Độc đáo nghề nghe tiếng cá

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 14:46:16

Ở làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), một số ngư dân có khả năng kỳ lạ đặc biệt: nghe được tiếng cá kêu, hơi luồng cá bơi dưới biển khi lặn mình xuống nước.

Ông Hiếu nói rằng người nghe tiếng cá nên giữ sức khỏe để bảo vệ đôi tai


Ngư dân Phước Hải quen gọi nghề nghe tiếng cá, hơi cá là nghề "lưới lặn".


Giữa tháng 5-2022, tôi tìm đến những ngư phủ có khả năng đặc biệt ở làng chài tuổi đời trăm năm Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đó là những người có khả năng đặc biệt nghe được tiếng cá kêu, xác định được loài cá, số lượng đàn cá chỉ bằng đôi tai của mình mà không dùng bất cứ công cụ hỗ trợ nào. Họ lặn xuống nước ở độ sâu nửa sải tay rồi lắng nghe tiếng cá kêu, hơi luồng cá đi. Khi xác định được vị trí đàn cá đáng để đánh bắt, họ chỉ dẫn cho tài công đến bủa lưới.


Đôi tai thay máy tầm ngư

Ông Bạch Văn Liễu (Bảy Liễu) năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vóc dáng còn tráng kiện, nước da tươi hồng. Ông Bảy Liễu là người lớn tuổi nhất của nghề lưới lặn, hỏi đến ông thì dân trong vùng ai cũng biết.

Ông kể mình theo cha học nghề nghe tiếng cá từ năm 16 tuổi. Cha truyền cho ông một, nhưng con cá "bày vẽ" cho ông cũng nhiều. Cộng với tính chịu khó và năng khiếu, chỉ chưa đầy một năm theo cha, ông đã trở thành người có "đôi tai tầm ngư" nổi tiếng của làng chài. Ông kể học nghề lưới lặn này không hề đơn giản. Trước tiên, họ phải lặn xuống nước, vểnh tai mà nghe... ngay trong lòng nước. Những tháng đầu nghe sai là chuyện bình thường, do đó những người không kiên trì đều bỏ học giữa chừng.

"Ngoài có sức khỏe, chịu được lạnh và cực khổ, người học nghề này cần kiên trì mới nhận biết được tiếng kêu của đàn cá, phân biệt được loài cá" - ông Bảy Liễu tâm sự bí quyết và lý giải, ở dưới nước cũng như trên bờ, muốn nghe được một thanh âm gì đó thì cần tĩnh lặng. Do đó, để nghe rõ được tiếng cá thì tốt nhất là nghe vào lúc nửa đêm về rạng sáng. Bởi đó là lúc ghe tàu ít qua lại, không có tạp âm máy nổ. Nhưng đó cũng là lúc lạnh nhất.

Thời trai trẻ, đôi tai ông Bảy Liễu có thể nghe được tiếng cá kêu từ khoảng cách 200 - 500m và có thể cảm nhận hơi của luồng cá bơi xa đến vài cây số. Ông tự hào rằng mình là người "độ" được số lượng đàn cá chính xác đến 90%, đặc biệt nhiều lần chỉ chênh nhau 10kg so với hàng tấn cá đánh được. Có lần ông Bảy Liễu nghe và chỉ cho đánh được mẻ cá lên đến gần 4,5 tấn. Một lần khác, ông phải lặn ngụp hàng giờ để đi theo hơi, "lần theo dấu" của đàn cá từ Phước Hải ra đến La Gi (Bình Thuận)...

Nếu coi ông Bảy Liễu là một thế hệ của nghề lưới lặn thì ông Trương Văn Hiếu (61 tuổi) là thế hệ kế tiếp. 21 tuổi, ông Hiếu theo "sư phụ" là ông Năm Mừng ra biển học nghề... vảnh tai nghe tiếng cá. Chỉ một năm sau, ông Hiếu đã tự mình sắm ghe đi nghe tiếng cá. Ông Hiếu chia sẻ rằng có rất nhiều người muốn học và đã học nghề nghe tiếng cá nhưng không phải ai cũng đạt vì người làm nghề này phải có da săn chắc, lỗ chân lông kín để chịu được lạnh khi lặn lâu nghe cá vào sáng sớm. Khi mặt trời chưa lên, ông nghe được tiếng cá từ khoảng cách 500m. Còn lúc mặt trời đã lên rồi chỉ nghe được chừng 200m. "Mặt trời càng lên cao thì hơi và tiếng của đàn cá lan tỏa dưới nước càng ngắn lại", ông Hiếu lý giải.

Đồng trang lứa với ông Hiếu hiện chỉ còn duy nhất một người lặn biển nghe tiếng cá, đó là ông Nguyễn Văn Thu (Tám Thu, 57 tuổi). Hằng ngày, ông Tám Thu vẫn cùng khoảng 10 bạn ghe đi đánh bắt bằng đôi tai tầm ngư của ông. Hôm gặp chúng tôi, ông Tám vừa đi biển về và buồn bã cho hay hai ngày qua không có cá đành chịu lỗ tiền dầu. Nhưng ông cũng vui mừng cho biết năm 2021 nghề lưới lặn đã cho ông thu nhập hơn 2 tỉ đồng. Căn nhà khang trang, cao lớn nhất vùng của gia đình ông Tám đang sinh sống là nhờ tính chịu khó và khả năng nghe cá của ông. "Làm nghề này, muốn thành công phải chịu khổ, chịu lạnh mà lặn lúc nửa đêm đến rạng sáng", ông Tám chia sẻ.

