Đội quân “Thiên thần Động Giáp” góp công lớn đánh bại 30 vạn quân Tống
Trong đoạn lịch sử bảo vệ biên cương và chống quân Tống, nổi bật có đội quân do họ Thân dẫn đầu, được mệnh danh là "Thiên thần Động Giáp".
Vào thời nhà Lý, vùng biên giới phía bắc với nhà Tống rất bất ổn. Nhà Tống thực hiện chính sách chiêu dụ dân chúng về với mình để chiếm đất, đồng thời lấn dần các vùng đất biên giới. Đối phó với kế hoạch này của nhà Tống, các triều vua Lý kết thân với các tù trưởng, phối hợp cùng họ giữ vững vùng biên. Trong đoạn lịch sử này nổi bật có đội quân do họ Thân dẫn đầu, được mệnh danh là “Thiên thần Động Giáp”.
Họ Thân ở Lạng Châu
Vào thời đầu nhà Lý ở Lạng Sơn và phía bắc của Bắc Giang (Lạng Châu) thường hay được gọi là Động Giáp, bởi người dân trong vùng đều mang họ Giáp. Cai quản vùng Động Giáp rộng lớn này là tù trưởng người Tày tên là Giáp Thừa Quý, gia đình ở Chi Lăng, Lạng Sơn.
Sau khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi, để ổn định vùng biên giới phía bắc, nhà Vua tăng cường mối quan hệ giao hảo với các tù trưởng. Nhận thấy vùng Lạng Châu rất then chốt nên vua đã gả con gái cho tù trưởng và phong làm phò mã.
Giáp Thừa Quý được vua gả con gái là Lĩnh Nam công chúa và phong làm phò mã, đổi từ họ Giáp (甲) sang họ Thân (申) bằng cách thêm một nét.
Thân Thừa Quý được xem là ông tổ của dòng họ Thân, vài đời sau đều được lấy công chúa, phong làm phò mã và làm châu mục Lạng Châu, cai quản và bảo vệ vùng biên giới phía đông bắc.
Cháu nội của Thần Thừa Quý là Thân Cảnh Phúc. Năm 1066, Thân Cảnh Phúc được Vua gả công chúa Thiên Thành, và trở thành Phò mã.
Thua trận Ung Châu, 30 vạn quân Tống tấn công báo thù
Lấy tấn công làm phòng thủ, năm 1075 Lý Thường Kiệt chỉ huy toàn quân Đại Việt tiến sang đất Tống, tiến đến tận thành Ung Châu nhằm thiêu hủy quân trang và quân lương ở đây. Tuy nhiên tại Ung Châu, Lý Thường Kiệt đã hạ lệnh thảm sát người dân vì thành không chịu hàng.
Phò mã Thân Cảnh Phúc tham gia cuộc tiến công này và lập công lớn.
Nhà Tống mất mặt đến mức quyết định nhượng bộ Tây Hạ ở phía Tây, cắt đất dâng cho nước Liêu ở phía Bắc, nhằm huy động các cánh quân tinh nhuệ xuống phía Nam tiến đánh Đại Việt để phục thù.
Đầu năm 1077, tướng Quách Quỳ dẫn 30 vạn quân, trong đó có 10 vạn quân chủ lực và 20 vạn phu phen tiến đánh Đại Việt.
Quyết không hàng Tống
Ải Chi Lăng luôn là nơi hiểm yếu ngăn quân phương bắc, phò mã Thân Cảnh Phúc cùng quân của Triều đình nhận lệnh trấn giữ ải xung yếu này.
Trong các Tù trưởng vùng Khê Động, sử nhà Tống đánh giá rất cao Thân Cảnh Phúc, Lưu Kỷ và Tông Đản. Phò mã Thân Cảnh Phúc chỉ có 5.000 quân, dù là quân địa phương nhưng quen tác chiến địa hình phức tạp rừng núi nên rất lợi hại.
Cánh quân tinh nhuệ của Tống dưới sự chỉ huy của chủ tướng Quách Quỳ từ châu Minh, Bằng Tường tiến vào Lạng châu.
