Đối phó lạm phát kỷ lục, Ngân hàng trung ương châu Âu tăng lãi suất
Để đối phó với mức lạm phát kỷ lục, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hôm qua (09/6) tuyên bố thực hiện các đợt tăng lãi suất vào tháng 7 và tháng 9 tới.
Trong thông cáo đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng thống đốc ngày 9/6 tại thành phố Amsterdam (Hà Lan), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết cuộc xung đột tại UkrainE đã đẩy mức lạm phát trung bình trong tháng 5/2022 tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng kỷ lục lên 8,1%, cao hơn gấp 4 lần so với con số mà tổ chức đặt ra. 14/19 nền kinh tế thuộc khu vực Eurozone ghi nhận mức lạm phát vượt 8,1%, trong đó có Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha.
ECB dự báo mức lạm phát cả năm 2022 của khu vực đồng euro sẽ là 6,8%, trước khi giảm về 3,5% trong năm 2023 và 2,1% trong năm 2024. Trước mức lạm phát tăng cao, định chế tài chính lớn nhất châu Âu nhận định các biện pháp hỗ trợ tiền tệ không còn cần thiết và xác nhận sẽ chấm dứt chương trình “nới lỏng định lượng” mua ròng tài sản kể từ ngày 01/7 tới.
Công cụ tài chính này đã được ECB áp dụng từ năm 2015, với quy mô khổng lồ lên tới 5.000 tỷ Euro để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế Eurozone sau cuộc khủng hoảng nợ công. ECB cũng đã duy trì mức lãi suất tiền gửi ở mức âm 0,5% kể từ năm 2014 để chống giảm phát.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Chủ tịch ECB bà Christine Lagarde cho biết, song song với quyết định chấm dứt chương trình mua nợ, ECB đã lên kế hoạch cho các đợt tăng lãi suất cơ bản đầu tiên sau hơn một thập kỷ: “Chúng tôi dự tính sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 7 tới. Dài hạn hơn, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 9 và biên độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào triển vọng về mức lạm phát trong trung hạn”.
ECB nhận định cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế. Tổ chức này đã hạ mức dự báo tăng trưởng của khu vực Eurozone xuống còn 2,8% năm 2022 và 2,1% cho các năm 2023 và 2024./.
Theo Mạnh Hà