Độc đáo cá phát sáng neon dưới tia UV
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện những con cá vây tròn thường được tìm thấy ở bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương có khả năng cực kỳ đặc biệt: phát sáng dưới tác động của tia tử ngoại (UV).
Cá vây tròn ( Cyclopterus lumpus ) thường sống quanh những mỏm đá dưới đáy biển và ẩn nấp trong những bãi rong rêu gần đấy. Trên cơ thể chúng, một chiếc vây bụng đã biến đổi thành giác hút giúp chúng có thể bắt được những sinh vật nhỏ trong nước làm thức ăn.
Từng dành nhiều thời gian nghiên cứu cá vây tròn, tiến sĩ Elizabeth Fairchild - Đại học New Hampshire (Mỹ) - cho rằng màu sắc thật của chúng luôn là ẩn số khi sắc da có thể linh hoạt biến đổi trong suốt cuộc đời.
Tiến sĩ Fairchild giải thích khi còn nhỏ, cá vây tròn có màu tựa như sắc cầu vồng. Đến tuổi trưởng thành, cá phát triển màu da từ xám nhạt đến xanh nhạt.
Chúng cũng có khả năng thay đổi để phù hợp với môi trường xung quanh, giúp tránh được những kẻ săn mồi. Vào mùa sinh sản, màu của con đực chuyển sang đỏ cam và con cái chuyển sang xanh lam.
Chưa dừng lại ở đó, nghiên cứu mới đây của tiến sĩ Thomas Juhasz-Dora - Đại học College Cork (Ireland) - cho thấy cá vây tròn còn sở hữu "tuyệt chiêu cuối" là đổi màu khi có sự tác động của tia tử ngoại (UV).
Ông đã tiến hành nhiều thí nghiệm trên nhóm 11 con cá vây tròn. Kết quả, dưới ánh sáng bình thường, chúng có màu như ngoài tự nhiên. Nhưng khi tiếp xúc với tia UV, toàn bộ cơ thể chúng phát ra màu xanh lá phản quang hệt như những ánh đèn neon.
Qua nhiều lần kiểm tra, tiến sĩ Juhasz-Dora cho biết hiện tượng này xảy ra khi một sinh vật hấp thụ tia UV - thường không nhìn thấy được bằng mắt người - và phản chiếu lại bằng màu neon.
Tuy vậy, ông nhấn mạnh sự phản quang này khác với một số hiện tượng phát quang sinh học.
Một số loài cá có thể phát sáng huỳnh quang nhưng thông qua cơ chế phản ứng hóa học do cơ thể chúng sản sinh. Ở cá vây tròn, đó là sự phản chiếu lại tia UV bằng một cách đặc biệt.
Mấu chốt nằm ở chỗ không phải loài sinh vật biển nào cũng có thể nhìn thấy màu neon của cá vây tròn nếu không có tia UV. Ngược lại, những con cá vây tròn lại sở hữu một bộ lọc đặc biệt trong giác mạc cho phép chúng nhận ra sự phát quang của nhau.
Điều này sẽ giúp cá vây tròn truyền đi tín hiệu cầu cứu với đồng loại ở gần đó trong trường hợp khẩn cấp. Nghĩa là loài cá này vừa có thể đổi màu "ai cũng nhìn thấy được" nhằm tránh bị kẻ săn mồi phát hiện, lại có thêm khả năng phát sáng neon "chỉ có đồng loại mới thấy" để tìm sự cứu trợ.
Tiến sĩ Juhasz-Dora cho rằng đến thời điểm hiện tại, kỹ thuật này của cá vây tròn có một không hai trong thế giới động vật.
Phát hiện loài cá cầu vồng tuyệt đẹp, có thể phát sáng nơi tối tăm Một loài cá cầu vồng với màu sắc đẹp mắt đã được ghi nhận tại một vùng biển ngoài khơi Maldives.