Đối diện bất tương phùng tại G20

Chia sẻ Facebook
10/07/2022 04:34:40

Cuộc gặp lần này mang nhiều ý nghĩa, khi đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ gặp trực tiếp những người đồng cấp của các quốc gia phương Tây, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine đến nay.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi phát biểu tại hội nghị G20 vào ngày 8-7 - Ảnh: Reuters


Cuộc xung đột Nga - Ukraine biến hội nghị ngoại trưởng của nhóm G20 tại Bali, Indonesia thành diễn đàn tập hợp lực lượng và "đấu tố" lẫn nhau, mặc dù theo chương trình, các bên sẽ thảo luận cách ứng phó với chiến sự và các vấn đề an ninh lương thực, năng lượng.


Chưa rõ số phận 20 triệu tấn ngũ cốc

Diễn biến cuộc gặp mặt cấp ngoại trưởng G20 trong hai ngày 7 và 8-7 ở Bali cho thấy cuộc họp chỉ là "đối diện bất tương phùng", và số phận 20 triệu tấn ngũ cốc Ukraine đang nằm trong kho vẫn còn lơ lửng.

Hành trang của nước Mỹ tới hội nghị G20 khá rõ ràng: sử dụng diễn đàn đa phương này để gây sức ép với Nga, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh không được hỗ trợ Matxcơva. Ngoài ra, Washington muốn dẫn đầu tìm giải pháp cho khó khăn lương thực toàn cầu.

Trong khi đó, Nga hiện nay đang bị phương Tây buộc tội là nguyên nhân chính cho tình trạng thiếu lương thực và lạm phát trên toàn cầu, khởi nguồn từ cuộc chiến ngày 24-2.

Nga bị cáo buộc là đã và đang làm trầm trọng thêm lạm phát bằng cách chặn các chuyến hàng lương thực của Ukraine - một quốc gia sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới. Về sản lượng, Ukraine và Nga sản xuất gần một phần ba lúa mì và lúa mạch của thế giới và phần lớn dầu hướng dương toàn cầu, trong khi Nga và quốc gia đồng minh láng giềng Belarus là nhà sản xuất số hai và ba trên thế giới về kali - một thành phần chính của phân bón.

Hãng tin Reuters cho biết tại một phiên họp toàn thể của G20 vào ngày 8-7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Matxcơva mở cửa cho ngũ cốc Ukraine xuất khẩu ra thế giới.

Tuy nhiên, Nga không phải "thân cô thế cô" hay dễ dàng bị bắt nạt ở diễn đàn lần này khi Bắc Kinh và Matxcơva đã tuyên bố quan hệ đối tác "không có giới hạn". Chưa hết, Nga và Trung Quốc cáo buộc Mỹ và các đồng minh kích động xung đột, cũng như chỉ trích các lệnh trừng phạt do phương Tây đưa ra nhằm vào Matxcơva làm trầm trọng thêm vấn đề.

Phía Nga cho biết họ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc không bị cản trở, mặc dù ông Charles Michel - chủ tịch Hội đồng châu Âu - vào đầu tháng 6 vừa qua cáo buộc các tàu chiến của Nga ở Biển Đen và các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở lưu trữ ngũ cốc cũng như xe tăng, bom mìn đang ngăn Ukraine trồng và thu hoạch ngũ cốc.

Phía Mỹ cũng thể hiện rõ họ không có gì để nói chuyện riêng với người Nga lần này. Họ tin rằng cuộc nói chuyện, nếu có, cũng sẽ chẳng đi tới đâu.


"Những người đứng giữa" quyền lực

Ngoài hy vọng tác động Ngoại trưởng Vương Nghị, ông Blinken sẽ có các cuộc đàm phán song phương ở Bali với những người đồng cấp khác như Ấn Độ - quốc gia đã tăng mua dầu của Nga, ngay cả khi Mỹ và châu Âu đã cố gắng cắt đứt nguồn doanh thu bán dầu của Nga.

Nhiệm vụ này rất khó cho Ngoại trưởng Blinken, khi mà các quốc gia châu Âu hiện nay vẫn còn mua khí đốt của Nga nhưng Mỹ lại yêu cầu Ấn Độ ngừng mua dầu Nga.

Cấu trúc sức mạnh nhóm G20 không chỉ bao gồm giữa 2 phe - một bên là Mỹ và các quốc gia đồng minh phương Tây, còn bên kia là Nga với đối tác "lỏng lẻo" Trung Quốc, mà còn có các quốc gia đang phát triển khác như Ấn Độ, Nam Phi và Indonesia.

Những quốc gia này cố gắng tránh chọn phe trong thời gian qua và đang lèo lái để thể hiện vai trò của mình như "người đứng giữa" quyền lực. Đây là nhóm mà cả Mỹ, Nga hay Trung Quốc cần sự ủng hộ trong diễn đàn đa phương.

