Độc đáo nghề 'làm bằng tay, xoay bằng mông' ở Ninh Thuận

Chia sẻ Facebook
15/05/2022 16:59:02

Khác với nhiều nghề làm gốm nổi tiếng khác như Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Thanh Hà (Quảng Nam), Minh Long (Bình Dương)…, nghề làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc Ninh Thuận có nét độc đáo hơn là “làm bằng tay, xoay bằng mông”.

Khi làm gốm, người Chăm làng Bàu Trúc Ninh Thuận không dùng bàn xoay mà sẽ để đất sét cố định trên bệ đỡ cố định, rồi tạo dáng cho sản phẩm. Cách làm này được gọi với cái tên rất dân dã là “làm bằng tay, xoay bằng mông” - Ảnh: DUY NGỌC


Nghề làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) không dùng bàn xoay mà sẽ để đất sét cố định trên bệ đỡ cố định của cái lu, cái chung rồi đi xung quanh và dùng đôi bàn tay của mình để tạo tác hình thù gốm.


Đây là cách làm nguyên bản, không thay đổi từ xưa đến nay. Và đến thời điểm hiện tại, không làng nghề gốm nào ở Việt Nam có cách làm này ngoài làng gốm Chăm Bàu Trúc.

Thoạt nhìn, tưởng chừng rất dễ làm, nhưng nếu không được học và rèn luyện thì khó mà làm được. Người không biết nghề chỉ đi vài vòng quanh khối đất sét được đặt trên một cái gọi là trụ kê để nặn sản phẩm dễ bị hoa mắt chóng mặt.

Cùng với cách làm, nguyên liệu đất sét tạo ra sản phẩm cũng hết sức đặc biệt - Ảnh: DUY NGỌC

Sau khi tạo dáng, gốm thô được phơi nắng 4 - 6 giờ rồi dùng mảnh sành hoặc cật tre để làm bóng. Gốm mộc được xếp đan xen với rơm và củi khô, nung lộ thiên trong một ngày.


Các sản phẩm gốm Bàu Trúc sau khi làm xong có màu đỏ tự nhiên của đất hoặc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, thể hiện đặc trưng của nền văn hóa Chăm-pa.

Khách du lịch thích thú chụp ảnh với các sản phẩm gốm - Ảnh: DUY NGỌC

Chị Lương Thị Thúy Kiều, khách du lịch đến từ TP.HCM, cho biết rất thích thú với hình ảnh các nghệ nhân ở Bàu Trúc làm gốm không máy móc, không bàn xoay, nhưng vẫn tạo ra những sản phẩm gốm mộc mạc. Sản phẩm của họ cũng rất tinh tế, hòa quyện giữa cái hồn của đất với hơi thở cuộc sống.

Còn nghệ nhân Đàng Xem (ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) cho biết nghề làm gốm ở địa phương đã có từ nghìn đời nay, gắn liền với tên tuổi của vợ chồng ông Poklong Chanh.


Chính vợ chồng ông Poklong Chanh đã mang nghề gốm về làng và truyền dạy cho phụ nữ trong làng.

Để làm được một sản phẩm gốm Bàu Trúc hoàn hảo, các nghệ nhân hay người thợ chỉ làm truyền thống là phải tay nặn, mình xoay - Ảnh: DUY NGỌC


Nhiều nghệ nhân ở Bàu Trúc chia sẻ, từ năm 2000 trở lại đây, ngoài các vật dụng thiết yếu trong đời sống thường ngày như: ấm đất, nồi đất, lò đun than củi, khuôn đổ bánh canh, bánh xèo…làng gốm Bàu Trúc còn cho ra đời các sản phẩm gốm mỹ nghệ nổi tiếng như tượng nữ thần Apsara, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy…


Ông Phú Hữu Minh Thuận, giám đốc Hợp tác xã gốm Bàu Trúc Ninh Thuận, cho biết làng gốm Bàu Trúc của đồng bào Chăm là một làng nghề truyền thống lâu đời, được xem là cổ nhất Đông Nam Á.

Nghề này có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm Ninh Thuận.

Trải qua bao thời kỳ lịch sử, đến nay, nghề gốm được con cháu kế thừa và phát huy. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Đây là một điều có ý nghĩa quan trọng cho đồng bào Chăm nơi đây, yếu tố này càng làm người dân phấn khích làm ra nhiều sản phẩm đẹp, bền phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng.

Đà Lạt vào cuộc đua phục hồi du lịch với '3 môn phối hợp' Từ 'Tuần lễ vàng du lịch Đà Lạt', Đà Lạt chính thức đánh dấu bước vào cuộc đua nhằm sớm phục hồi như trước dịch COVID-19.

Chia sẻ Facebook