Dời kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ ngày 21/1 (30 Tết) sang ngày 1/2

Chia sẻ Facebook
15/01/2023 13:14:35

Do kỳ điều chỉnh giá xăng dầu lần thứ 4 của năm 2023 rơi vào ngày 21/1 (trùng ngày 30 Tết Nguyên Đán) nên cơ quan điều hành sẽ lùi tới ngày 1/2. Trường hợp có biến động lớn ảnh hưởng tới tình hình kinh tế – xã hội, Bộ Công thương cho biết sẽ có phương án trình Chính phủ để chọn ngày điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với thực tế.

Bộ Công thương đề xuất mỗi tuần điều chỉnh giá xăng dầu một lần

Bộ Công thương cho biết nguồn cung bảo đảm trong dịp Tết Nguyên Đán 2023. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định giá bán lẻ trong nước sẽ điều chỉnh vào các ngày 1,11 và ngày 21 hằng tháng, trường hợp rơi vào ngày lễ, Tết sẽ dời vào các ngày sau. Do vậy, kỳ điều hành lần thứ 4 của năm 2023 trùng ngày 30 Tết Nguyên Đán nên sẽ được dời lại.


Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết kỳ điều hành giá tới đây sẽ được chuyển sang chu kỳ tiếp theo, tức ngày 1/2 (11 tháng Giêng), theo Vnexpress .

Vị này nói thêm, nếu có biến động bất thường, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội, theo Nghị định 95, Bộ Công thương sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để điều hành giá xăng dầu sớm hơn.

Kỳ điều hành gần nhất, ngày 11/1, giá các mặt hàng xăng được giữ nguyên, còn dầu Diesel giảm 500 đồng một lít. Hiện, mỗi lít xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) là 22.150 đồng một lít; E5 RON92 ở mức 21.350 đồng; dầu Diesel là 21.630 đồng, dầu hoả 21.800 đồng một lít…

Vừa qua, Bộ Công thương Việt Nam đề xuất giảm thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày vì cho rằng sẽ bám sát diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới hơn.

Hôm 6/1, Bộ Công Thương gửi văn bản lấy ý kiến các Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ này đề xuất chọn phương án giảm thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày và cố định vào thứ Năm hàng tuần.

Tuy vậy, Bộ Công thương cũng cho rằng việc rút ngắn xuống 7 ngày này cũng có nhược điểm là thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng tới khi về đến cảng) khoảng 10 – 15 ngày, nên khi thị trường bất ổn, việc này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vì họ khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu, nhất là lúc chu kỳ giá đi xuống.

Về nguồn cung, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng gần 40% thị trường xăng dầu trong nước, gặp sự cố kỹ thuật phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi (RFCC) từ cuối tháng 12/2022, nên giảm công suất về 85%. Ước tính lượng xăng dầu thiếu hụt do giảm sản xuất từ nhà máy này trong nửa đầu tháng 1, khoảng 120.000 m3.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Công thương cách đây 2 ngày, lãnh đạo Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cho biết sự cố đã khắc phục xong, nhà máy vận hành trở lại phân xưởng RFCC ngày 14/1 và đạt 100% công suất sau 3-4 ngày, sau đó sẽ tăng công suất lên 105 – 107% để bù sản lượng hàng thiếu hụt, cũng theo Vnexpress.

Vì thế, theo Bộ Công thương nguồn cung xăng dầu trong nước dự kiến đủ bảo đảm thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán 2023.

Trước đó, đối với thiếu hụt xăng dầu khi thị trường thế giới bất ổn, cơ quan điều hành cho biết Việt Nam dù có quy định nhưng thực tế chưa có kho dự trữ xăng dầu chiến lược (tách biệt với doanh nghiệp) như các quốc gia khác. Như Bộ trưởng Bộ Tài chính từng thừa nhận con số dự trữ xăng dầu quốc gia là một “ẩn số”.

Với tình hình chỉ sản xuất trong nước cộng với nhập khẩu đủ cho lưu thông, tiêu thụ trong thời gian ngắn, Việt Nam dễ bị tác động bởi những lúc thị trường dầu thô thế giới biến động mạnh như năm vừa qua. Đặc biệt là tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chiếm từ 25 – 30% lượng tiêu thụ, bên cạnh một nửa sản xuất trong nước cũng phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu thô như hiện nay.


Đức Minh

Bộ Công thương-Tài chính: Lượng dự trữ xăng dầu bao nhiêu là một 'ẩn số' Bộ Tài chính nói rõ Việt Nam đang hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Hiện lượng xăng dầu dự trữ là chưa xác định.

Chia sẻ Facebook