Quân Tống dùng tiền và của cải, chức tước vừa mua chuộc, vừa đe dọa để các Tù trưởng biên giới về với mình. Nhưng Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên, Thân Cảnh Phúc ở động Giáp vẫn trung thành với nhà Lý, quyết chiến chống quân Tống, Quách Qùy không sao chiêu hàng được.
Quách Qùy sai phó đô tổng quản Yên Đạt đem quân đánh Lưu Kỷ, nhưng quân Tống thua to, 3.000 quân bị bắt. Nhưng Quách Qùy lại phao tin rằng Lưu Kỷ đã đầu hàng rồi, khiến cho các thủ lĩnh khác là Sầm Khánh Tân, Nùng Thuận Ninh, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An tưởng thật nên cũng đầu hàng theo.
Lưu Kỷ rơi vào tình thế bị hiểu nhầm, các Tù trưởng xung quanh lại đều hàng Tống, nên đành đầu hàng theo. Chỉ còn lại Thân Cảnh Phúc không hàng mà quyết chống Tống.
Quân Thân Cảnh Phúc cùng quân Triều đình lợi dụng địa hình hiểm trở đã chặn đứng quân Tống ở ải Quyết Lý hiểm trở. Nhưng quân Tống ỷ có quân đông lại đều là quân tinh nhuệ dũng mãnh, có nhiều kinh nghiệm khi đánh quân Tây Hạ, nên cuối cùng cũng vượt qua ải này, chiếm được trị sở Lạng châu.
Để tiến xuống phía nam, quân của Quách Quỳ phải qua được ải Chi Lăng. Quách Qùy dò biết có phục binh, nên quyết định chia quân làm hai cánh: kỵ binh theo đường tắt vòng về phía tây, qua Vạn Linh (thuộc huyện Chi Lăng giáp huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) tiến xuống bờ bắc thượng lưu sông Cầu (Thái Nguyên); cánh còn lại đi vòng sang đánh bọc hậu vào quân Đại Việt đang mai phục ở ải Chi Lăng.
Để tránh bị đánh bọc hậu, Thân Cảnh Phúc cùng quân Triều đình phải rút lui. Quân Triều đình rút trở về, trong khi các thủ lĩnh khác đều đã hàng, chỉ còn Thân Cảnh Phúc thân cô thế cô, nên quyết định cho quân của mình vào Động Giáp đánh vào hậu phương quân Tống.
“Thiên thần Động Giáp”
Trong khi quân Tống tiến xuống nam giao tranh với quân Triều đình, thì những trận đánh tập kích bất ngờ của Thân Cảnh Phúc khiến quân Tống bị thiệt hại, không tiến nhanh được, giúp phòng tuyến Như Nguyệt đứng vững trước những đợt tấn công của quân Tống.
Mỗi khi bị quân Tống tấn công thì Thân Cảnh Phúc lại cho quân và dân cùng rút, thực hiện vườn không nhà trống nên vừa bảo toàn được lực lượng, lại khiến quân Tống không cướp bóc được gì. Lối đánh xuất quỷ nhập thần khiến quân Tống than thở và gọi đội quân này là “Thiên thần động Giáp”.
Các cuộc vận chuyển thuốc men, lương thực, quân nhu của dân phu Tống đều bị quân của Thân Cảnh Phúc tiến đánh, khiến quân Tống khốn đốn.
Thiếu tiếp viện hậu cần, quân Tống phải cắt bớt quân ở bờ bắc sông Như Nguyệt ngược lại phía bắc để yểm trợ cho dân phu hậu cần, đám dân phu cũng phải trang bị vũ khí để sẵn sàng chống đỡ.
Trong một trận đánh ác liệt ở Lục Ngạn (Bắc Giang), phò mã Thân Cảnh Phúc tử trận. Tương truyền sau khi ông hy sinh, ngựa của ông đã đưa về đến Từ Hả (Hồng Giang, Lục Ngạn).
Thân Cảnh Phúc ngã xuống, nhưng ông đã truyền tinh thần cho binh lính cùng các Châu Mục khác, cuộc chiến phía sau quân Tống vẫn tiếp diễn. Sau 2 tháng, 20 vạn dân phu Tống thường xuyên bị tập kích tử trận quá nửa, dân phu Tống không chịu nổi nỗi khổ cực khi phải làm việc quá tải nên ốm yếu liên tục và không muốn làm việc tiếp.
Sách “Tục tư trị thông giám trường biên” có ghi chép lại các báo cáo quân Tống về Triều đình rằng: “Lương ăn của chín đạo quân đã cạn. Lúc ra đi quân có 10 vạn, phu có 20 vạn. Vì nóng nực và lam chướng, quân phu đã chết mất quá nửa rồi, còn non nửa cũng đều ốm”.
Tình huống hai đầu thọ địch nguy hiểm
Quân Tống ở bờ bắc sông Như Nguyệt không còn đủ lương thực, thuốc men, khẩu phần ăn bị cắt giảm, sức chiến đấu suy giảm nghiêm trọng.
Quân Tống hoàn toàn bế tắc trước phòng tuyến sông Như Nguyệt, nhưng lúc này ở phía nam liên quân Chiêm Thành, Khmer đang tiến đến Thăng Long. Đại Việt 2 đầu đều thọ địch, tình huống khiến Lý Thường Kiệt phải nhanh chóng ra kế sách.
Các cánh quân Đại Việt liên tục tập kích đánh vào trại quân của chủ tướng Quách Qùy, khiến quân Tống nghĩ quân Việt muốn đánh vào đây và ra sức phòng thủ. Đúng lúc đó quân chủ lực Đại Việt bất ngờ đánh vào trại phó tướng Triệu Tiết ở phía tây. Bị đánh bất ngờ, quân Tống ở đây thảm bại, tử trận rất nhiều, phải bỏ chạy sang trại của Quách Qùy.
Quân Tống lúc này cũng cạn lương, tinh thần rất thấp. Đứng trước tình hình liên quân Chiêm Thành, Khmer áp sát Thăng Long, Lý Thường Kiệt quyết định gửi thư nghị hòa với quân Tống.
Quân Tống nhận được thư nghị hòa thì mừng rỡ như chết đuối vớ được cọc, liền đồng ý ngay.
Tin quân Tống nghị hòa bay đến, liên quân Chiêm Thành, Khmer không ngờ rằng quân Tống lại thảm bại, nên sợ hãi không dám tiến tiếp mà thoái lui.
Tưởng nhớ
Phò mã Thân Cảnh Phúc có công rất lớn trong đoạn lịch sử này. Ông đã vực dậy tinh thần cho các binh lính và Tù trưởng dân tộc thiểu số vùng biên giới trong hoàn cảnh nhiều Tù trưởng khác đã hàng Tống. Ông cũng đề xuất ra cách đánh tiêu hao binh lực Tống, và chặn mất tuyến đường tiếp lương, khiến quân Tống khốn đốn, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc.
Ba đời họ Thân có công với đất nước gồm Thân Thừa Quý, Thân Thiệu Thái và Thân Cảnh Phúc đều được lập đền thờ Đình Thân ở Hương Sơn, huyện Lạng Giang, thị trấn Đồi Ngô huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Đình được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp nhà nước ngày 28/4/1994. Lễ hội nơi đây được tổ chức trong ba ngày từ 5 đến 7 tháng Giêng hàng năm.
Ngoài ra khu di tích đền Từ Hả (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cũng là nơi thờ tướng quân Vũ Thành (tên thật của Thân Cảnh Phúc), người dân miền núi nơi đây thì hay gọi là Vua. Hình ảnh tướng quân bảo vệ Giang Sơn, ghi dấu ấn với người dân ở sông Lục qua các câu truyện dân gian và truyền thuyết kể lại.
Trần Hưng
Xem thêm :
Mời xem video :