Đốc thúc 'chốt' nhà thầu thi công gói thầu 35.000 tỉ đồng sân bay Long Thành
VietTimes – Là gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, gói thầu 5.1 có quy mô lên tới 35.233 tỉ đồng. Hiện có 3 liên danh nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký thực hiện gói thầu này.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về triển khai gói thầu 5.10 thuộc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh gói thầu 5.10 thuộc dự án thành phần 3, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 triển khai chậm, không đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo quyết liệt Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ( ACV ) để sớm lựa chọn được nhà thầu phù hợp.
Được biết, gói thầu số 5.10 là gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 với quy mô 35.233 tỉ đồng, bao gồm việc thiết kế bản vẽ và thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cho công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không.
Theo CTCP Chứng khoán SSI, gói thầu 5.10 đã được đấu thầu lần 2 và đóng hồ sơ mời thầu vào ngày 12/6/2023. Thời gian chấm thầu dự kiến là 1-2 tháng, tháng 7-8/2023 sẽ có kết quả chấm thầu.
Trước đó, báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tiết lộ có 3 nhóm liên danh nộp hồ sơ dự thầu gói thầu này, gồm: Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractrors; Liên danh Hoa Lư và Liên danh VIETUR.
Trong đó, liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractrors gồm 9 thành viên, dẫn đầu bởi China Harbour Engineering Company Limited (CHEC) – công ty có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Liên danh này còn có một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc khác là Beijing Construction Engineering Group (BCEG). Tương tự như CHEC, BCEG có nhiều kinh nghiệm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và sân bay tại nhiều quốc gia trên thế giới. “Về năng lực, liên danh số 1 đang có lợi thế về kinh nghiệm”, VDSC nhận định.
Liên danh Hoa Lư do CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD ) dẫn đầu, cùng một loạt các doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của Việt Nam như Unicons, Delta, Central, An Phong, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC ) và Tổng công ty Thành An (Bộ Công an).
Doanh nghiệp nước ngoài duy nhất trong liên danh này là Powerline Engineering Public Company Limited (PLE) của Thái Lan. PLE hoạt động chính trong lĩnh vực thi công hệ thống điện, điều hòa, ống nước, vệ sinh và phòng cháy chữa cháy cho các toàn nhà, bệnh viện, sân bay.
VDSC đánh giá cao các nhà thầu trong nước ở nhóm liên danh Hoa Lư khi họ sở hữu đội ngũ kỹ sư xây dựng lớn, từng có kinh nghiệm tham gia thi công một số hạng mục ở các sân bay trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chưa từng tham gia xây dựng dự án có quy mô và độ khó lớn như sân bay Long Thành.
Với Liên danh VIETUR , đây cũng là liên danh có nhà thầu ngoại đứng đầu – Tập đoàn Công nghiệp và Thương Mại Xây Dựng IC ISTAS – thuộc Tập đoàn IC Holding của Thổ Nhĩ Kỳ.
Doanh nghiệp này có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay tại khu vực các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và từng tham gia đấu thầu xây dựng các sân bay quốc tế lớn tại Nga, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgari.
Hậu thuẫn nhà đầu tư ngoại ở Liên danh VIETUR là một số nhà thầu trong nước có liên quan đến "hệ sinh thái" của ông Nguyễn Bá Dương như Ricons, Newtecons và SOL E&C .
Đáng chú ý, liên danh này còn có sự tham gia của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam ( Vinaconex ) – doanh nghiệp đầu ngành có nhiều kinh nghiệm trong thi công các dự án cơ sở hạ tầng như đường xã, sân bay, cầu.
Theo VDSC, cả 3 nhóm liên danh đều có những ưu – nhược điểm riêng. Ngoài kinh nghiệm, năng lực của các doanh nghiệp thì thời gian, kỹ thuật thi công và giá thành xây dựng cũng là những tiêu chí quan trọng cần phải xem xét khi chấm thầu./.