[ĐỌC CHẬM] “Phép màu” tăng trưởng của Trung Quốc đã chấm dứt?

Chia sẻ Facebook
31/05/2023 15:05:10

VietTimes – Các khoản nợ ngày càng gia tăng, chi tiêu tiêu dùng suy giảm và căng thẳng trong quan hệ với phương Tây đã tác động tới đà tăng trưởng của Trung Quốc, theo các nhà kinh tế học.

Dữ liệu trong tháng 4 cho thấy hoạt động sản xuất, chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đều không đạt kỳ vọng (Ảnh: Reuters)


Kỷ nguyên tăng trưởng nhanh của Trung Quốc đã chấm dứt. Đà phục hồi sau khi dỡ bỏ chính sách zero-COVID của nước này đang chững lại. Và giờ họ phải đối diện với nhiều vấn đề mang tính cấu trúc trong nền kinh tế.

Chỉ vài tháng trước, triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn còn khá tốt, khi chính quyền Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch, từ đó kích hoạt một làn sóng chi tiêu tiêu dùng khi người dân đồng loạt tìm đến các hoạt động ngoài trời và đi ăn nhà hàng.

Nhưng khi thời điểm cao độ của đợt mở cửa trở lại qua đi, những vấn đề tiềm ẩn suốt nhiều năm trong nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu phát tác.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại trong những năm tới (Ảnh: IMF)

Bùng nổ bất động sản cùng với đầu tư quá độ của chính phủ - những yếu tố đã thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ - đã chấm dứt. Những khoản nợ khổng lồ làm tê liệt các hộ gia đình và chính quyền địa phương. Một số gia đình cũng đã lựa chọn tích lũy tiền mặt thay vì tiêu dùng do lo ngại về tương lai.

Việc chính phủ thắt chặt kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân trước đây cũng khiến giới doanh nghiệp không dám chấp nhận rủi ro, trong khi quan hệ lạnh nhạt với phương Tây cũng làm giảm các khoản đầu tư nước ngoài.

Các nhà kinh tế học nói rằng, những vấn đề mang tính cấu trúc này đã làm giảm cơ hội kéo dài “phép màu” tăng trưởng đã giúp họ chuyển mình thành một đối thủ đủ sức tranh giành tầm ảnh hưởng với Mỹ.

Thay vì tăng trưởng ở mức 6% hoặc 8% như từng thấy trong quá khứ, Trung Quốc có thể sớm chứng kiến đã tăng trưởng ở mức chỉ 2% hoặc 3%, theo một số chuyên gia kinh tế. Dân số đang già hoá, lực lượng lao động thu hẹp càng làm phức tạp thêm vấn đề của nước này.

Trung Quốc có thể đóng góp ít hơn cho đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, thấp hơn kỳ vọng của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, khiến cho nước này kém quan trọng hơn đối với một số công ty nước ngoài, và khó có khả năng để vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Đà tăng trưởng đáng thất vọng ngày hôm nay thực sự cho thấy rằng một số trở lực mang tính cấu trúc đã xuất hiện”, Frederic Neumann, trưởng kinh tế gia châu Á đến từ HSBC, nhận định.

Tăng trưởng èo uột

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ thường niên là 4,5% trong quý đầu năm nay, được thúc đẩy bởi việc gỡ bỏ các lệnh hạn chế do COVID.

Tuy nhiên, nhiều tín hiệu mới đây cho thấy sự hồi sinh này đang suy giảm. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 0,5% trong tháng 4, so với tháng trước đó. Hàng loạt dữ liệu về sản lượng sản xuất, xuất khẩu và đầu tư đều thấp hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế.

Hơn 1/5 số người trẻ trong độ tuổi 16 – 24 ở Trung Quốc thất nghiệp, theo dữ liệu trong tháng 4. Các công ty thương mại điện tử Alibaba và JD.com báo cáo doanh thu ảm đạm trong quý đầu năm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 5,2% từ đầu năm đến nay, trong khi đồng NDT suy yếu so với đồng USD.

