'Đôi mắt 10 cm' của Thanh Nhi

Chia sẻ Facebook
08/04/2022 10:57:17

Em chưa bao giờ thấy gương mặt bản thân, nhưng em luôn mỉm cười với tất cả mọi người

Your browser does not support HTML5 audio.

"Tại sao mình không thể nhảy dây..."

"Tại sao mình không thể đọc một quyển sách nhanh chóng..."

"Tại sao mình học viết chữ chậm hơn các bạn thế..."

Nghìn câu hỏi tại sao cứ len lỏi vào tâm trí của Nhi, khi cô bé ngồi một góc ở sân trường. Sau cùng, Nhi bật khóc. Đó là Thanh Nhi hơn 10 năm trước, khi em vẫn đang là cô học sinh tiểu học. 10cm là giới hạn xa nhất mà Nhi có thể nhìn thấy. Sau giới hạn đó, tất cả đều là một màn mờ đục và bóng tối.

Nhưng giờ đây, Nhi đang là sinh viên năm 2 của trường Đại học Sư phạm TP.HCM, khoa Giáo dục đặc biệt. Trong suốt hành trình đó, Nhi đã cởi bỏ những mặc cảm, buồn tủi, vươn lên bằng nghị lực bản thân

Trong GenZ Talk tuần này, SAOStar đã có buổi chuyện trò cùng Thanh Nhi. Những câu chuyện được cô kể từ ngày thơ bé, đến khi trưởng thành sẽ là lời cổ vũ mạnh mẽ cho bất kì ai đang mất niềm tin vào cuộc sống.

"Mình không có kí ức về ngày đôi mắt mình hỏng, chỉ nhớ là khi có nhận thức về mọi thứ xung quanh, mình đã phải tập sống chung với bóng tối và hàng nghìn điều bất tiện khác",

Thanh Nhi sinh ra như bao đứa trẻ bình thường khác. Khi được 3 tháng, mắt Nhi xuất hiện một vết đốm không bình thường. Ngày qua ngày, nó lớn dần và làm hỏng mắt em. Sau một cuộc phẫu thuật, cả gia đình buồn bã khi biết được rằng em chỉ có thể nhìn được mọi thứ trong giới hạn gần, tầm 10cm.

Vì bằng tuổi nên mình và chị học chung một lớp. Hằng ngày, chị dìu mình đến lớp, đọc cho mình chép bài, nói với mình mọi thứ xung quanh đang diễn ra như thế nào. Tụi mình là một đôi chị em đặc biệt. Mình thương chị lắm. Cả thời thơ bé, mình cùng ăn, cùng ngủ, cùng học, mọi sinh hoạt đều được chị hỗ trợ".

Thi thoảng, Nhi cũng chạnh lòng vì nhận ra sự khác biệt của mình với mọi người xung quanh. Em thấy buồn khi mình không thể nhảy dây, không thể đọc quyển sách, học viết chữ nhanh chóng như các bạn. Thi thoảng, em bật khóc.

"Nhưng lạ lắm, mình chỉ ngủ một giấc rồi quên ngay. Mình chưa bao giờ để sự mặc cảm đeo đuổi mình",


Nhi nhìn đời bằng tâm hồn và sự cảm nhận qua từng ngón tay em chạm được. Với Nhi, thế giới này tràn đầy màu sắc mặc cho em không có khả năng nhìn ngắm chúng nhiều.

Học khó khăn hơn người khác, nhưng Nhi chưa bao giờ bỏ cuộc. Cố gắng gấp 10 chưa đủ, em nỗ lực gấp 100, 1000. Dần dà, em có thể đọc, có thể viết, hoàn thành các môn học như bao bạn học sinh khác.

"Có lẽ vì đọc sách rất chậm, nên mình đọc kĩ hơn rất nhiều. Năm lớp 11, mình lấy can đảm xin thầy vào đội tuyển Sử. Lúc đó, mình say mê môn học này lắm, mình đắm chìm trong những câu chuyện vẻ vang của dân tộc, cả thời quá khứ vàng son lẫn thăng trầm.

