Độc đáo quả bơ 'xanh' thay thế bơ thật: Phần thịt làm từ đậu, vỏ dùng xong có thể dùng làm nến
Quả bơ là một trong những loại trái cây không bền vững nhất để xuất khẩu. Vì thế, một nhà nghiên cứu đã tạo ra loại bơ "bền vững" để khắc phục vấn đề này.
Thường được gọi là "vàng xanh", bơ là loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng và được sử dụng trong các loại đồ ăn, đồ uống phổ biến. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hàng năm, thế giới tiêu thụ gần 5 tỷ tấn trái bơ.
Tuy nhiên, chúng ta phải trả một cái giá đáng kể cho môi trường: khoảng 2.000 lít nước được sử dụng để trồng một kg bơ hay khoảng 320 lít nước để trồng và thu hoạch một quả bơ. Hơn nữa, chúng chỉ có thể trồng được ở một số vùng khí hậu nhất định. Bên cạnh đó, rừng cũng bị chặt phá để lấy không gian trồng loại cây này.
Đó là lý do tại sao nhà nghiên cứu và nhà thiết kế Arina Shokouhi (đến từ London) quyết định phát triển một loại bơ thay thế, thân thiện với môi trường. Cô đặt tên nó là "Ecovado" và hi vọng nó sẽ truyền cảm hứng để người tiêu dùng cân nhắc kỹ trước khi mua quả bơ thật.
"Bơ là một trong những loại trái cây không bền vững nhất để xuất khẩu. Bơ nổi tiếng là khó vận chuyển vì sự mỏng manh của chúng. Nhiều quả còn bị hư hỏng trong quá trình này và không kịp lên kệ siêu thị để tới tay người tiêu dùng. Nhu cầu ngày càng tăng về loại quả này đang dẫn đến nạn phá rừng và mất cân bằng sinh học ở nhiều nơi trên thế giới", Arina chia sẻ.
Thoạt nhìn, khá khó thể phân biệt Ecovado với "hàng thật". Vỏ của Ecovado làm từ sáp ong và màu thực phẩm tự nhiên chứa bột than và rau chân vịt. Nó trông không khác gì vỏ của quả bơ thật. Điểm đặc biệt là nó có thể phân hủy sinh học và cũng có thể biến thành một ngọn nến.
Ecovado được phát triển như một phần của chương trình thạc sĩ của Arina tại trường nghệ thuật Central Saint Martins. Để tạo ra công thức, Arina đã hợp tác với nhà khoa học thực phẩm Jack Wallman của Trung tâm đổi mới thực phẩm thuộc Đại học Nottingham. Ông là người giúp cô xác định thành phần hóa học và phân tử của quả bơ, từ đó tìm ra những nguyên liệu phù hợp để thay thế. Arina cho biết phải mất tám tháng để hoàn thiện công thức cuối cùng cho Ecovado.
Phần thịt của Ecovado được làm từ bốn thành phần đơn giản: đậu tằm, táo, dầu hạt cải và hạt phỉ. Arina sử dụng hạt óc chó, hạt dẻ hoặc hạt phỉ để làm hạt cho Ecovado. Trước đó, cô đã thử nhiều lựa chọn khác nhau, bao gồm bóng bằng gỗ hay bóng bằng giấy tái chế.
"Sự lựa chọn các thành phần tạo nên Ecovado là một thách thức không hề nhỏ bởi tôi muốn nó bao gồm 100% các sản phẩm của địa phương. Việc tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc địa phương sẽ đem lại lợi ích cả về sức khỏe và môi trường. Đây là phiên bản dành cho thị trường Anh, phù hợp với khẩu vị của người dân nơi đây", Arina cho biết.
Theo Arina, ban đầu, cô định chọn bông cải xanh và một loại đậu khác để làm phần thịt cho Ecovado nhưng sau đó hủy bỏ vì sản lượng địa phương thấp. Trong khi đó, đậu tằm tương đối dễ trồng và cho sản lượng khoảng 740.000 tấn mỗi năm ở Anh.
Tuy nhiên, đậu tằm khác với quả bơ thật về mặt phân tử và rất khó để giấu đi "mùi đắng" của chúng. Nhờ sự giúp đỡ của Jack Wallman, họ đã tìm ra cách để cân bằng cách thành phần và tạo ra công thức cuối cùng như hiện nay.
Wayne Martindale, phó Giáo sư về thực phẩm và tính bền vững nhận định: "Sản xuất thực phẩm bền vững giúp phát triển nông nghiệp địa phương và là chìa khóa quan trọng để giảm lượng khí thải carbon. Một vấn đề khác cần lưu ý là sử dụng đất cũng như quyền của người lao động".
Cũng theo ông, sự phát triển trong công nghệ thu thập dữ liệu và công nghệ blockchain trong thập kỷ qua đã giúp nhiều khía cạnh của sản xuất thực phẩm dễ dàng được theo dõi và ghi lại hơn. Ông tin rằng việc truy xuất nguồn gốc cũng có thể được thực hiện với quả bơ vì nhiều người muốn biết rằng chúng đã được trồng trên đất được quản lý có trách nhiệm.
Nhóm của ông đang nghiên cứu việc sử dụng các sản phẩm phụ từ bơ, bao gồm dao kéo có thể tái chế hay dầu sử dụng trong chất bôi trơn làm từ vỏ quả bơ và thực phẩm.
Wayne nhận xét sản phẩm Ecovado của Arina cho thấy "sự sáng tạo đáng kinh ngạc" nhưng ông đặt câu hỏi liệu nó có thể mở rộng quy mô để trở thành một sự thay thế khả thi cho việc nhập khẩu bơ hay không.
Từ khi được giới thiệu, Ecovado đã nhận khá nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư tiềm năng. Arina hi vọng trong thời gian sắp tới, sản phẩm này sẽ được bán trong siêu thị với giá tương đương với quả bơ thật. Đồng thời, Arina cũng đang có kế hoạch sản xuất Ecovado ở các quốc gia khác bằng cách sử dụng nguyên liệu địa phương tại những nơi đó trong tương lai.
Arina hi vọng những người hoài nghi sẽ cho Evocado một cơ hội. "Hương vị của Ecovado có thể không hoàn toàn giống bơ nhưng cũng là một lựa chọn thay thế không tồi khi có hình thức tương tự, mùi vị thơm ngon và tốt cho sức khỏe không kém gì bơ thật", cô chia sẻ.
"Sự khéo léo của con người cùng công nghệ đã giúp chúng ta có thể tạo ra hầu như tất cả các sản phẩm mô phỏng 'hàng thật' đến mức khó phân biệt. Ecovado là một trong số đó. Tôi hi vọng nó hợp khẩu vị với những người thích ăn quả bơ thật", Arina giãi bày.
Nguồn: CNN, OddityCentral
Mộc Tiên