Độc lạ loài bò lớn nhất thế giới ở Việt Nam: Nặng tới 2 tấn, mang nguồn gen quý hiếm
Loài bò này mang nhiều đặc tính quý và được coi là một nguồn gen hiếm cần được bảo tồn.
Phát hiện loài bò tót quý hiếm
Theo Báo Công an nhân dân , từ những năm 2009 đến đầu năm 2015 tại thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) là vùng đệm vườn quốc gia Phước Bình, có một con bò đực thường xuyên xuất hiện mùa mưa tầm tháng 6 đến tháng 9, nhập đàn bò nhà của nông dân và kiếm ăn chung trên cánh đồng cỏ ven rừng. Con bò đực này cao khoảng 1,7m, dài hơn 2m, nặng khoảng 1 tấn.
Con bò đực hoang dã nhập vào đàn bò của người dân được nhận định là loài bò tót Đông Nam Á. (Ảnh: VTC News)
Thân mình con bò màu đen, từng khối cơ nổi lên, bốn chân trắng, nó không có cục u trên lưng như bò nhà mà có hẳn một sống cơ nổi lên chạy dài dọc sống lưng . Nó có cặp sừng to, cong vút, mút sừng nhọn hoắt vươn ra phía trước. Người cho rằng đó là trâu rừng, có ý kiến lại bảo phải là bò hoang mới đúng. Sau đó cán bộ kiểm lâm tới quan sát và nhận dạng thì nó đích thị là bò tót.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia tới nghiên cứu, con bò tót đực này thuộc nhóm bò tót Đông Nam Á (Bos gaurus) , rất hung dữ. Độ hung hãn chỉ đứng sau loài hổ. Bò tót sẵn sàng tấn công nếu phát hiện nơi ẩn nấp của thợ săn. Chúng luôn phản kháng đến cùng khi cảm thấy bị đe dọa. Là loài thú hung dữ, có vóc dáng khổng lồ nên bò tót hầu như không có thiên địch. Trên đồng cỏ vùng Bạc Rây, bò tót đực trở thành bá chủ và chinh phục đàn bò nhà giống cái.
Những thông tin thú vị về bò tót Đông Nam Á
Loại bò này còn được gọi là bò rừng Mã Lai hay bò rừng bison Ấn Độ, trên thực tế, chúng không hề có quan hệ gần gũi với loài bò rừng bison ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Tại Việt Nam, loài bò tót Đông Nam Á được người dân tộc thiểu số gọi là con min. (Ảnh: Pixabay)
Theo VTV , tại Việt Nam, bò tót Đông Nam Á được người dân tộc thiểu số gọi là con min, nghĩa là trâu rừng , do có hình dáng tương tự loài trâu. Nhìn ở đằng trước, chúng giống như trâu và ở phía sau lại giống như bò. Bò tót sống thành đàn từ 2 đến 10 cá thể. Những con bò đực già thường sống đơn độc hoặc hợp với nhau thành từng nhóm nhỏ.
Bộ lông ngắn mềm mượt màu nâu thẫm hoặc đen xám hơi phớt xanh bóng ở lưng. Lông ở bụng dài màu nâu nhạt. Con cái thường có màu hung đỏ. Đuôi dài màu đen.
Loài bò tót này nhìn ở đằng trước, chúng giống như trâu và ở phía sau lại giống như bò. (Ảnh: Pixabay)
Bò tót thích ăn lá non, mầm tre non, cỏ non mới mọc ở nương rẫy hoặc các khu vực giáp ranh với rừng. Bò tót Đông Nam Á được các chuyên gia động vật học trên thế giới công nhận là một loài bò rừng lớn nhất trên thế giới. Một con bò đực trưởng thành có thể cao trên 2 mét và nặng tới 2 tấn, to lớn hơn cả trâu rừng châu Á và bò rừng ở Bắc Mỹ. Với kích thước này, bò tót là loài thú lớn thứ 3 về chiều cao, chỉ xếp sau loài hươu cao cổ và voi. Chúng là loài có trọng lượng cơ thể đứng thứ 5 trong các loài động vật trên cạn: sau voi, tê giác trắng, tê giác Ấn Độ và hà mã.
Bò tót Đông Nam Á sinh sản thường vào tháng 6, 7. Mỗi năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa một con. Bò tót mang thai khoảng 270 ngày, đẻ mỗi năm một lứa, mỗi lứa một con. Nơi sinh sống của bò tót là rừng già thường xanh, rừng khộp, rừng hỗn giao tre nứa, rừng thứ sinh địa hình tương đối bằng ở độ cao 500 - 1500m so với mặt nước biển.
Bò tót Đông Nam Á được các chuyên gia động vật học trên thế giới công nhận là một loài bò rừng lớn nhất trên thế giới. (Ảnh: Pixabay)
Bò tót Đông Nam Á mang nhiều đặc tính quý như tầm vóc lớn, khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt …, được coi là một nguồn gen quý hiếm cần được bảo tồn và có thể phát triển để phục vụ nhân giống.
Chúng đã được liệt kê là loài dễ bị tổn thương trong sách đỏ IUCN kể từ năm 1986. Số lượng toàn cầu được ước tính tối đa là 21.000 cá thể trưởng thành vào năm 2016. Chúng đã giảm hơn 70% trong ba thế hệ gần đây và có lẽ đã tuyệt chủng ở Sri Lanka và cũng có thể ở Bangladesh. Trong các khu vực được bảo vệ tốt, số lượng chúng ổn định và ngày càng tăng.
Chúng đã được liệt kê là loài bò dễ bị tổn thương trong sách đỏ IUCN kể từ năm 1986. (Ảnh: Pixabay)
Hiện nay, tại Việt Nam chỉ còn khoảng 300 con bò tót, phân bố chủ yếu tại vườn quốc gia Mường Nhé (Điện Biên), vùng rừng núi Tây Nguyên, vườn quốc gia Chư Mom Rây (Kon Tum) và vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng), sân bay Phú Bài (Huế).Tuy nhiên, những đàn bò tót này đang đứng trước hiểm họa diệt chủng cao do rừng bị chặt phá và nạn săn trộm thú quý.
Số lượng của loài bò tót này ngày càng giảm do 2 nguyên nhân chính:
Thứ nhất , nạn chặt phá rừng khiến môi trường sống của chúng bị thu hẹp.
Thứ hai , nạn săn bắn để lấy túi mật của bò tót.
Loài bò tót này đang đứng trước hiểm họa diệt chủng cao do nạn săn trộm để lấy túi mật. (Ảnh: VTC News)
Theo trang VTC News , nhiều người đồn rằng mật bò tót có thể giúp: tráng dương, mạnh gân cốt, bổ khí, tốt cho sinh lý của đàn ông và hỗ trợ chữa nhiều chứng bệnh nan y… Mật bò tót còn được cho là có dược tính cao hơn cả mật rắn hổ chúa hay mật gấu. Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia đã chứng minh rằng mật bò tót không khác gì mật trâu, bò.
Hơn nữa, trong cơ thể người, mật chỉ tiết ra một lượng nhỏ vừa đủ giúp tiêu hóa thức ăn hằng ngày, nếu đưa thêm một lượng mật, dù của động vật nào, vào cơ thể cao hơn mức bình thường đều có nguy cơ gây ngộ độc. Chưa kể nếu uống phải mật động vật bị bệnh (nhiễm khuẩn, thương hàn, bệnh do sán lá Fasciola gigantica ký sinh trong gan và ống dẫn mật gây ra) thì càng nguy hiểm hơn.