Nợ của Trung Quốc tăng trong giai đoạn đại dịch (Ảnh: BIS)

Hầu hết các nhà kinh tế học tin rằng những vấn đề hiện hữu của Trung Quốc sẽ không dẫn tới suy thoái, hay ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay – bởi đây là con số mục tiêu được nhiều người cho là dễ dàng đạt được, sau một năm 2022 tăng trưởng chậm chạp.

McDonald và Starbucks cho hay họ sẽ mở thêm hàng trăm nhà hàng mới ở Trung Quốc, trong khi các hãng bán lẻ, như Ralph Lauren, cũng có động thái tương tự.


Sự bùng nổ trong sản xuất xe điện (EV) cho phép Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu xe lớn nhất thế giới trong quý đầu tiên. Chính sách công nghiệp của chính phủ Trung Quốc cùng với năng lượng sản xuất cho thấy họ vẫn đang nỗ lực để vượt qua các quốc gia khác trong một số lĩnh vực công nghiệp quan trọng.

“Chúng tôi vẫn có niềm tin về đà tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc”, Phillip Wool, giám đốc nghiên cứu đến từ hãng quản lý tài sản Rayliant Global Advisors, cho hay.

Người dân không dám chi tiêu

Tuy nhiên, có nhiều nhà kinh tế học ngày càng tỏ ra lo ngại về tương lai của Trung Quốc.

Hy vọng lớn nhất của họ trong năm nay là người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu, bởi động lực thúc đẩy đà tăng trưởng của Trung Quốc trong quá khứ - đầu tư và xuất khẩu – đã chững lại.

Mặc dù người dân đang chi tiêu nhiều hơn so với 3 năm đại dịch COVID, nhưng Trung Quốc vẫn chưa trải qua mức tăng trưởng bùng nổ như các nền kinh tế khác sau khi mở cửa trở lại giai đoạn hậu COVID. Niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp. Quan trọng hơn, theo một số nhà kinh tế, chính phủ Trung Quốc không thể thuyết phục người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn thay vì tiết kiệm.

Chi tiêu của hộ gia đình chiếm khoảng 38% GDP thường niên của Trung Quốc, trong khi ở Mỹ là 68%, theo dữ liệu của LHQ.

Chi tiêu hộ gia đình tính theo tỷ trọng GDP của Trung Quốc so sánh với các nước khác (Ảnh: WSJ)

“Đà tăng trưởng dựa vào người tiêu dùng luôn là một mục tiêu tham vọng đối với Trung Quốc”, Louise Loo, trưởng kinh tế gia Trung Quốc tại công ty Oxford Economics, trụ sở tại Singapore, nói. Theo bà, giờ mục tiêu này càng khó đạt được hơn bởi người tiêu dùng Trung Quốc đang tỏ ra thận trọng sau khi thoát khỏi đại dịch.

Mặc dù chính quyền đã giúp cho việc vay mượn trở nên dễ dàng hơn trong năm nay, nhưng dữ liệu mới cho thấy các hộ gia đình Trung Quốc thường muốn trả nợ hơn là đi vay thêm.

Trong tháng 3, Zi Lu phải dùng đến của hồi môn của mình và thanh toán nốt 1,2 triệu NDT (170.000 USD) nợ thế chấp đối với căn hộ ở Thượng Hải mà bà đã mua cách đây 2 năm. Làm việc cho một nhà bán lẻ thương mại điện tử, bà cho hay doanh số bán năm nay rất thấp. Lu cho hay bà rất lo lắng và muốn giảm bớt khoản nợ của mình.

Khoản nợ tăng dần

Viễn cảnh kinh tế Trung Quốc càng trở nên ảm đạm hơn với khoản nợ chồng chất.

Trong giai đoạn 2012-2022, nợ công Trung Quốc tăng thêm 37 nghìn tỉ, trong khi Mỹ chỉ thêm 25 nghìn tỉ. Tính đến tháng 6/2022, nợ của Trung Quốc lên tới khoảng 52 nghìn tỉ USD, vượt qua tổng nợ tồn đọng ở tất cả các thị trường mới nổi khác cộng lại, theo tính toán của Nicholas Borst, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Seafarer Capital Partners.