Chọn vai trò không liên kết, Ấn Độ và Nam Phi của nhóm G20 đã từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga mặc dù Mỹ và các quốc gia đồng minh coi đây là vi phạm trật tự dựa trên luật lệ quốc tế đã phổ biến kể từ khi Thế chiến thứ hai đến nay.

Tương tự, Indonesia - quốc gia năm nay giữ chức chủ tịch luân phiên G20 - hiện đang vượt qua áp lực của phương Tây phải loại Nga khỏi hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra tháng 11 tới.

Trong thời gian qua, Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo thể hiện rất tốt vị thế trung lập của mình trong tiến trình hòa bình, khi thực hiện ngoại giao con thoi tới cả Nga và Ukraine với nhiệm vụ trung gian hòa giải.

Tuy nhiên, trò chơi quyền lực luôn kéo dài hơn mong đợi. Vào đầu tháng 6, ở cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung lương thực như "một tên lửa tàng hình chống lại các nước đang phát triển", khiến đại sứ của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia phải rời khỏi cuộc họp.

Có lẽ cuộc họp G20 lần này sẽ không là ngoại lệ tránh khỏi căng thẳng, khi phương Tây do Mỹ dẫn đầu và Nga có quá nhiều mâu thuẫn chưa thể giải quyết.

Các cáo buộc lẫn nhau hay vận động theo phe cũng sẽ được Mỹ, Nga và Trung Quốc thực hiện ráo riết trong mấy ngày qua. Các quốc gia đang phát triển đang cần thể hiện vai trò không liên kết của mình hơn bao giờ hết.


Mong đợi về cuộc gặp Mỹ - Trung

Tại Hội nghị ngoại trưởng G20 lần này, phía Mỹ muốn gặp Trung Quốc để gửi thông điệp rằng Trung Quốc hãy tránh xa Nga.

Ông Daniel Kritenbrink - cựu đại sứ tại Việt Nam và hiện là trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á - cho biết ông mong đợi một cuộc trao đổi "thẳng thắn" giữa ông Blinken với người đồng cấp Vương Nghị của Trung Quốc.

"Đây sẽ là một cơ hội khác… để truyền đạt kỳ vọng của chúng tôi về những gì chúng tôi mong đợi Trung Quốc làm và không làm trong bối cảnh Ukraine" - ông Kritenbrink nói.


Ngoại trưởng Nga bỏ họp G20 hai lần

Ngoại trưởng Lavrov tại Hội nghị ngoại trưởng G20 ở Bali, Indonesia vào ngày 8-7 - Ảnh: Reuters


Ngoại trưởng Lavrov đã bỏ ra ngoài trong các phiên họp sáng và chiều của Hội nghị ngoại trưởng G20 tại Indonesia khi những người đồng cấp của ông chuẩn bị phát biểu ngày 8-7. Trong phiên họp sáng, ông bỏ ra ngoài khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock chỉ trích Nga liên quan "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Ông Lavrov sau đó trở lại hội nghị vào đầu buổi chiều, nêu quan điểm của Nga và rời đi mà không ngồi lại nghe phát biểu của những người đồng cấp khác, trong đó có phát biểu trực tuyến của Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell, xác nhận ngoại trưởng Nga đã không dự phần còn lại của phiên họp chiều 8-7 sau khi hoàn thành phát biểu của mình. Ông Borrell cũng mô tả cách cư xử của ông Lavrov là thiếu tôn trọng người khác.

Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Lavrov cho biết nỗ lực cô lập Matxcơva bằng các biện pháp trừng phạt giống như là một lời tuyên chiến kinh tế của phương Tây, theo Hãng tin Reuters.

Ông Lavrov kế đó tuyên bố Nga sẽ quay sang Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác bên ngoài phương Tây. Ông cũng chỉ trích các đối tác phương Tây đã không tuân thủ nghĩa vụ của G20 là giải quyết các vấn đề kinh tế thế giới. Theo ông Lavrov, các đối tác phương Tây đã chệch hướng ngay khi họ tới lượt phát biểu và "điên cuồng chỉ trích Nga về tình hình Ukraine" ngay trong hội nghị.

Hội nghị G20 đang tìm cách giải quyết các tác động của cuộc chiến tại Ukraine đối với an ninh năng lượng và lương thực cũng như sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và sức tàn phá của biến đổi khí hậu.

Theo Reuters, các nguồn tin cho biết cuộc họp đã diễn ra trong không khí căng thẳng nhưng lịch sự. Điểm khác biệt là các ngoại trưởng đã không chụp hình chung như vẫn thường thấy trong các năm trước.


ANH THƯ - HỒNG VÂN

Ngoại trưởng Nga bước ra khỏi cuộc họp có các ngoại trưởng G20 tại Bali, Indonesia ngày 8-7 nhiều lần trong lúc các nước phương Tây chỉ trích Nga về việc tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.

Chia sẻ Facebook