ĐỌC NHANH ngày 8-4: Ukraine tuyên bố quốc hữu hóa các tài sản của Nga
Phát biểu trên kênh truyền hình Rada TV ngày 8-4, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nêu rõ luật quốc hữu hóa đã được thông qua và các cơ quan chức năng đã bắt đầu xúc tiến công tác này để "đền bồi các thiệt hại đã hứng chịu".
* Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã đến Kiev bằng tàu hỏa ngày 8-6, theo đài Russia Today của Nga. Chuyến đi là một tín hiệu cho thấy "Ukraine đang kiểm soát lãnh thổ của mình", ông Borrell nói với các phóng viên.
Hai quan chức này sau đó đã đến thị trấn Bucha, phía tây bắc thủ đô Kiev, để xem xét vụ việc được cho là “thảm sát Bucha” mà chính phủ Ukraine cáo buộc quân đội Nga tấn công dân thường trong lúc rút quân. Nga bác bỏ cáo buộc này và nói phía Kiev dàn dựng vụ việc.
* Nga đã tuyên bố trục xuất 45 nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán Ba Lan tại Nga để trả đũa việc Warsaw trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga khỏi Ba Lan, Reuters dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Nga hôm 8-4. Trước đó, vào tháng trước, Ba Lan tuyên bố trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga vì tình nghi làm gián điệp.
* Đồng rúp của Nga đang có giá trị mạnh nhất so với đô la Mỹ kể từ tháng 11 năm ngoái và so với đồng euro kể từ tháng 6-2020. Cụ thể, khoảng 72 rúp đổi 1 USD và 77 rúp đổi 1 euro vào 8-4, theo đằi Russia Today của Nga. Kết quả này được cho là nhờ các biện pháp kiểm soát vốn và yêu cầu thanh toán khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp, khiến đồng rúp tăng gấp đôi giá trị.
* Nhiều hãng thông tấn đã dẫn phát ngôn của Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal trên đài Rada nói rằng việc tịch thu này là đúng luật của Ukraine và sẽ nhằm bồi hoàn những tổn thất mà nước này đã phải chịu do chiến dịch quân sự của Nga tiến hành từ ngày 24-2 vừa qua.
Trước đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cũng từng nói nước này mong muốn nhận được một phần từ các tài sản của Nga bị các nước phương Tây phong tỏa. Nhà lãnh đạo chính phủ Kiev khẳng định đã lập nhóm làm việc và đã kết nối với nhiều quốc gia phương Tây với mong muốn nhận được tiền trong vòng 6 tháng tới.
* Ngày 8-4, Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đã phong tỏa gần 30 tỉ euro (hơn 32,5 tỉ USD) tài sản của các cá nhân là người Nga và Belarus , cũng như các công ty mà EU áp đặt lệnh trừng phạt liên quan chiến dịch quân sự của Matxcơva ở Ukraine.
Theo thông báo của Ủy ban châu Âu (EC), EU đã phong tỏa khối tài sản trị giá 29,5 tỉ euro "bao gồm các tài sản như tàu thuyền, máy bay trực thăng, bất động sản và tác phẩm nghệ thuật", trong khi ngăn chặn nhiều thương vụ giao dịch với tổng trị giá 196 tỉ euro.
Số liệu nêu trên của EU mới chỉ là một phần, được dựa trên cơ sở dữ liệu từ khoảng 50% trong tổng số 27 quốc gia thành viên được trao nhiệm vụ "đóng băng và thu giữ" các tài sản liên quan công dân Nga và Belarus.
* Ngày 8-4, Ngân hàng trung ương Nga thông báo hạ lãi suất chủ chốt từ 20% xuống còn 17%, áp dụng từ ngày 11-4 tới và có thể tiếp tục hạ trong các cuộc họp tới. Ngân hàng trung ương Nga cho rằng nguy cơ bất ổn tài chính vẫn hiện hữu tuy nhiên đã ngừng gia tăng.
Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, do gia tăng nguy cơ đối với ổn định tài chính. Theo TTXVN, c uộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu từ ngày 24-2 đã dẫn đến một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, khiến đổng rúp giảm mạnh và lạm phát gia tăng, tuy nhiên đổng rúp đã phục hồi trở lại trong những tuần gần đây nhờ các biện pháp kiểm soát vốn.
* Theo Reuters, ngày 8-4, Anh thêm hai con gái của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào danh sách trừng phạt. Theo đó, Anh sẽ đóng băng tài sản của hai cô con gái của ông Putin là Maria Vorontsova và Katerina Tikhonova. Trước đó, Mỹ cũng tuyên bố trừng phạt hai người con này của tổng thống Nga.
* Ngày 8-4, Nhật Bản thông báo trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga , theo Hãng tin AFP. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hikariko Ono cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu trục xuất 8 nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở Tokyo và các quan chức thuộc Văn phòng Đại diện thương mại của Liên bang Nga".
Động thái này của Nhật Bản được cho là tiếp tục phối hợp với Mỹ và các nước châu Âu gia tăng sức ép đối với Nga liên quan vấn đề Ukraine. Gần đây, Mỹ và các nước châu Âu cũng đã thông báo trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga.
* Ngày 8-4, Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Công ty Đường sắt quốc gia Ukraine cho biết hai quả rocket Nga đã trúng một ga đường sắt tại thành phố Kramatorsk, miền đông Ukraine. Ga này được dùng để sơ tán người dân trong khu vực. Hiện Nga vẫn chưa lên tiếng về thông tin của Công ty Đường sắt quốc gia Ukraine.
* Ngày 8-4, Nga cho biết họ đã phá hủy một trung tâm huấn luyện lính đánh thuê nước ngoài ở phía bắc Odessa, Ukraine, Hãng thông tấn Tass đưa tin. Hãng tin Reuters chưa thể xác minh tính thực hư của thông tin này.
* Theo Hãng tin AFP ngày 8-4, chính quyền Washington đã cấm hoạt động nhập khẩu hàng hóa Mỹ đối với ba hãng hàng không Nga là Aeroflot, Azur Air và Utair trong vòng 180 ngày tới, vì vi phạm lệnh trừng phạt của Washington liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.
* Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo Ukraine sẽ mở 10 hành lang sơ tán trong ngày 8-4, Hãng tin Reuters đưa tin. Các hành lang này bao gồm các tuyến đường giúp người dân rời khỏi thành phố Mariupol đang bị lính Nga bao vây và rời khỏi vùng Lugansk.
* Theo báo Guardian , ngày 8-4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và cấp phó Josep Borrell đang trên đường đến thủ đô Kiev, Ukraine. Bà von der Leyen đã chia sẻ trên Twitter bức ảnh bà bước xuống một tàu hỏa của Ukraine với dòng chú thích "Mong chờ đến Kiev". Tương tự, ông Borell cũng viết "Đang tới Kiev".
* Ngày 8-4, Bộ Quốc phòng Anh dẫn báo cáo tình báo cho biết binh lính Nga đã "rút hoàn toàn" khỏi miền bắc Ukraine và trở lại Belarus và Nga, và nhiều binh lính có thể được điều động đến miền đông Ukraine để chiến đấu tại khu vực Donbass, Đài CNN đưa tin. Giới chức quân sự Kiev cho biết họ nhìn thấy lực lượng Nga đang tăng cường ở phía đông Ukraine.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Mỹ đang cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Ukraine để tiến hành các chiến dịch tại vùng Donbass. Theo CNN, đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai thừa nhận vai trò của Washington trong các chiến dịch của Ukraine ở khu vực tranh chấp phía đông.
* Theo Đài Al Jazeera, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty đóng tàu quân sự và khai thác kim cương lớn nhất của Nga , ngăn họ quyền truy cập vào hệ thống tài chính của Mỹ. Trong số này có Alrosa, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới và chiếm khoảng 90% công suất khai thác kim cương của Nga. Kim cương là một trong 10 "mặt hàng xuất khẩu phi năng lượng" hàng đầu của Nga tính theo giá trị.
* Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, nước này đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào Nga đối với các nhà lãnh đạo cấp cao của Úc và New Zealand , trong đó có Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.
Tổng cộng có 228 người Úc và 130 người New Zealand có tên trong danh sách trừng phạt của Nga. Động thái này được nói là để đáp trả những bước đi "không thân thiện" của hai nước nhằm vào Matxcơva trước đó.
* Ireland cho biết 2 nhà ngoại giao của nước này ở Matxcơva đã bị yêu cầu rời khỏi Nga mà không có lý do. Sự việc diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi Dublin trục xuất 4 nhân viên ngoại giao Nga bị cáo buộc hoạt động gián điệp.
* Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên với một đài truyền hình phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã thừa nhận họ bị tổn thất dù không nói rõ số liệu cụ thể. Ông cũng nhìn nhận "đó là bi kịch to lớn đối với chúng tôi".
Theo Đài CNN, hồi tháng 3-2022, Nga thông báo 1.351 binh sĩ nước này thiệt mạng trong khi phương Tây ước tính con số từ 7.000 đến 15.000.
Trong trả lời phỏng vấn, ông Peskov vẫn nói binh sĩ Nga không gây ra thảm sát dân thường tại Bucha, nói về thái độ của NATO hiện nay là "đối đầu", và khẳng định "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga sẽ đạt mục tiêu trong vài ngày tới.
* Trong cuộc điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 7-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra nhận định: "Vladimir Putin từng nghĩ có thể kiểm soát nhanh được Ukraine và thủ đô Kiev nhưng ông ấy đã lầm".
Bộ trưởng Austin nói Tổng thống Nga Putin đã từ bỏ việc tấn công nhằm kiểm soát Kiev. “Tôi nghĩ ông Putin đã từ bỏ nỗ lực kiểm soát thủ đô và hiện đang tập trung vào phía nam và phía đông của Ukraine", ông Austin nhận định trước các nghị sĩ Mỹ.
* Pháp, nước đang giữ vai trò chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), thông báo các thành viên của khối đã thống nhất gói trừng phạt thứ 5 nhắm vào xuất khẩu than của Nga và cấm vận vũ khí.
Ngày 7-4, theo văn phòng Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu, các biện pháp mới bao gồm cấm nhập khẩu than của Nga cũng như đóng cửa các cảng của EU đối với tàu Nga . Ngoài ra, nó cũng cấm vận xuất khẩu vũ khí và các sản phẩm công nghệ cao sang Matxcơva.
Danh sách trừng phạt gồm nhiều "tài phiệt, các diễn viên tuyên truyền, các thành viên của bộ máy an ninh và quân sự, các thực thể trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ" của Nga, dự kiến được công bố ngày 8-4.
* Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ủng hộ đề xuất chi thêm 500 triệu euro (khoảng 540 triệu USD) để cung cấp vũ khí cho Ukraine .
"Sau khi được thông qua, điều này đưa hỗ trợ của EU về thiết bị quân sự cho Ukraine tăng lên 1,5 tỉ euro", ông Michel nói. Trước đó, EU đã đồng ý gói 1 tỉ euro để cung cấp vũ khí cho Kiev.
quyết định chấm dứt quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, còn gọi là quy chế "Tối huệ quốc" với Nga và dự luật cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga
Đạo luật được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo vào tháng trước, nay cho phép tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga. Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua trước khi luật được thông qua tại Hạ viện nước này.
* Ngày 7-4, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền. Nghị quyết nhận được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Mỹ đưa ra đề xuất này sau vụ việc dân thường bị sát hại ở thành phố Bucha của Ukraine, điều mà phía Nga cho là bị dàn dựng nhằm bôi nhọ Matxcơva.
* Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói nước này sẽ tiếp tục đàm phán với Ukraine bất chấp các "khiêu khích" . Ông Lavrov xác nhận Kiev đã đưa ra một dự thảo thỏa thuận vào ngày 6-4. Tuy nhiên nhà ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine đã đưa ra các điều khoản đàm phán mới khác biệt với những điều khoản quan trọng mà hai bên đã thống nhất trong cuộc gặp ngày 29-3, cho thấy có sự can thiệp của phương Tây.
Washington và các đồng minh đã chuyển khoảng 25.000 hệ thống vũ khí chống máy bay và 60.000 hệ thống chống tăng cho chính quyền Kiev
Hội đàm với các đại diện NATO và G7 ngày 7-4, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi các nước thành viên NATO cung cấp cho Kiev tất cả vũ khí mà Ukraine cần.