Ông Tám Thu chèo thuyền thúng chuẩn bị đi nghe tiếng cá


Những truyền nhân của nghề biển

Những người kỳ cựu của nghề lưới lặn ở Long Hải không thể xác định được nghề này có từ bao giờ và tổ nghề là ai. Có thuyết (chưa thể rõ thực hư) nói rằng ông cha ngày xưa nghĩ ra cách quấn thức ăn vào quanh mình rồi nhảy xuống biển để làm mồi dụ đàn cá. Khi cá vây quanh, thợ lặn ra hiệu báo cho người còn lại trên thuyền bủa lưới. Có lẽ sau nhiều lần như vậy, ngư dân phát hiện ra âm thanh từng đàn cá, loài cá phát ra là khác nhau. Dần dần họ đúc rút kinh nghiệm và thành nghề nghe tiếng cá.

Vì nghe tiếng cá nên ngư dân Phước Hải chỉ đánh những loại cá phát ra tiếng dưới biển. Đó là các loại cá sóc, cá đù, cá ngao, cá lò, cá đỏ dạ. Ghe lưới lặn không đánh bắt dài ngày mà chỉ ở trên biển từ 1 - 3 ngày. Khi người nghe cá xác định được vị trí đàn cá thì báo cho tài công bủa lưới đánh bắt theo hình xoắn ốc. Trên ghe lưới lặn, tất nhiên người nghe tiếng cá là quan trọng, cực khổ nhất, quyết định thành bại của chuyến đi biển nên khi "thu hoạch" các bạn ghe được một phần, còn những người như ông Bảy, ông Tám, ông Hiếu được chia bốn phần.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bảy Liễu, ông Hiếu, ông Tám Thu đều không giấu bí quyết rằng nếu không biết thanh lọc tạp âm dưới nước khỏi đôi tai mình thì chỉ nghe tiếng ù ù, ầm ầm của sóng. Người nghe cá giỏi chỉ cần một hơi lặn đã xác định có cá hay không và từ âm thanh ấy có thể biết được đó là loại cá nào, khối lượng bao nhiêu, đang bơi về hướng nào và ở độ sâu nào.

Họ nói rằng rất khó để diễn tả chính xác tiếng cá kêu dưới biển ra sao cho mọi người hiểu. Nhưng đại khái như cá sóc nanh kêu cụp cụp, cá sóc trắng thì tọc tọc, cá ngao vàng đuôi lại kêu lục đục lục đục. Chưa hết, tiếng cá kêu ra sao còn phụ thuộc vào thời điểm, con nước, số lượng đàn cá. Ông Bảy Liễu kể có lần ông nghe đàn cá như la lên dưới biển. Ông Tám Thu lại kể có loài kêu như tiếng mưa rơi lộp độp.

Thế hệ ông Bảy Liễu có khoảng 40 người làm nghề nghe tiếng cá và hiện ở làng chài Phước Hải có khoảng 20 thanh niên đang theo nghề của cha ông. Ông Bảy Liễu tự hào về gia đình mình khi có ba đời theo nghề lưới lặn truyền thống. Hiện con trai ông - ông Bạch Hồng Hòa (51 tuổi) - cũng là một người nghe tiếng cá có tiếng. Anh Nguyễn Văn Của (27 tuổi) - con ông Tám Thu - cũng đang theo cha chập chững bước vào nghề sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự...

Một góc làng chài Phước Hải nổi tiếng cả trăm năm - Ảnh: ĐÔNG HÀ


Bảo vệ đôi tai và không nhậu

Ông Bảy Liễu kể những năm về Cà Mau nghe tiếng cá, khi đi cắt tóc ông không dám cho thợ lấy ráy tai vì sợ lỡ thợ ẩu chọc thủng màng nhĩ, hư đôi tai "tầm ngư" của mình. Còn ông Tám Thu cho biết sở dĩ năm nay đã gần 60 tuổi nhưng vẫn nghe được tiếng cá là vì mình ít ăn nhậu, giữ được sức khỏe. Những người cùng tuổi ông vì ăn nhậu nhiều nên đã "nghỉ hưu" từ mấy năm qua.


Nỗi lo mất nghề lưới lặn độc đáo

Điều lo lắng nhất của ngư dân làm nghề lưới lặn ở Phước Hải là biển "đứt lưới" - tức không còn cá để nghe, để đánh. Cả ba ngư phủ chúng tôi gặp đều nói rằng trước đây chỉ cần đi ghe ra khỏi bãi là đã có cá, nhưng nay phải đi xa. Có những loài cá đã không còn nghe thấy thanh âm của chúng như cá đỏ dạ, cá ngao bạc. Vì biển hết các loài cá của nghề lưới lặn buộc những người làm nghề này phải chuyển sang hình thức đánh bắt khác. Và lý do của biển "đứt lưới" chủ yếu là bởi nạn đánh bắt hải sản tận diệt như giã cào, bằng màn chụp...

Bao lâu nay người dân trồng dừa vẫn ưng bụng thuê anh Nguyễn Văn Núi (ở ấp Cạn Ngọn, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) rửa dừa (vệ sinh đọt dừa).

Chia sẻ Facebook