Độc đáo làng nghề vẽ sáp ong của đồng bào Mông tại Hòa Bình
Vẽ sáp ong trên vải thổ cẩm không chỉ giúp người dân kiếm thêm thu nhập, mà còn là cách để đồng bào Mông lưu giữ những hoạ tiết đặc sắc của dân tộc mình.
Đến thăm căn nhà nhỏ của bà Sùng Y Dìa, xã Pà Cò, Mai Châu, Hoà Binh, bên khung cửi truyền thống của người Mông, những tấm vải thổ cẩm vẫn được bàn tay thoăn thoắt của bà làm ra mỗi ngày.
Bà Sùng Y Dìa chia sẻ: "Công việc này tôi làm từ nhỏ. Mỗi ngày chỉ dệt được một tấm thôi, kỳ công lắm, nhưng vui vì giữ được nghề truyền thống của dân tộc".
Nếu như trước đây, những tấm vải thổ cẩm của bà Dìa chỉ có thể mang ra chợ bán thì giờ đây, nó đã có một điểm đến mới. Đó là nhóm làng nghề xã Pà Cò. Từ một tấm vải thổ cẩm đơn giản, qua bàn tay khéo léo với những nét vẽ độc đáo từ sáp ong, những tấm vải với những hoạ tiết đặc trưng đã được ra đời.
Để tạo nên một tấm vải sáp ong lại là một quá trình tốn rất nhiều công sức. Ở đây, chị em phụ nữ làm hoàn toàn thủ công. Kỳ công nhất là lúc vẽ, mỗi người vẽ một ngày thường chỉ được một tấm.
Từ lớp dạy vẽ sáp ong của chị Mùi Y Gánh, xã Pà Cò, Mai Châu, Hoà Bình, gần 500 phụ nữ tại xã Pà Cò đã biết đến công việc này và thay đổi cuộc sống từ công việc này. Đặc biệt, khi những tấm vải thổ cẩm đặc trưng của bà con nơi đây đã có cơ hội xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.
Chị Mùi Y Vang, xã Pà Cò, Mai Châu, Hoà Bình cho biết: "Tôi thường bán sang Lào và Thái Lan, mỗi lần bán thì thu về khoảng 120 triệu".
"Tôi mong muốn qua sản phẩm này sẽ lan toả văn hoá dân tộc tôi đến nhiều người hơn" - chị Mùi Y Gánh, xã Pà Cò, Mai Châu, Hoà Bình bày tỏ.
Không chỉ là niềm vui, những tấm vải thổ cẩm được vẽ sáp ong còn là niềm tự hào, để phụ nữ tại xã Pà Cò, Hòa Bình mang hình ảnh của văn hoá quê hương lan toả đến khắp mọi nơi.
Những ngày này tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã diễn ra Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên.