ánh Hoa đóng những vai này dẫu lay động lòng người nhưng không cần diễn nhiều. Vì lẽ, đời bà vốn buồn hơn bất cứ cuốn phim nào trong sự nghiệp của mình rồi.
Diễn viên Ánh Hoa trong trích đoạn kết phim 'Đồng tiền xương máu'
Gia Bảo
Nguồn : https://vietnamnet.vn/dien-vien-anh-hoa-20-nam-co-doc-khi-chong-va-4-con-deu-mat-som-685402.html