Tính tại tháng 9 năm ngoái, tổng nợ tính theo tỷ trọng GDP của Trung Quốc đạt 295%, trong khi ở Mỹ là 257%, theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).

Coi khoản nợ tăng dần như một mối đe doạ đối với bình ổn tài chính, kể từ năm 2016 chính quyền Bắc Kinh đã coi giảm nợ như một trọng tâm trong chính sách kinh tế, tác động tới đà tăng trưởng.

Để giảm bớt bong bóng nhà ở, các cơ quan quản lý đã áp hạn mức cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản từ cuối năm 2020. Đầu tư phát triển bất động sản đã giảm 5,8% trong quý đầu năm nay bất chấp nỗ lực chính sách nhằm ngăn chặn tốc độ suy giảm này.

Khoảng 2/3 chính quyền địa phương đang có nguy cơ vi phạm các mức trần nợ không chính thức mà Bắc Kinh áp dụng, theo S&P Global. Nhiều thành phố trên cả nước, từ Thâm Quyến cho đến Trịnh Châu, đã phải cắt giảm phúc lợi cho công chức và chậm thanh toán lương cho giáo viên.

Các công ty nước ngoài đang muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc (Ảnh: JapanTimes)

Đầu tư từ nước ngoài suy giảm

Những vấn đề này càng trở nên trầm trọng khi mà hình ảnh “miền đất hứa” của Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài đang suy giảm, theo dữ liệu, trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây gia tăng.


Dữ liệu cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) vào Trung Quốc đã giảm 48% trong năm 2022 so với năm trước, chỉ còn 180 tỉ USD. Trong khi đó, FDI tính theo tỷ trọng GDP cũng giảm xuống còn dưới 2%, từ mức cao hơn gấp đôi cách đây một thập kỷ.

Sự cạnh tranh giành các khoản đầu tư với những quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam cũng đang nóng dần, khi nhiều công ty tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng, một phần là để phản ứng trước khả năng gián đoạn nếu xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho biết, sự bất trắc về triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc là một nhân tố gây ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các công ty nước ngoài.

“Đương nhiên, nếu không quá lạc quan vào viễn cảnh kinh tế, nó sẽ làm giảm động lực đầu tư và tăng khả năng sản xuất”, ông Eskelund nói.

Những cải cách nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất ở khu vực tư nhân cũng đã chững lại. Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã thắt chặt quản lý nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ, giáo dục tư nhân và bất động sản, khiến cho nhiều chủ doanh nghiệp không dám đầu tư thêm.

Trong 4 tháng đầu năm nay, hoạt động đầu tư vào tài sản cố định của các công ty tư nhân chỉ tăng 0,4% so với năm trước, trong khi con số này lên tới 5,5% trong cùng kỳ năm 2019.

Giới chức Trung Quốc đã ra sức trấn an giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Thủ tướng Lý Cường tháng 3 vừa qua nói rằng Trung Quốc sẽ mở cửa rộng hơn với các công ty nước ngoài, và hứa hẹn sẽ ứng xử với các doanh nghiệp tư nhân một cách ưu đãi hơn.

Các nhà kinh tế học cũng đang tranh cãi về việc, liệu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có tung ra thêm gói kích thích tài chính – như đã từng làm trong năm 2008 và 2015 – hay không. Một số trong số họ, trong đó các nhà kinh tế học đến từ Citigroup, tin rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ hạ lãi suất trong những tháng tới để vực dậy tâm lý.

Nhiều người khác cho rằng Bắc Kinh chưa tung ra gói kích thích là do lo lắng về khoản nợ vốn đã ở mức cao, và thêm gói kích thích chưa chắc đã làm tăng nhu cầu tín dụng./.


Theo Wall Street Journal

Chia sẻ Facebook