Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: 'Rập khuôn quá sẽ bó thực tiễn'

Chia sẻ Facebook
23/06/2022 14:36:54

"Nếu rập khuôn quá sẽ bó thực tiễn, nếu tùy tiện quá sẽ phá vỡ nguyên tắc của Đảng, nếu bao biện quá sẽ bó tay còn nếu buông lỏng sẽ không kiểm soát được", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói về việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.


Sáng 23-6, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với các hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn. Bà Trương Thị Mai - trưởng Ban Tổ chức Trung ương - chủ trì hội thảo.

Bà Trương Thị Mai - trưởng Ban Tổ chức Trung ương - phát biểu - Ảnh: HỮU HẠNH

Theo bà Trương Thị Mai, cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên khi thực hiện, mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức phân hóa để phù hợp với tính chất của từng nơi.

Trong đó các đại biều đề cập đến việc nâng cao chất lượng và cách thức ban hành các văn bản của Đảng; vấn đề tối ưu hóa phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đọa, cầm quyền.

Bà Mai cho rằng phương thức lãnh đạo của Đảng phải không ngừng đổi mới đáp ứng được nhu cầu của từng giai đoạn. Trong đó bộ máy cũng phải được thiết kế sao cho phù hợp với thực tiễn của từng nơi.

Dẫn chứng việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, mỗi nơi có cách thức thực hiện khác nhau. TP.HCM không tổ chức HĐND cấp quận, phường nhưng bà Mai đặt câu hỏi "liệu HĐND TP.HCM phải giám sát tới 16 quận và hơn 290 phường có khả thi không. Tăng cường vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội nhưng thiết chế đó có thay được thiết chế quyền lực nhà nước hay không".

Hay hiện nay TP Thủ Đức phải quản lý hơn 1,1 triệu dân. Thu ngân sách của TP Thủ Đức là hơn 70.000 tỉ, cao hơn Bình Dương và Đồng Nai. Như vậy việc tổ chức bộ máy của thành phố trong thành phố này phải được nghiên cứu như thế nào để đảm bảo vận hành thông suốt.

Bên cạnh đó các đại biểu cũng đưa vấn đề nâng cao năng lực thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Dẫn chứng Luật Đất đai liên tục sửa đổi, Bộ luật Lao động đã sửa đổi 5 lần, bà Mai cho rằng đây là việc làm cần thiết khi xã hội phát triển liên tục.

"Nếu tất cả đường lối, quan điểm của Đảng được thể chế hóa sẽ tạo điều kiện cho xã hội phát triển theo khuôn khổ pháp luật được tốt hơn", bà Mai nói.

Bên cạnh đó, theo bà Mai, nhiều ý kiến cho rằng ranh giới giữa tập thể lãnh đạo của Đảng với vận hành của chính quyền địa phương rất mỏng manh. Với tay quá một chút thì bị nói là "dài tay", bước hụt thì là buông lỏng trách nhiệm. Để giải quyết việc này chính là quy chế và quy trình.

"Tôi biết số anh em lãnh đạo cấp ủy địa phương rất lo lắng khi dịch bệnh diễn ra, xót ruột nhưng nhiều khi cũng dài tay. Gì thì cũng phải căn cứ vào tình hình thực tễ chứ không thể nào xa rời thực tiễn", bà Mai nói…

Phương thức lãnh đạo của Đảng còn nhiều bất cập cần phải đổi mới

Ông Nguyễn Xuân Thắng - chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HỮU HẠNH

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng - chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, vai trò hiệu quả lãnh đạo của Đảng với các tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng được nâng cao.

Dù vậy việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, có mặt còn lúng túng. Trong đó việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết hiệu quả còn thấp; việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa kịp thời;

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa thực sự đủ mạnh và hiệu quả. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Quan hệ giữa chức năng lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội còn chồng chéo.

Chế độ trách nhiệm trong một số mô hình tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước cũng chưa phân định thật rõ ràng. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chức năng tham gia quản lý, giám sát còn hạn chế, bất cập…

Do đó hội thảo nhằm bàn luận, tiếp thu những ý kiến thăng thắn của các cấp về những kiến nghị, giải pháp mới, tham gia cùng Ban chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa X để xác định các nội dung đưa vào đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, để xem xem xét, quyết định.

Nhiều cán bộ cho rằng nên thể chế hóa những vấn đề của Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Bởi cán bộ đột phá nhưng nếu xảy ra sai sót vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật.

Chia sẻ Facebook