Đôi khi chính nhà văn cũng không thể diễn giải chuẩn tác phẩm của mình

Chia sẻ Facebook
27/11/2022 20:12:58

Được con trai nhờ phân tích tác phẩm Mùa lạc của chính mình nhưng bài văn của tác giả Nguyễn Khải lại chỉ được 2 điểm cùng lời phê 'lạc đề, không hiểu ý tác giả' đến từ giáo viên của con khiến nhiều người 'dở khóc, dở cười'.

Với nhiều học sinh, Ngữ Văn là một trong những môn học “khó nhằn”, đòi hỏi người phân tích phải nắm bắt được ý đồ của tác giả thông qua hoàn cảnh sáng tác cũng như bối cảnh của tác phẩm. Chính vì vậy, không ít học sinh “kêu trời’” và phải tìm đến những quyển văn mẫu để có thể hiểu được rành rọt tác phẩm. Thế nhưng, các tác phẩm văn học không bó hẹp trong một định nghĩa, một phân tích cố định mà chúng mang tính cảm xúc nhiều hơn.

Nhà văn Nguyễn Khải, tác giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng. (Ảnh: Văn học Sài Gòn)

Cách đây nhiều năm, câu chuyện nhà văn Nguyễn Khải phân tích tác phẩm của chính mình giúp con trai nhưng lại nhận về 2 điểm đã được chia sẻ rộng khắp các trang mạng. Hiện tại, câu chuyện của nhà văn Nguyễn Khải bỗng được nhiều người kể lại như nhằm khẳng định văn học không có giới hạn và mỗi người đều có một cảm nhận khác nhau.

Tác phẩm Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải từng được đưa vào sách giáo khoa. (Ảnh: NXB Văn học)


Cụ thể, khi còn sống, trong một lần trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Khải đã chia sẻ câu chuyện khá thú vị. Được biết, tại thời điểm con trai ông học cấp 2, khi được giao bài phân tích về tác phẩm Mùa lạc , cậu bé đã rất vui vẻ vì đó là sáng tác của bố mình. Ngay lập tức, tận dụng cơ hội này, cậu đã nhờ bố giúp đỡ, phân tích bài văn. Trước lời nhờ giúp đỡ của con trai, nhà văn Nguyễn Khải cũng không từ chối mà còn nhiệt tình làm suốt cả buổi tối.

Nhà văn Nguyễn Khải phân tích tác phẩm của chính mình giúp cho con trai nhưng lại nhận về điểm 2. (Ảnh: Văn chương Phương Nam)


Thế nhưng, ngày hôm sau, cậu lại trở về với vẻ mặt buồn bã. Khi được hỏi lý do, cậu con trai của cố tác giả Nguyễn Khải đã đưa bài tập làm văn ra cho bố xem. Trên tờ làm bài, ông thấy điểm 2 cùng với lời phê: "Lạc đề. Em không hiểu ý tác giả" . Câu chuyện “dở khóc, dở cười” này được các thế hệ học sinh truyền đi truyền lại như minh chứng cho việc văn học dường như đã không còn mang tính cảm nhận cá nhân quá nhiều nữa.

Câu chuyện “dở khóc, dở cười” của ông được lưu truyền qua nhiều thế hệ học sinh. (Ảnh: Văn chương TP.HCM)


Nhà văn Nguyễn Khải được biết đến là một nhà văn nổi tiếng cùng loạt tác phẩm Xung đột, Thời gian của người,.. . Và Mùa lạc chính là một trong những truyện ngắn để lại dấu ấn sâu đậm nhất của ông đối với các thế hệ học sinh. Với các thế hệ học sinh, triết lý “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” đã để lại dấu ấn sâu đậm.

Chính ông cũng khá bất ngờ khi tự phân tích tác phẩm của mình lại bị phê lạc đề. (Ảnh: Tuổi Trẻ)


Bên cạnh câu chuyện bi hài của tác giả Nguyễn Khải, nhà thơ Thanh Thảo cũng từng có những chia sẻ tương tự về tác phẩm Đàn ghi ta của Lor-ca . Thông thường, trong các bài phân tích, đoạn điệp khúc "Li-la li-la li-la" được mô tả như một chuỗi âm thanh kéo dài, còn mãi và chứa đựng sự cảm thương, niềm tin và lòng ngưỡng mộ sâu kín của người viết.

Nhà thơ Thanh Thảo được nhiều học sinh biết đến với tác phẩm Đàn ghi ta của Lor-ca. (Ảnh: Người Nổi Tiếng)


Thế nhưng, báo Trí Thức Trẻ cho biết, khi phỏng vấn trực tiếp với báo chí, nhà thơ Thanh Thảo đã có tiết lộ gây bất ngờ. Ông chia sẻ về tiếng đàn li-la li-la: " Thú thật, khi viết, tôi cũng không có ý đồ nghệ thuật gì, bởi những từ tượng thanh này chợt đến, có lẽ là từ vô thức của tôi, và tôi viết ra như thế thôi. Tất cả những gì chúng ta phân tích về bài thơ, đều đến sau khi bài thơ đã hoàn chỉnh. Còn trong khi sáng tác, thì tôi nghĩ, không nhà thơ nào 'nhằm mục đích' gì cả. Sướng thì viết, thế thôi!".

Nhà thơ Thanh Thảo tiết lộ sự thật về bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca. (Ảnh: Bảo tàng văn học)

Nhà thơ Thanh Thảo cho biết khi sáng tác hầu như các tác giả không nghĩ quá nhiều. (Ảnh: Tạp chí Quảng Ngãi)

Câu chuyện của các tác giả đem lại rất nhiều bất ngờ cho các thế hệ học sinh và có cách nhìn hoàn toàn khác về văn học. Mỗi người đều có một cảm nhận, suy nghĩ khác nhau, chính vì vậy, văn học nên ưu tiên để học sinh được nêu lên ý nghĩ của mình.


Cùng cập nhật những tin tức mới nhất tại YAN !

Với nhiều bạn học sinh, Ngữ Văn có lẽ được xếp vào một trong những môn học khó nhất. Bởi đôi khi, học sinh phải tự mình hiểu, hóa thân thành nhân vật trong chuyện để cảm nhận được những tác phẩm mà có niên đại rất xa. Có lẽ, giáo viên nên có những hướng dạy mới, để học sinh có thể cảm nhận và diễn đạt theo cảm xúc của bản thân, khuyến khích các bạn trẻ được nói lên suy nghĩ của chính mình chứ không bắt buộc phải đi theo khuôn mẫu bởi suy cho cùng, văn học là không có giới hạn.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook