Doanh thu Hoá chất Đức Giang giảm quý thứ ba liên tiếp
Doanh thu năm 2022 của DGC đạt 14.445 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.040 tỷ đồng nhờ sản lượng sản xuất tăng, doanh thu các mặt hàng tăng, giá bán tăng.
CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HoSE: DGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu đạt hơn 3.111 tỷ đồng, đi lùi 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp của DGC ghi nhận ở mức 1.289 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của DGC đạt 197,5 tỷ đồng, tương đương 300% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính cũng tăng mạnh lên 75,2 tỷ đồng, tương đương 280% so với cùng kỳ, do đó lợi nhuận sau thuế đạt 1.123 tỷ đồng, giảm 19,7% so với cùng kỳ.
Dù lợi nhuận quý IV/2022 đi lùi, giảm 20% so với cùng kỳ và là lần giảm thứ ba liên tiếp từ quý II/2022 nhưng đây là lần thứ 5 liên tiếp, Hoá chất Đức Giang báo lãi trên nghìn tỷ đồng.
Trong khi giá vốn các mặt hàng chỉ tăng 20,52% dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 113% lên 6.770 tỷ đồng. Doanh thu từ các hoạt động tài chính bao gồm lãi tiền gửi, lãi chênh lệch tỉ giá ở mức 533,2 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 của DGC đạt 6.040 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2021.
Theo DGC, do luỹ kế năm 2022 công ty có điều chuyển lợi nhuận từ công ty con là Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang Lào Cai và Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang Đình Vũ tổng số tiền 2,7 tỷ đồng. Năm 2021 số tiền điều chuyển từ lợi nhuận chưa phân phối từ công ty con là 521,5 tỷ đồng. Do vậy, nếu không tính lợi nhuận được điều chuyển về thì lợi nhuận sau thuế luỹ kế công ty mẹ năm 2022 là 98,7 tỷ đồng, tăng 162,9% so với năm 2021.
Trên bảng cân đối, nợ phải trả của DGC tăng nhẹ 13% lên 2.481 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 99% gồm các khoản phải trả ngắn hạn khác lên đến hơn 1.271 tỷ đồng chiếm 51% khoản nợ ngắn hạn. Theo đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của DGC vào cuối kỳ là 467,6 tỷ đồng, giảm 50% so với đầu năm.
Về cơ cấu tài sản, tổng tài sản thời điểm cuối năm 2022 của DGC đạt 13.300 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm, phần lớn là tài sản ngắn hạn 10.900 tỷ đồng, tăng 81% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt nắm giữ và các khoản tương đương lên tới 1.400 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần đầu năm. Hàng tồn kho còn 918 tỷ đồng, giảm 33% so với đầu năm.
Trong báo cáo mới đây của BVSC đã quan ngại về những thách thức mà DGC phải đối mặt trong 2023 khiến kết quả kinh doanh khó bứt phá mạnh mẽ.
Cụ thể, mảng phốt pho vàng, đóng góp hơn 50% tổng doanh thu có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm do suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhu cầu điện tử có thể sụt giảm mạnh trong 2023. Công ty dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023.
Ngoài ra, giá phân bón khó tăng mạnh do tồn kho từ nửa đầu năm, nông dân lo ngại mở rộng diện tích canh tác khi chi phí trồng trọt tăng và giá nông sản có xu hướng quay đầu giảm trong bối cảnh lạm phát kéo dài và khủng hoảng năng lượng. Cuối cùng là dự án Nghi Sơn đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch.