Đọc lại “Trại súc vật” của George Orwell

Chia sẻ Facebook
14/07/2022 19:21:44

“Trại súc vật” của George Orwell  là một tác phẩm nổi tiếng từng được tờ Time bình chọn là một trong 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất, nằm thứ 31 trong danh sách các tác phẩm hiện đại hay nhất của thế kỷ 20, và nằm trong tuyển tập các tác phẩm lớn của thế giới phương Tây. Nó là một bức biếm họa sâu cay về những gì mà George Orwell cảm nhận được về Liên bang Xô Viết…

George Orwell. (Ảnh: BBC, Public Domain)


“Trại súc vật” bắt đầu bằng việc một bầy súc vật không chịu nổi sự “bóc lột” của con người mà vùng lên làm cách mạng tạo phản, cuối cùng đã đuổi được con người và thành lập một “Trại súc vật” do mình làm chủ.


Nhưng không lâu sau đó, con heo lãnh tụ, kẻ dẫn đầu bầy động vật tiến hành “cách mạng” , lại được hưởng đặc quyền, một mình hưởng thụ sữa bò và táo. Khi các loài động vật khác, những kẻ từng ôm giữ ý niệm “tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau” mà tham gia cách mạng, nghi ngờ con heo lãnh tụ, con heo phụ trách tuyên truyền đã giải thích rằng:

Chúng tôi ăn những thứ này mục đích duy nhất là phải giữ gìn sức khỏe cho chúng tôi. Toàn bộ việc quản lý và tổ chức công việc trong khu vườn đều dựa vào chúng tôi. Chúng tôi vì hạnh phúc của mọi người mà ngày đêm tận tâm tận lực. Do đó, điều này là vì các bạn, chúng tôi mới uống sữa bò và mới ăn táo. Các bạn có biết không, lỡ khi loài heo chúng ta mất chức, vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Jones sẽ cuốn bụi mà quay trở lại! Đúng vậy Jones sẽ cuốn bụi mà quay trở lại! Quả thực, các đồng chí! Jones vốn là ông chủ của khu vườn, cũng là kẻ thống trị của ‘xã hội cũ’.

Một vài loài động vật cá biệt mơ hồ nhớ rằng khi Jones còn ở đây, tình hình cuộc sống của các loài động vật hầu như không kém hơn so với hiện tại. Nhưng theo sự tuyên truyền ngày qua ngày, nỗi sợ hãi Jones sẽ cuốn bụi mà quay trở lại đã ăn sâu vào đầu những loài động vật như một phản xạ có điều kiện. Vậy là lũ động vật không còn lời nào để nói về đặc quyền của heo. Rất nhanh, đặc quyền của heo càng ngày càng nhiều…

Một biếm họa trong truyện “Trại súc vật”. (Tranh: The National Archives UK, Public Domain)


Mặt khác, làm thế nào để đề phòng việc Jones lại cuốn bụi quay trở lại, đặc biệt là sự câu kết giữa kẻ đồ tể và Jones, phá hoại trang trại mà lũ động vật vận hành, đã trở thành một nội dung quan trọng trong cuộc sống thường nhật của các loài động vật. Đối mặt với “đại sự hàng đầu” như vậy, những bất mãn và ý kiến bất đồng khác đã trở thành chuyện vặt vãnh không quan trọng. Hơn nữa, luôn luôn “đề cao cảnh giác” , “chuẩn bị chiến đấu” đã trở thành một nội dung quan trọng bậc nhất vượt qua mọi điều trong cuộc sống xã hội. Bên cạnh đó, dưới sự điều động của con heo lãnh tụ, lũ động vật làm việc ngày càng chăm chỉ hơn, hứa hẹn cho một “cuộc sống tương lai dễ chịu” .

Cá biệt trong lũ động vật, có một con ngựa cần cù chăm chỉ, làm việc cho đến khi gục ngã. Thế là con heo lãnh tụ cử một chiếc xe kéo tới, nói là để đưa ngựa tới bệnh viện an dưỡng. Tuy nhiên, con lừa biết đọc lại phát hiện ra rằng đó là chiếc xe của một tay giết thịt. Vậy là con heo tuyên truyền phải vào cuộc, nói rằng chiếc xe đó đã được mua lại từ tay kẻ đồ tể, và rằng con ngựa sẽ được an dưỡng thích đáng.

Một thời gian sau, con heo tuyên truyền công bố rằng con ngựa đã ra đi hạnh phúc trong bệnh viện, và lũ heo tổ chức một ngày lễ để tôn vinh con ngựa, cùng trại súc vật vinh quang, và khuyến khích các con vật khác noi gương con ngựa…

Nhưng sự thật là con ngựa đã bị bán cho kẻ đồ tể, để lũ heo có tiền mua rượu whisky.


Nhiều năm sau đó, trại súc vật ngày càng hoạt động tốt hơn, và thu được nguồn lợi nhiều hơn. Nhưng những gì được hứa hẹn như đèn điện, hệ thống sưởi, nước uống đều bị quên lãng. Con heo lãnh tụ đã khiến lũ động vật tin rằng sống một cuộc sống giản dị là điều hạnh phúc nhất. Những con heo bắt đầu bắt chước lối sống của người, đi bằng hai chân, mang theo roi da, mặc quần áo. Lý niệm “tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau” được thay thế bằng lý niệm “tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau, nhưng một số thì bình đẳng hơn những con khác” .

Khi con heo lãnh tụ mở một bữa tiệc và mời những người nông dân ở địa phương tới, lũ động vật trong trại nhìn từ heo sang người, và chợt nhận ra rằng, chúng không còn phân biệt được heo và người nữa…


Mặc dù “Trại súc vật” vẫn còn thể hiện rõ những luyến tiếc về quan niệm bình đẳng xã hội không tưởng của tác giả, nhưng quả thật George Orwell đã thành công trong việc khắc họa bản chất triết học đấu tranh của kẻ thống trị chuyên chế một cách giàu hình tượng và sâu sắc.


Thông qua hình tượng kẻ địch vô hình được tạo ra và lưu giữ mọi thời khắc trong đầu óc lũ động vật, thông qua việc cường điệu sự nguy hiểm của kẻ địch mọi lúc, cường điệu tính tất yếu của việc “đoàn kết nhất trí” , kẻ thống trị đã khiến lũ động vật phải “tạm thời nhẫn nhịn” tất cả sự bạo ngược. Lũ động vật ngây thơ tin rằng hành vi bạo lực này xuất phát từ một nguyện vọng bình đẳng tốt đẹp, và cuối cùng sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Nhưng tất nhiên, người ta có nam có nữ, có giàu có nghèo, có sướng có khổ, có ngọt bùi có đắng cay, có chăm chỉ có lười biếng, có giỏi có kém, có cảm nhận khác nhau, có tính cách khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau, vậy thì cuộc sống mới thật là phong phú và có hương vị. Cái gọi là nguyện vọng bình đẳng không tưởng bên trong nguồn tài nguyên có hạn là trái đất này, và thứ học thuyết đấu tranh luẩn quẩn kia, đều chỉ là ngụy biện lừa dối mà thôi…


Blogger Thuận Nhân

Văn hóa nghệ thuật có thể bị tuyên truyền độc tài lợi dụng như thế nào?


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook