Đôi nét về tướng Mộc Thạnh nhà Minh và “Mộc phủ” nổi tiếng Vân Nam
Đã có lúc chủ nhân của "Tử Cấm Thành phương Nam" là Mộc Thạnh, một Vương Hầu nổi tiếng, từng dẫn quân tiến đánh Giao Chỉ và bại trận...
Ngày nay những ai đi du lịch đến tỉnh Vân Nam Trung Quốc hẳn không thể bỏ qua địa danh Mộc phủ, nơi từng được xem là Tử Cấm Thành của phương Nam. Đã có lúc chủ nhân của Mộc phủ này là một Vương Hầu nổi tiếng, từng dẫn quân tiến đánh Giao Chỉ và bại trận. Đó chính là danh tướng Mộc Thạnh của nhà Minh.
Gốc gác
Tổ tiên Mộc phủ vốn có gốc gác là người Hồi ở Vân Nam. Trước đây vùng đất này là của vương quốc Đại Lý, khi quân Mông Cổ chiếm được Đại Lý, tổ tiên của Mộc phủ được giao làm thổ ti cai quản vùng đất này.
Khi Chu Nguyên Chương khởi nghĩa chống quân Nguyên, trong dòng họ này có người theo Chu Nguyên Chương và lập công lớn. Khi Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Minh, hiệu là Minh Thái Tổ, thì đã nhận người ấy làm con nuôi, phong làm Kiềm Ninh Vương, ban cho họ Mộc của người Hán, gọi là Mộc Anh.
Năm 1381, Mộc Anh dẫn quân đến Vân Nam đánh bại quân Nguyên và lực lượng người Hồi theo quân Nguyên. Từ đó Mộc Anh được giao cho cai quản vùng Vân Nam. Con cháu truyền đời họ Mộc kế thừa tổ tiên tiếp tục cai quản vùng đất này.
Mộc Thạnh là con thứ hai của Mộc Anh, vốn giống cha thích đọc sách và ăn nói có chừng mực, chậm rãi nên rất được lòng Minh Thành Tổ. Mộc Thạnh tham gia quân Nguyên, thăng dần lên chức Tây Bình hầu, trấn giữ vùng đất Vân Nam.
Tiến đánh Giao Chỉ
Năm 1406, quân Minh tiến đánh nhà Hồ, theo Đại Việt Sử ký Toàn thư và Minh sử thì quân Minh đưa 80 vạn quân tiến đánh, nhưng các nhà nghiên cứu sau này cho rằng chỉ có 20 vạn quân là hợp lý hơn.
Mộc Thạnh được cử làm phó tướng chỉ huy quân Minh tiến đánh nhà Hồ. Dù gặp phải khó khăn khi đối đầu với thần cơ thương pháo, nhưng cuối cùng quân Minh cũng giành được chiến thắng, bắt được cha con Hồ Quý Ly vào năm 1407.
Sau chiến công đánh bại nhà Hồ, giúp nhà Minh chiếm được và cai trị Giao Chỉ, Mộc Thạnh về nước. Năm 1408, Mộc Thạnh được phong Kiềm Quốc Công, thêm hàm Thái Phó cùng nhiều bổng lộc.
Lúc này tại Giao Chỉ, con trai Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông là Trần Ngỗi tự xưng Hoàng Đế (hiệu là Giản Định Đế) lập ra nhà Hậu Trần, dấy binh chống lại quân Minh. Quân Hậu Trần chiến được vùng đất phía nam, rồi tiếp tục kéo quân ra bắc.
Năm 1408, nhà Minh cử Mộc Thạnh làm Chinh di tướng quân đưa 5 vạn quân sang Giao Chỉ.
Lần đầu nếm mùi thất bại lớn
Mộc Thạnh đưa 5 vạn quân sang, hợp với năm vạn quân Minh ở Giao Chỉ, tổng cộng là 10 vạn quân tiến đánh nhà Hậu Trận ở Nam Định. Chỉ huy quân Hậu Trần là tướng quân Đặng Tất bố trí thế trận ở Bô Cô quyết chiến với quân Minh tại đây.
Kết quả quân Hậu Trần dù chỉ có 6 vạn quân nhưng đã đánh cho quân Minh thảm bại. 10 vạn quân Minh cùng nhiều tướng lĩnh bị tiêu diệt hoàn toàn. Mộc Thạnh phải cùng tàn quân chạy vào thành Cổ Lộng gần đấy. Đây là thất bại lớn đầu tiên trong cuộc đời Mộc Thạnh.
Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép về trận Bô Cô như sau:
“Bấy giờ nhà Minh sai tổng binh Mộc Thanh mang tước Kiềm quốc công, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ Vân Nam đến Bô Cô, vừa khi vua cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, sai các quân đóng cọc giữ, và lên hai bên bờ đắp lũy. Thạnh cũng chia quân thủy, quân bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh, các quân thừa cơ xông ra đánh, từ giờ Tỵ đến giờ Thân, quân Minh thua chạy, chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, cùng quân mới, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn về thành Cổ Lộng”
Minh Thực Lục ghi chép rằng:
“Ngày 24 tháng 12, năm Vĩnh Lạc thứ 6 [9/1/1409]. Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh giao tranh với đầu đảng giặc Giao Chỉ, Giản Định, tại sông Sinh Quyết bị thua. Đô đốc thiêm sự Lữ Nghị, Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Tham chính Giao Chỉ Bố chánh ty Lưu Dục đều chết”.
May mắn thay cho Mộc Thạnh, sau thắng lợi này, quân Hậu Trần chia rẽ khiến các chủ tướng là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Dị bị giết, hầu hết binh tướng đều bỏ Giản Định Đế mà đi. Lợi dụng tình hình đó quân Minh từ thành Đông Quan (thành Thăng Long) đến Cổ Lộng đón Mộc Thạnh chạy thoát về Đông Quan.
Xem thêm:
Nhà Hậu Trần – P1: Đại chiến bến Bô Cô đánh bại 10 vạn quân Minh
Đánh bại nhà Hậu Trần
Lợi dụng nhà Hậu Trần chia rẽ, Mộc Thạnh cho quân gia cố thành Đông Quan, đặt thêm đại bác phòng thủ. Vua Minh cũng cử Trương Phụ trở lại Giao Chỉ với viện binh 13 vệ quân gồm 78.400 quân chủ lực. Ngoài ra còn có 7.000 quân hộ vệ đặc biệt tinh nhuệ. Như vậy viện binh quân Minh tổng cộng lần này là 85.400 quân.
Về phía nhà Hậu Trần, lực lượng hầu như đều theo Trùng Quang Đế, còn Giản Định Đế được phong làm Thượng Hoàng. Tuy nhiên Giản Định Đế không muốn theo Trùng Quang Đế, khi quân Hậu Trần rút lui khỏi Hạ Hồng (thuộc Hải Dương ngày nay), Giản Định Đế lại tách riêng ra, bị Trương Phụ cùng Mộc Thạnh dẫn quân truy đuổi và vây bắt được, cho người giải về Nam Kinh.
Với lực lượng vượt trội, Mộc Thạnh cùng Trương Phụ giao chiến với nhà Hậu Trần cùng các cuộc khởi nghĩa khác, đến năm 1414 thì đánh bại được nhà Hậu Trần. Trùng Quang Đế, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị đều tuẫn quốc.
Đánh bại được nhà Hậu Trần, Mộc Thạnh trở về nước. Ngay sau đó ở Giao Chỉ, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhà Minh dù nhiều lần đưa viện binh sang Giao Chỉ nhưng đều bị quân Lam Sơn đánh cho thảm bại. Quân Minh phải rút hết vào thành cố thủ chờ thêm viện binh sang.
Nhà Hậu Trần – P8: Chỉ tiếc không lật ngược được thế cờ
Trận đánh cuối cùng ở Giao Chỉ
Năm 1427, nhà Minh đưa thêm 15 vạn viện binh sang Giao Chỉ do Tổng binh Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy, chia làm 2 đường tiến sang. Liễu Thăng chỉ huy 10 vạn quân theo đường Lạng Sơn, Mộc Thạnh chỉ huy 5 vạn quân tiến sang từ Vân Nam.
Liễu Thăng mới lập chiến công khi đàn áp các cuộc nổi dậy trong nước, nên khí thế rất cao, muốn nhanh chóng tiến quân nhanh dẹp yên Giao Chỉ để lập công. Trong khi đó Mộc Thạnh vốn có nhiều kinh nghiệm từ Giao Chỉ nên quyết định đánh chắc thắng chắc, chỉ đưa quân tiến đến ải Lê Hoa ở biên giới thì dừng lại, nghe ngóng xem tình hình quân Liễu Thăng thế nào mới tính tiếp.
Liễu Thăng cùng kỵ binh tiên phong tiến rất nhanh, không nghe lời can ngăn của các tướng mà thúc quân đuổi theo quân Lam Sơn. Đến ải Chi Lăng, quân tiên phong của Liễu Thăng bất ngờ bị phục binh quân Lam Sơn tiêu diệt, Liễu Thăng bị chém và tử trận.
Cánh quân theo đường Lạng Sơn cố tiến tiếp nhằm giải vây cho thành Đông Quan, nhưng liên tục bị vây đánh đến tận thành Xương Giang. Quân Minh tướng thì tử trận, tướng thì tự tử, đến Xương Giang lại bị quân Lam Sơn tấn công dồn dập khiến 5 vạn quân bị tiêu diệt, hơn 3 vạn quân còn lại bị bắt. Cánh quân 10 vạn tiến theo đường Lạng Sơn bị đánh diệt hoàn toàn.
Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ.
(Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi)
Quân Lam Sơn cho một số tướng quân Minh đã bị bắt mang theo sắc thư, phù ấn của Liễu Thăng đến chỗ quân Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa. Tin 10 vạn quân bị thảm bại, Liễu Thăng tử trận lan ra rất nhanh. Quân Minh thất kinh vội tháo chạy.
Hai tướng quân Lam Sơn ở ải Lê Hoa là Trịnh Khả và Phạm Văn Xảo thấy quân Minh bỏ chạy về nước, đội hình rối loạn. Lập tức cho quân đổ ra đánh, lập nên chiến công lừng lẫy tại Lãnh Câu và Đan Xá:
Nghe Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân.
Suối Lãnh Câu, máu chảy thành sông, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc,
Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen.
(Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi)
Theo Minh Thực Lục thì ngày 14/12/1427, Mộc Thạnh cùng thuộc hạ chạy tới Cao Trại, Thủy Vĩ thì bị quân Lam Sơn phục kích cả trên sông lẫn trên bờ, phải vất vả làm lại thuyền mới đi tiếp được
Thất bại của Mộc Thạnh ở ải Hoa Lê cũng chấm dứt chiến tranh. Sau đó 10 vạn quân Minh bị vây khốn ở thành Đông Quan phải ra hàng, được nghĩa quân Lam Sơn đại nghĩa cấp cho ngựa thuyền và lương thực, tha chết cho toàn bộ về nước.
Nhà Minh xâm lược Giao Chỉ bắt đầu từ năm 1406, Mộc Thạnh với cương vị phó tướng chỉ huy một cánh quân tiến đánh. 20 năm sau vào năm 1427, trận đánh cuối cùng của quân Minh ở ải Lê Hoa cũng vẫn do Mộc Thạnh chỉ huy. Đây là một trong những viên tướng chỉ huy nhiều trận đánh nhất của quân Minh tại Giao Chỉ.
Chủ nhân Mộc phủ
Mộc Thạnh trở lại Vân Nam tiếp tục cai quản, đến năm 1439 thì mất, được phong Định Viễn vương, thụy Trung Kính. Các đời họ Mộc sau này nối tiếp cai quản vùng đất này, trải qua 22 đời kéo dài 470 năm. Uy thế và sự giàu sang của họ Mộc không kém gì các bậc vương công, và phủ đệ còn vượt xa các vương phủ về độ rộng lớn huy hoàng, diện tích hơn 100 mẫu đất (một mẫu bằng 666,6 m²) với hàng trăm công trình lớn nhỏ. Địa danh Mộc phủ Vân Nam được ví như Tử Cấm Thành của phương Nam.
Đến đời nhà Thanh, do họ Mộc vẫn trung thành với hậu duệ nhà Minh nên tước vị bị phế bỏ, Mộc phủ cũng dần dần bị hoang phế chứ không còn nguy nga như xưa. Tuy nhiên dòng dõi Mộc gia vẫn uy thế đến tận khi thành lập Trung Hoa Dân Quốc (1911).
Đến thời kỳ Đại cách mạng văn hóa (1966-1976), Mộc phủ bị phá hủy nặng nề, đến năm 1999 được trùng tu lại, nhưng diện tích chỉ còn bằng một nửa so với trước đây. Ngày nay Mộc phủ trở thành địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Vân Nam.
Trần Hưng
Trịnh Khả: Danh tướng bậc nhất trong nghĩa quân Lam Sơn
Mời xem video :