Đọc Tạp bút Ất Hợi, nhớ Sài Gòn một thời chưa xa
Đây là tập tạp bút thứ tư xếp theo năm, nằm trong loạt di cảo của cụ Vương Hồng Sển được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành (sau các năm Nhâm Thân, Quý Dậu, Giáp Tuất).
Những ý kiến về "cơ chế thị trường" cho việc mua bán cổ vật trong nước, một lần vì chủ quan với người quen mà bị lấy cắp quyển sách quý... cùng những nội dung thú vị khác được cụ Vương Hồng Sển tỉ mẩn kể trong tập Tạp bút năm Ất Hợi 1995 vừa ra mắt bạn đọc.
Được lần giở những trang ghi chép của một người vừa nổi tiếng vì uyên bác chuyên môn vừa quảng giao và trải đời như cụ Vương Hồng Sển là một cái thú rất riêng.
Một mặt nó khiến người đọc hôm nay thỉnh thoảng phải đọc chậm hoặc dừng lại để kịp nhận ra một từ ngữ Nam Bộ, một cách nói riêng của vùng châu thổ sông Cửu Long thời trước, một mặt nó khiến người ta phải liên tục thay đổi cảm xúc khi bắt gặp những sự kiện, thói đời, cách ăn ở đối xử với nhau... mà tác giả những dòng di cảo này là chứng nhân.
Đằng sau những trang di cảo là cả không gian sống của Sài Gòn TP.HCM cách đây chưa xa. Ở đó có một vụ buôn bán cổ vật bị bắt và bản tin trên báo đã khiến nhà sưu tập Vương Hồng Sển cầm bút viết mấy dòng như một ý kiến đầy trách nhiệm.
Ở đó có những mối giao tình thắm thiết giữa những người trí thức với nhau, như bài viết về học giả Lê Ngọc Trụ được cụ Vương mở ngoặc ngay nhan đề (viết để tưởng nhớ một người bạn tốt).
Có thể đến một lúc nào đó, trong số những học sinh sinh viên thế hệ sau này, nếu muốn tìm hiểu chân dung con người Lê Ngọc Trụ - người nổi tiếng với quyển Chánh tả Việt ngữ - ắt không thể bỏ qua bài viết công phu chí tình này của Vương Hồng Sển.
Và ở đó cũng có cả trường hợp vì cả tin mà Vương Hồng Sển bị người quen lấy cắp quyển sách quý có dấu son "Khâm mạng đại thần"...
Và một phần mang đậm dấu ấn Vương Hồng Sển là những đề tài gợi hứng nhân khi đọc báo. Chẳng hạn như bắt gặp ý kiến của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết trên báo Tuổi Trẻ về một đề tài độc đáo: nhìn chuyện đi cầu của người Việt các vùng miền dưới góc độ văn hóa.
Chính ở cái góc nhìn văn hóa ấy kích thích độc giả Vương Hồng Sển. Thế là ông viết bài "bàn riêng" nhưng thực ra là bàn tiếp cái đề tài do bác sĩ họ Đỗ đã khơi ra một cách ý vị.
Mảng đề tài thú chơi cổ ngoạn lại là một sự quyến rũ khác: Thuật lại những gì là kinh nghiệm, kỷ niệm riêng và học hỏi được về ngành sưu tập và khoa chơi đồ sứ cổ; Tâm sự về nghệ thuật chơi đồ sứ cổ; Từ lộc bình Bá huê tôn qua ché rượu đời Tự Đức; Tâm sự người chơi đồ sứ cổ Huế cà kê dê ngỗng; Luận về ché đựng rượu đời đàng cựu triều Nguyễn Phước; Tâm sự và nghệ thuật chơi đồ cổ ngoạn "sứ men lam Huế"...
Tập di cảo lần này còn một phần in những lá thư của cụ Vương còn lưu lại sau khi trao đổi với nhiều người nhiều giới. Nhờ đó, từ một phần cuộc sống của cụ phản ảnh những nét chân thực của giới trí thức, là một phần trong cuộc chuyển mình của Sài Gòn một thời chưa xa...
Tập sách có những trang viết hữu ích về văn chương chữ nghĩa, như bài Người Việt viết văn Việt, tuy cách nói sang đàng chuyện nọ bắt qua chuyện kia, nhưng văn liệu tác giả dẫn ra lại chính là một mảng kiến thức thật hấp dẫn không dễ bỏ qua.
Rồi chuyện liễn đối ngày tết, chuyện câu đối ông táo, bàn về gốc tích chữ "tứ đại" trong bài Tứ đại oán... là cả một phần tâm huyết lẫn kỳ công của tác giả.
Vương Hồng Sển vẫn quyến rũ về chuyện địa danh và lịch sử Nam Kỳ Tháng 3 năm nay, tên tuổi Vương Hồng Sển trở lại với bạn đọc qua quyển di cảo Chuyện cũ ở Sốc Trăng.