Đọc một bài thơ, ngẫm cách người xưa giáo dục con cái

Chia sẻ Facebook
11/12/2022 13:28:44

Bậc hiền mẫu một tay nuôi dạy con thành người, thấu hiểu ưu nhược điểmn, nên có thể uốn nắn giáo dục con ngay cả khi người con ấy đã...


Trong lịch sử có những bậc hiền mẫu một tay nuôi dạy con thành người, thấu hiểu ưu nhược điểm của con, nên có thể uốn nắn giáo dục con ngay cả khi người con ấy đã trở thành quan lớn, quyền cao chức trọng. Đặc biệt, mẹ của Tể tướng thời Bắc Tống là Khấu Chuẩn dẫu đã qua đời vẫn có thể dùng thơ mà khiến con mình không quên chí hướng.

(Tranh: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Khấu Chuẩn từ nhỏ mất cha, gia cảnh bần hàn, đều dựa vào mẹ nuôi tằm dệt vải sống qua ngày. Mẹ ông thường vừa xe tơ dệt vải vừa giáo dục, đốc thúc con khổ học.

Tuy nhiên bấy giờ Khấu Chuẩn hành vi phóng túng, không theo chính nghiệp, ham thích các trò lẻ. Mẹ đã quở trách nhiều lần mà ông không chừa.

Một lần vì quá giận, mẹ ông cầm quả cân ném phải chân ông, khiến chân chảy máu, phải chữa lâu ngày mới khỏi. Sau bận đó, ông hồi tâm chuyển ý, chuyên lo học tập.


Khấu Chuẩn vào Kinh ứng thí, ông đỗ tiến sĩ. Tin vui bay về quê nhà, vừa hay cũng là lúc mẹ ông lâm trọng bệnh. Trước lúc lâm chung, bà gửi gắm cho người nhà họ Lưu một bức tranh và nói: “Ngày sau Khấu Chuẩn ắt sẽ làm quan. Nếu nó có chỗ nào sai sót, bà hãy mang bức tranh này đưa cho nó!”


Khi Khấu Chuẩn mới lên làm quan, mỗi khi nhận được bổng lộc, ông đều đặt ở đại sảnh. Một người hầu lớn tuổi thấy vậy, khóc mà nói với Khẩu Chuẩn rằng: “Khi Thái phu nhân qua đời, gia cảnh rất bần hàn, muốn có một mảnh lụa làm y phục khâm liệm cũng không có. Thật bi ai, Thái phu nhân sẽ không bao giờ nhìn thấy cuộc sống hiện giờ của ngài!” Khấu Chuẩn nghe xong, trong lòng đau đớn. Từ đó về sau, ông lại thực hành sự tiết kiệm, giản dị, không dám hoang phí. Khấu Chuẩn có một chiếc chăn bằng vải xanh, dùng 20 năm không đổi.


Sau này Khấu Chuẩn làm quan cương trực, dám can gián thẳng, được trọng dụng, được Hoàng đế ban cho bốn chữ “trung chính liêm trực” , rồi trở thành Tể tướng.

Giữa lúc quân Liêu tới xâm phạm, tấn công rất gắt, một mình Khấu Chuẩn khuyên Hoàng đế trực tiếp đốc thúc binh sĩ trên chiến trường, dẫn tới việc quân Tống toàn thắng quân Liêu.

Sau khi lập công trạng hiển hách, Khấu Chuẩn có phần tự mãn, sinh hoạt thường xa xỉ, rất thích uống rượu yến tiệc ban đêm. Vì để chúc mừng sinh nhật của mình, ông mời gánh hát, chuẩn bị thiết yến tiệc đãi quan khách.

Bà Lưu cho rằng thời cơ đã đến, bèn đưa lại bức tranh năm xưa mà mẹ Khấu Chuẩn ký thác cho ông.


Khấu Chuẩn mở ra xem, trong tranh là bức “Hàn Song Khóa Tử Đồ” , nghĩa là cậu bé học bài bên khung cửa lạnh giá. Trên bức tranh viết một bài thơ rằng:


Cô đăng khóa độc khổ hàm tân,
Vọng nhĩ tu thân vị vạn dân.
Cần kiệm gia phong từ mẫu huấn,
Tha niên phú quý mạc vong bần.

Tạm dịch:


Ánh đèn cô độc học hành khó nhọc,
Mong con tu thân vì vạn dân.
Cần kiệm gia phong mẹ hiền dạy,
Ngày sau phú quý chớ phụ bần.


Đây hiển nhiên là lời di huấn của mẹ, “mong con tu thân vì vạn dân” , dẫu trước khi lâm chung vẫn không quên trách nhiệm giáo dục con. Khấu Chuẩn quỳ xuống, đọc đi đọc lại, bất giác nước mắt như mưa. Ông lập tức hạ lệnh hủy bỏ yến tiệc.

Sau này cuộc đời làm quan của Khấu Chuẩn cũng chìm nổi, những ông vẫn luôn được lòng dân chúng. Mặc dù bổng lộc của Khấu Chuẩn nhiều vô số, nhưng ông không xây dinh phủ. Ẩn sĩ Ngụy Dã vì vậy đã tặng ông hai bài thơ. Trong đó có câu:


Hữu quan cư đỉnh nãi,
Vô địa khởi lâu đài.

Tạm dịch:


Có vị quan ở đỉnh danh vọng,
Vậy mà chẳng có đất xây lâu đài.


Một lần nọ, sứ giả một bộ tộc người dân tộc thiểu số thấy Khấu Chuẩn trên triều, bèn hỏi một vị quan trong triều rằng: “Đây có phải là vị tể tướng ‘chẳng có đất xây lâu đài’ không?” Có thể thấy dẫu là người phương xa cũng rất tôn kính Khấu Chuẩn.


Từ câu chuyện của Khấu Chuẩn có thể thấy rằng cổ nhân coi việc giáo dục luân lý đạo đức là điều cao quý nhất, và hết sức coi trọng việc giáo dục gia đình. Có câu cổ ngữ rất hay rằng: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, Tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương” , nhà tích thiện ắt dư giả, nhà tích bất thiện ắt lắm tai ương. Cũng lại có câu rằng: “Để lại cho con cháu một thúng vàng cũng không bằng dạy chúng học một pho sách.”

Giáo dục gia đình thời xưa coi trọng ngôn truyền, thân giáo, mưa dầm thấm lâu. Bởi trẻ nhỏ dễ uốn nắn, nên việc giáo dục đạo đức là điều vô cùng trọng yếu. Với những đạo lý nhất thời không thể tiếp thụ, chúng sẽ dần hiểu được qua tiếp xúc trong thực tế cuộc sống.


Là cha mẹ ai cũng mong lưu lại những điều tốt đẹp nhất cho con cái mình. Kỳ thực dẫu để lại cho con bao nhiêu tiền tài thì cũng chỉ là vật “ngoại thân” . Dạy con cái trọng đức hướng thiện mới thực sự là biết lo nghĩ cho tương lai của chúng, mới khiến con cái được thọ ích bền lâu.


Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Mục Dao
Thiên Cầm biên tập

Phương pháp dạy con thành người tài đức của mẹ Khổng Tử


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook