Đội cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ: Vẫn nghe tiếng nói dưới đống đổ nát
Hôm thứ Ba (14/2), hơn một tuần sau khi trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra, các đội cứu hộ ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vẫn có thể nghe thấy tiếng nói từ bên dưới đống đổ nát, mang đến hy vọng tìm thấy thêm những người sống sót.
Embed from Getty Images
Ngày 14/2/2023, đội cứu hỏa thủ đô Ankara và đội tìm kiếm cứu nạn Kyrgyzstan đã tìm kiếm trong đống đổ nát của các tòa nhà bị sập ở Kahramanmaras , Thổ Nhĩ Kỳ, với hy vọng tìm thấy những người sống sót sau trận động đất. (Ảnh: Ozan Kose/AFP qua Getty Images)
Hơn 37.800 người được xác nhận đã tử vong ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria sau thảm họa động đất ngày 6/2. Câu chuyện về những người sống sót sau đống đổ nát cũng ngày càng trở nên hiếm hoi.
Hôm thứ Ba (14/2), Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ là 31.974 người. Hơn 5.814 người đã tử vong ở Syria, theo thống kê của Reuters về các báo cáo của truyền thông nhà nước Syria và một cơ quan của Liên Hợp Quốc.
6 người đã được giải cứu hôm thứ Ba, gồm hai anh em trai, 17 và 21 tuổi, được giải cứu khỏi một tòa nhà chung cư ở tỉnh Kahramanmaras, và 1 phụ nữ từ thành phố Hatay phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào ngày hôm đó.
Hình ảnh trực tiếp do CNN Turk phát sóng cho thấy, lực lượng cứu hộ làm việc tại 2 khu vực của vùng Kahramanmaras vào ngày hôm đó, khi họ cố gắng giải cứu 3 chị em gái được cho là bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Trong cùng khu vực, lực lượng cứu hộ đã kéo một thanh niên 18 tuổi và một người đàn ông khác ra khỏi đống đổ nát hôm thứ Ba. Ngày hôm trước, họ đã giải cứu một bé gái 10 tuổi tại đây, cô bé được cho là đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát khoảng 185 giờ (hơn 7 ngày).
Nhưng các nhà chức trách Liên Hợp Quốc cho biết, giai đoạn giải cứu sắp kết thúc, với trọng tâm chuyển sang nhà ở, thực phẩm và trường học cho những người sống sót.
Ông Raed al Saleh, người đứng đầu một trong những nhóm viện trợ hàng đầu của Syria có tên “Mũ bảo hiểm trắng” , cho biết cuộc tìm kiếm những người sống sót ở tây bắc Syria sắp kết thúc.
“Dấu hiệu mà chúng tôi có là (đã) không còn (người sống sót)”. Ông nói thêm rằng họ đang “làm việc chăm chỉ để thực hiện những bước kiểm tra cuối cùng, rà soát ở tất cả các địa điểm”.
Nhu cầu lớn về hỗ trợ sau thiên tai
Viện trợ quốc tế đến các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria rất chậm, do nhiều năm xung đột và khủng hoảng nhân đạo đã tồn tại, khiến những người sống sót phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, chỗ ở và thuốc men trong điều kiện băng giá.
Hôm thứ Hai (13/2), Liên Hợp Quốc kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad mở thêm 2 cửa khẩu biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cho phép viện trợ vào phía bắc của nước này.
Ông Hans Henri P. Kluge, Giám đốc Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết: “Nhu cầu là rất lớn và tăng lên từng giờ. Khoảng 26 triệu người ở 2 quốc gia này cần viện trợ nhân đạo”.
Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết trên truyền hình trực tiếp hôm thứ Ba (14/2) rằng: “Không có vấn đề gì khi cung cấp thực phẩm cho người dân” và “hàng triệu chiếc chăn đang được gửi đến tất cả các khu vực”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 9.200 nhân viên nước ngoài đã tham gia vào hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ở nước này, đến nay 100 quốc gia đã hỗ trợ.
Anh Hamza Bekry, 22 tuổi, nói: “Thật khó… chúng tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu, không tài sản, không việc làm”. Anh là người Syria, gốc Idlib, đã sống tại Hatay ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ 12 năm.
“Ngôi nhà của chúng tôi đã sụp đổ hoàn toàn. Một số người thân của chúng tôi đã chết, và những người khác đang nằm dưới đống đổ nát”, anh nói khi chuẩn bị theo gia đình tới Isparta ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn 158.000 người sẽ được sơ tán khỏi các vùng phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, Reuters đưa tin. Trận động đất mạnh 7,8 độ richter và các dư chấn 7,5 độ richter sau đó là một trong những trận động đất nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phải đối mặt với các cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 6, được cho là lần bầu cử khó khăn nhất trong 20 năm cầm quyền của ông. Ông thừa nhận có vấn đề với những phản ứng ban đầu, nhưng tình hình hiện đã được kiểm soát.
Cuối ngày thứ Hai (13/2), Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã cho phép hàng viện trợ của Liên Hợp Quốc từ Thổ Nhĩ Kỳ đi qua 2 cửa khẩu biên giới khác, một động thái có thể giúp chuyển hàng viện trợ tới vùng tây bắc Syria do phiến quân kiểm soát, tổ chức thế giới này cho biết.
Ngay sau khi trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nổ ra, một người dùng Douyin có tên “Tiểu đội trưởng Trung Phân” không những không quan tâm đến sự an toàn của các nạn nhân tại đây, mà còn nói một cách vô căn cứ rằng “truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ trận động đất là do căn cứ quân sự Mỹ kích nổ một quả bom hạt nhân nhỏ.” Phát biểu của người này đã nhận về rất nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng.
Ngoài ra, các nạn nhân trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói với truyền thông địa phương rằng nhiều phóng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng gửi tiền cho các nạn nhân thảm họa, và yêu cầu họ chỉ trích hoạt động cứu trợ không hiệu quả của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trước máy ống kính, sau đó ca ngợi và công khai các hoạt động cứu trợ thiên tai của ĐCSTQ.
Hành động vô liêm sỉ này khiến các nạn nhân phẫn nộ và phản đối, sự việc bị phanh phui khiến dư luận quốc tế dậy sóng.
Bình Minh (t/h)
'Tiểu phấn hồng' TQ tung tin Mỹ kích nổ bom hạt nhân gây động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ-Syria
Tin đồn "quân đội Mỹ kích nổ bom hạt nhân gây động đất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria" của 'tiểu phấn hồng' Trung Quốc khiến dư luận phẫn nộ.