Tới ngày thi học sinh giỏi, mình lo lắng lắm. Vì trước giờ, mình đi học vẫn có chị hỗ trợ. Mình sợ khi thi ở ngôi trường xa lạ sẽ gặp khó khăn. Mình đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, ai sẽ dẫn mình vào phòng thi, làm sao để tìm số báo danh, rồi mình sẽ ngồi ở đâu... Nhưng mình vẫn quyết định đi. Và cuối cùng, mình đã được mọi người giúp đỡ dẫn vào phòng thi".

Năm đó, cô bé khiếm thị đã đạt được danh hiệu học sinh giỏi.

"Em có bao giờ tủi thân vì sự dè bỉu không", PV hỏi.

Nhi chỉ cười. Suốt thời thơ bé đến khi trưởng thành, cô đã trải qua biết bao câu chuyện lẫn biến cố. Nhi mất đi đôi mắt sáng, đi học với sự khác biệt.

Chạnh lòng? Có!

Buồn? Có!

Bỏ cuộc? Không!

Nhi sợ nhất là bị người khác khinh thường. Nhưng, sẽ không ai làm như thế với Nhi cả, vì em xứng đáng hơn 3000 sự yêu thương. Bạn bè luôn hỗ trợ Nhi trong các tình huống khó khăn, thầy cô luôn động viên cô trò nhỏ. Cứ thế, Nhi đã đi qua những biến cố đời mình với niềm tin vào bản thân.

"Nhi à, trước giờ con đi học vẫn có chị. Nhưng khi lên Đại học, con với chị là hai con đường khác nhau. Làm sao ba mẹ có thể yên tâm cho con học ở một thành phố xa lạ? Rồi khi ra trường, làm sao con có thể xin được việc làm? Ba mẹ lo cho con lắm"

Đó là những lời mẹ nói với Nhi, khi em chuẩn bị vào Đại học. Đó là khoảng thời gian khó khăn để em có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Nhi hiểu bố mẹ, trong lòng cả hai vốn đầy ắp âu lo khi để đứa con gái bé bỏng bước vào giảng đường Đại học mà không có gia đình ở cạnh. Quê nhà Bình Định của Nhi cách Sài Gòn hàng trăm km kia mà.

Tuy nhiên, em vẫn thuyết phục bố mẹ cho một lần được "mạo hiểm". Nhờ người quen, Nhi xin lưu trú tại một mái ấm tại TP.HCM.

Lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, lòng Nhi ngập tràn lo lắng. Ma-sơ (nữ tu) chính là người đã dẫn Nhi lên chuyến xe buýt đầu tiên, dặn dò em cẩn thận, tập cho em quen với phố xá.

"Mấy lần đi lạc trên xe buýt, mình cũng hoảng sợ lắm. Nhưng dần dần, mình cũng quen. Mình bắt đầu dò hỏi người đi đường, các cô cũng nhiệt tình giúp đỡ mình",

Tính đến thời điểm hiện tại, Nhi đã quen dần với nhịp sống Sài Gòn. Ngẫm lại thời gian đã qua, Nhi chưa bao giờ hối hận khi điền tên mình vào bộ hồ sơ thi vào trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

"Mình đã gặp được những bạn khiếm thị ở mái ấm. Mình còn thấy được gần, nhưng họ hoàn toàn không thấy gì cả. Nhưng họ đã làm được, họ vẫn vui vẻ, học tập và sống cuộc đời vẹn tròn. Ba mẹ mình đã chứng kiến những câu chuyện như thế, và dần có niềm tin rằng mình sẽ làm được",

Khi trong đôi mắt bạn chỉ toàn là bóng tối. Bạn có thể làm được gì? Còn với Nhi, em có thể làm mọi thứ.

Em chải tóc, em đến trường, em soạn bài thuyết trình, em đọc sách, em nghiên cứu....

Tất cả đều nhờ vào nghị lực đầy mạnh mẽ dẫn lối!

Chia sẻ Facebook