'Đói' nhân lực công nghệ thông tin

Chia sẻ Facebook
08/07/2022 13:16:11

Theo các doanh nghiệp, dù đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhân tài và lùng sục khắp nơi nhưng vẫn không kiếm đủ người cho nhu cầu phát triển sau dịch.

Hoạt động đào tạo sinh viên ngành CNTT tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng - Ảnh: T.L.


Chạy khắp miền Trung để tuyển nhân sự

Một trong những doanh nghiệp đau đầu nhất với bài toán nhân sự có lẽ là FPT Software miền Trung, do nhân lực CNTT tại miền Trung cực kỳ hiếm. Với kế hoạch mở rộng quy mô nhân sự lên 10.000 người vào năm 2024, doanh nghiệp này dự kiến tuyển dụng thêm 8.000 người (kể cả bù cho lực lượng nghỉ việc).

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn bởi các trường tại Đà Nẵng chỉ đào tạo được khoảng 2.000 sinh viên CNTT mỗi năm, trong khi nhu cầu về nhân lực CNTT của các doanh nghiệp rất lớn. Ông Lee Jong Wook - giám đốc Trung tâm phát triển giải pháp linh kiện xe hơi, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với 200 kỹ sư đang làm việc tại Đà Nẵng - cho hay vẫn phải tuyển dụng nhân tài từ TP.HCM và Hà Nội trong lúc chờ đợi nguồn tại chỗ.


Do đó, theo ông Lee, chính quyền địa phương cần phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển các doanh nghiệp.

"Để trở thành TP với nền tảng CNTT, cần phải có sự hợp tác với các công ty toàn cầu mà chìa khóa của hợp tác chính là sự giao tiếp với con người là trọng tâm.

Chúng tôi hy vọng chính quyền tạo điều kiện để doanh nghiệp và cơ sở giáo dục gặp gỡ thường xuyên nhằm thảo luận về các kế hoạch hợp tác đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động", ông Lee Jong Wook nói.


Doanh nghiệp sẵn sàng chung tay đào tạo


Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Nguyễn Tấn Khôi, trưởng khoa CNTT Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, nhìn nhận nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT đang ở mức rất cao và ngày càng tăng, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng.

Đây cũng là câu chuyện gây đau đầu không ít với các doanh nghiệp CNTT trong nước cũng như doanh nghiệp FDI khi muốn tuyển dụng nhân lực CNTT, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do đó, theo ông Khôi, trường đang có kế hoạch mở rộng quy mô tuyển sinh, phối hợp cùng các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên sớm trải nghiệm môi trường doanh nghiệp.


"Chúng tôi định hướng đào tạo lĩnh vực công nghệ mới như khoa học dữ liệu, blockchain, AI, điện toán đám mây, an toàn và bảo mật thông tin. Đây sẽ là những chuyên ngành mũi nhọn dẫn dắt xu hướng phát triển CNTT trong tương lai", ông Khôi cho biết.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến - tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, tập đoàn này sắp khánh thành 5 nhà máy gia công thiết bị điện tử tại Đà Nẵng để đón đầu xu hướng chuyển dịch sản xuất, đồng thời nghiên cứu và phát triển sản phẩm CNTT riêng.

"Do đó chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng địa phương trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Đà Nẵng", ông Tiến nói.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) tại Đà Nẵng cho biết phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh thị trường phát triển nóng, các trường đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu.


Theo ông Nguyễn Văn Quảng - bí thư Thành ủy Đà Nẵng, địa phương này sẽ sớm ban hành đề án phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030; tăng cường tổ chức các chương trình, hoạt động kết nối cung - cầu nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng sẽ có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo địa phương, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trong việc thu hút lao động lành nghề, đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ năng thực tiễn mà doanh nghiệp cần...

Những năm qua, ngành công nghệ thông tin (CNTT) và du lịch TP Đà Nẵng luôn đạt mức tăng trưởng ấn tượng và trở thành hai ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng trong cơ cấu kinh tế thành phố.

Chia sẻ Facebook