'Độc quyền' vàng - trải lòng của tổng giám đốc SJC
Sau hơn 10 năm, câu chuyện thương hiệu vàng SJC về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn nóng. Để có thêm thông tin, Tuổi Trẻ trao đổi với bà Lê Thúy Hằng - tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC).
Bà Hằng nói:
- Từ khi nghị định 24 ban hành năm 2012, vàng SJC đã do NHNN quản lý, từ đó tới nay công ty chỉ gia công (vàng móp méo không đủ tiêu chuẩn lưu hành) chứ không sản xuất thêm một miếng vàng nào từ nguyên liệu, Công ty SJC chỉ là đơn vị thuần kinh doanh mua bán vàng.
* Tại hội nghị về vàng do NHNN tổ chức, bà khẳng định Công ty SJC không hưởng lợi từ việc "độc quyền" vàng SJC, bà có thể minh chứng?
- Khi NHNN quản lý thương hiệu vàng SJC, Công ty SJC đã bàn giao khuôn dập vàng miếng cho NHNN, kể từ đó công ty không được quyền mua vàng nguyên liệu cũng như dập vàng miếng.
Theo báo cáo với NHNN trước năm 2012 lợi nhuận của công ty hơn 300 đến hơn 400 tỉ đồng/năm (90 - 95% là từ sản xuất vàng miếng), sau năm 2012 lợi nhuận từ 65 - 85 tỉ đồng/năm.
* Vậy các khuôn dập vàng SJC vốn đem lại lợi nhuận cho công ty nay ở đâu?
- Khuôn được giao cho NHNN quản lý và niêm phong. Với chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế của Chính phủ, từ 10 năm qua NHNN chỉ cho phép dập "tái sinh" vàng móp méo, nên không tăng thêm số lượng vàng miếng SJC lưu hành trên thị trường.
* Quy trình "tái sinh" vàng miếng móp méo thế nào để tránh bị lạm dụng?
- Người dân có vàng móp méo, khó giao dịch, đem bán lại, công ty mua để "tái sinh" với phí 140.000 đồng/lượng. Đây là chính sách hậu mãi dù công ty không còn sản xuất vàng miếng nhưng phải có trách nhiệm với sản phẩm đã bán ra nhiều năm trước đây.
Quy trình "tái sinh" miếng vàng móp méo rất nghiêm ngặt theo sự giám sát của NHNN chi nhánh TP.HCM (xem đồ họa).
* Liệu công ty có "giấu" khuôn để "lén" dập vàng không?
- Đây nếu có sẽ là hành vi sai pháp luật và toàn thể ban lãnh đạo, CB-CNV luôn ý thức được điều này.
* Khi chuyển giao thương hiệu vàng SJC qua NHNN, Công ty SJC "được, mất" gì?
- Khi SJC thuộc về NHNN, chúng tôi được chọn là thương hiệu quốc gia, đó là điều tự hào thương hiệu SJC. Chúng tôi được người dân tin tưởng lựa chọn bởi uy tín và chất lượng của mình.
Ở đây chúng tôi không có khái niệm "mất" bởi chúng tôi là đơn vị 100% vốn nhà nước, việc giao thương hiệu về NHNN là sự chỉ đạo đúng đắn và vì lợi ích quốc gia theo chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế của Chính phủ.
* Nhiều người cho rằng nếu Công ty SJC mua vàng nguyên liệu 50 triệu đồng/lượng, dập ra vàng miếng SJC bán 66 triệu đồng/lượng, có thể lãi 16 - 20 triệu đồng/lượng?
- Không bao giờ xảy ra như thế vì đối diện pháp luật. Xin nhắc lại, kể từ năm 2012 thương hiệu vàng miếng về NHNN, Công ty SJC không còn được mua vàng nguyên liệu để dập vàng và cũng không có khuôn để dập.
* Nhiều người cho rằng vì từng sản xuất vàng miếng SJC nên Công ty SJC có lợi thế trong việc đầu cơ, làm giá vàng miếng SJC?
- Công ty SJC là doanh nghiệp nhà nước, không được phép đầu cơ, luôn duy trì trạng thái cân đối mỗi ngày. Hoạt động đầu cơ, không tuân thủ nguyên tắc cân đối vàng là vi phạm quy định hoạt động kinh doanh của công ty bởi vì nếu đầu cơ, không cân đối mua bán mỗi ngày có thể dẫn đến làm mất vốn của Nhà nước.
Còn về làm giá, trên thị trường không có đơn vị nào có thể tự làm giá và Công ty SJC cũng vậy. Giá là do cung cầu của thị trường quyết định. Mỗi năm chúng tôi quyết tâm hoàn thành kế hoạch được giao để đủ quỹ lương cho người lao động.
Các bạn trẻ ngày nay họ không quá quan tâm mua vàng để cất giữ. Họ sử dụng tiền đồng để dễ giao dịch, đầu tư.
Bà LÊ THÚY HẰNG
* Vậy lúc này, vàng miếng SJC mà Công ty SJC đang bán ra là từ đâu?
- Chúng tôi mua trên thị trường để bán lại như bao công ty kinh doanh vàng khác, không có sản xuất thêm. Xin khẳng định Công ty SJC từ 10 năm qua chỉ thuần về mua bán vàng chứ không còn được quyết định việc sản xuất vàng miếng SJC nữa.
* Vậy những lúc người dân bán vàng nhiều hơn mua, công ty giải quyết thế nào?
- Nguyên tắc của chúng tôi: "khách bán - chúng tôi mua" và "khách mua - chúng tôi bán". Việc người dân bán vàng nhiều hơn mua, chúng tôi luôn luôn ứng xử theo phương châm "vui lòng khách đến vừa lòng khách đi" và tuân thủ theo nguyên tắc cân đối trạng thái.
* Thế giá vàng do ai định đoạt và sao lại cao bất thường, có lúc gần 20 triệu đồng so với giá vàng nguyên liệu tại Việt Nam?
- Giá vàng được tính toán trên cơ sở tham chiếu giá thế giới và cung - cầu thị trường trong nước. Vì sao giá cao bất thường?
Hơn 10 năm qua không có thêm miếng vàng SJC nào được sản xuất từ nguyên liệu. Gần nhất là năm 2019 khi giá vàng SJC trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, khi đó vàng miếng SJC được nhiều doanh nghiệp chuyển đổi qua chế tác nữ trang để xuất khẩu.
* Vậy ai, nơi nào được hưởng lợi từ việc giá vàng SJC cao bất thường?
- Tôi cho rằng hưởng lợi là những người quyết định bán vàng ở thời điểm họ thấy có lợi nhất.
* NHNN không sản xuất vàng miếng SJC, do vậy khó kéo giá vàng SJC về gần giá vàng nguyên liệu, vậy nếu cất giữ, theo bà có nhất thiết phải là vàng miếng SJC, có thể giữ vàng nguyên liệu, cùng trọng lượng nhưng giá thấp hơn?
- Theo tôi, cất giữ loại vàng là do quyết định của mỗi tổ chức, cá nhân. Nhìn chung, trong cất giữ tài sản, đến lúc nào đó người dân thấy không còn có lợi, họ sẽ thay đổi. Cũng có thể sau này khi kinh tế vĩ mô ổn định, người dân chọn giữ tiền đồng nhiều hơn.
* Nghị định 24 góp phần chống vàng hóa nền kinh tế nhưng cũng tạo ra tình trạng vàng SJC giá cao, liệu có nên điều chỉnh để hạ nhiệt giá vàng SJC?
- Người dân có quyền lựa chọn hình thức đầu tư: tiền, vàng, bất động sản hay chứng khoán... và Nhà nước có trách nhiệm ổn định các thị trường để tránh gây hậu quả cho đời sống người dân.
Với thị trường vàng và chống vàng hóa, kết quả đã quá rõ, vàng không còn là phương tiện thanh toán, chẳng còn ai định giá hay thanh toán bằng cây, bằng lượng như trước. Cho đến nay nghị định 24 vẫn còn hiệu lực và phát huy tốt tác dụng.
* Chuyện vàng gây ồn ào dư luận, theo bà, quy mô mua bán vàng trên thị trường có "khủng" không?
- Có những ngày giá vàng cao ngất ngưởng nhưng số lượng giao dịch mua bán rất ít. Mua vàng là sự lựa chọn của một số người dân. Nhìn chung sức mua vàng không còn như trước. Thật sự lượng giao dịch không quá nhiều tương xứng với sự quan tâm của truyền thông.
10 năm trước: "vàng hóa", trả giá đắt
Nguồn cung vàng miếng SJC những năm qua - Đồ họa: N.KH.
Trước năm 2012, giá USD tại thị trường tự do và vàng liên tục biến động gây lo lắng. Nguyên nhân là do nạn "vàng hóa" nền kinh tế khá trầm trọng.
Ngân hàng huy động vàng của dân, nhiều cá nhân và doanh nghiệp vay vốn vàng để đầu cơ, chủ yếu là vay vàng bán chờ giá xuống mua lại nhưng đa số dự đoán sai, giá vàng thế giới tăng đều, dẫn đến thua lỗ. Cứ mỗi khi người vay cần mua vàng để trả nợ đều tạo ra những cơn sốc giá vàng và USD.
Để loại dần "vàng hóa", NHNN yêu cầu ngân hàng thương mại dừng cho vay, sau đó dừng huy động vốn vàng. Quá trình này kéo dài và rất tốn kém. NHNN phải chi nhiều ngoại tệ để nhập vàng. Người vay vàng bị thua lỗ khi phải mua vàng giá cao để trả nợ. Khi đó, khá nhiều người vay vàng bán giá 12 - 20 triệu đồng/lượng, đến lúc mua vàng trả nợ giá trên 40 triệu đồng/lượng.
Năm 2012, nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành là vũ khí hiệu quả để chống "vàng hóa", nhờ vậy giá vàng và USD tại thị trường tự do không còn làm người dân lo lắng. Việc chuyển giao thương hiệu vàng SJC về cho NHNN từ năm 2012 xem như đã "chấm dứt" sản xuất vàng SJC, tính đến thời điểm này.
Theo T.Huyền
Tuổi Trẻ