Đổi mới dạy học: Bắt đầu từ đâu?
Có thể thay đổi phương pháp dạy đại học, đánh giá khác theo hướng trao quyền tự chủ cho người học, cá nhân hóa việc học hay không? Câu trả lời là có thể nhưng rất khó khăn bởi cách dạy và học một chiều, nặng kiểm tra chứ không tương thích.
Tại Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học ngày 17 và 18-6 tại Hà Nội do Trường đại học VinUni tổ chức, giáo sư Sanjay Sarma - phó chủ tịch Trung tâm Học tập Mở, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - nói: "Cách dạy hiện nay đã quá cũ rồi, không phù hợp nữa. Cần hướng đến các hình thức đào tạo mới, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ. Cách dạy không một chiều, thuyết giảng mà phải là một tổ hợp từ thuyết trình, thực hành, khơi gợi cảm hứng cho sinh viên".
Giáo sư Sanjay Sarma đã nói chính xác về cách dạy và học lâu nay của Việt Nam là cách dạy truyền kiến thức từ thầy và người học chỉ đóng vai trò tiếp nhận thụ động. Sở dĩ có cách dạy và học này là bởi chúng ta thường sử dụng phương pháp đánh giá người học đó là kiểm tra bài vở, kiến thức chứ không phải là phương pháp đánh giá khác. Chúng ta muốn người học nhớ kiến thức nên buộc phải sử dụng cách giảng dạy và đánh giá tương thích.
Vậy đại học có thể thay đổi phương pháp dạy, đánh giá khác theo hướng trao quyền tự chủ cho người học, cá nhân hóa việc học hay không? Câu trả lời là có thể nhưng rất khó khăn. Khó khăn là bởi cách dạy và học một chiều, nặng về phương pháp kiểm tra bài vở, kiến thức đã trở thành thói quen trong suốt quá trình 12 năm học của học sinh chúng ta. Và như chúng ta đều đã biết, việc thay đổi một thói quen đã hình thành từ lâu là điều không thể diễn ra trong một sớm một chiều.
Có thể thấy một hai năm đầu bước vào học đại học, nhiều em sinh viên cảm thấy bị mất phương hướng và hoang mang vì các em không có thói quen tự ghi chép những nội dung mà giảng viên giảng. Sở dĩ như thế là bởi các em vẫn còn quen với cách học theo kiểu thuyết giảng, đọc chép theo từ chương ở thời kỳ học phổ thông. Khả năng tự nghiên cứu thêm tài liệu để phát triển nội dung cơ bản do giảng viên trên lớp truyền đạt cũng là điều khá mới với các em do các em bị phụ thuộc vào giáo trình và nghĩ rằng giáo trình là đủ.
Việc áp dụng lối giáo dục chủ động, làm dự án theo nhóm ở đại học thông thường chỉ có thể áp dụng từ năm thứ hai hoặc thứ ba trở đi khi các em sinh viên đã bắt đầu quen với cách học ở đại học. Do đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá không thể chỉ một mình đại học làm được mà ít nhất phải được áp dụng từ khi học sinh học bậc THPT.
Khi đó, học sinh đã quen với cách dạy và học theo kiểu chủ động thì đại học mới có thể thay đổi được triệt để phương pháp giảng dạy và đánh giá như khuyến cáo của các chuyên gia nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong đào tạo đại học.
Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học lần đầu tiên được Trường ĐH VinUni khởi xướng và đăng cai tổ chức trong hai ngày 17 và 18-6.