Doanh thu béo bở của logistics đang lọt vào tay nhà đầu tư ngoại

Chia sẻ Facebook
15/08/2022 07:47:51

Nhu cầu bất động sản logistics tại Việt Nam tăng mạnh nhưng nguồn cung lại rất hạn chế. Điều này cho thấy các nhà phát triển bất động sản cần tìm các giải pháp để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực hậu cần kho bãi.

Doanh thu béo bở của logistics đang lọt vào tay nhà đầu tư ngoại

Ngành hậu cần kho bãi (logistics) của Việt Nam đang có mức tăng trưởng đáng kể do sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, các lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử.

Đây là cơ hội để bất động sản logistics phát triển thành phân khúc chủ đạo trong thời gian sắp tới. Một khi kênh thương mại điện tử phát triển kéo theo nhu cầu của các công ty giao hàng gia tăng. Do đó, hậu cần kho bãi là yếu tố hàng đầu để lĩnh vực này nâng cao chất lượng hoạt động.


Bất động sản logistics đang khan hiếm

Theo báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu Agility công bố năm 2022, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng trong top 50 quốc gia đứng đầu.

Trước đó, theo kết quả cuộc khảo sát của CBRE chỉ ra rằng các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần có kế hoạch mở rộng diện tích kho bãi tại Châu Á Thái Bình Dương (APAC) trong ba năm tới.

Cuộc khảo sát đã lấy ý kiến ​​của gần 100 đơn vị có danh mục đầu tư nhắm vào phân khúc bất động sản logistics. Từ các bên cung cấp thứ ba đến các nhà sản xuất, nền tảng thương mại điện tử và nhà bán lẻ. Kết quả cho thấy 78% các đơn vị này có kế hoạch mở rộng quy mô kho bãi. Các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines là mục tiêu chính.

Theo đánh giá của ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần, đặc biệt trước sự phát triển của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với nhu cầu tìm kiếm bất động sản công nghiệp chất lượng cao trở nên nhộn nhịp hơn.

Hiện tại, các khu công nghiệp và khu hậu cần kho bãi, đặc biệt xung quanh thành phố lớn như Hà Nội có tỉ lệ lấp đầy cao, có những nơi đạt gần 100%. Nguồn cung bất động sản công nghiệp đang chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Mặt khác, khoảng trống này tạo ra cơ hội tiềm năng cho các đơn vị phát triển bất động sản quốc tế.

Nếu hoạt động của kho hàng không hoạt động hiệu quả sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến chuỗi cung ứng.


Cơ hội để ngành logistics Việt Nam phát triển

Ngành logistics Việt Nam hiện nay vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng khi hầu hết các bên tham gia là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng thấp.

Cụ thể, trong số 3.000 công ty hậu cần kho bãi, thì có tới 90% có qui mô vốn đăng ký dưới 440.000 USD, 5% có quy mô vốn từ 440.000 USD đến 880.000 USD và chỉ có 5% có quy mô vốn trên 880.000 USD.

Trong khi thị trường logistic trong nước có sự cạnh tranh gay gắt, bởi thị trường logistic được điều phối bởi các công ty nước ngoài chiếm sản lượng thấp hơn nhưng lại chiếm đến khoảng 75% doanh thu.

Đầu năm 2022, nhà phát triển kho logistics quốc tế Logos Property đã liên doanh cùng Manulife Investment Management trong dự án phát triển nhà xưởng hậu cần hiện đại xây theo yêu cầu (built-to-suit) với tổng diện tích hơn 116.000 m2 và trị giá trên 80 triệu USD.

“Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành hậu cần và trở thành trung tâm logistics của vùng. Hiện nay, đã có nhiều địa phương đưa ra các ưu đãi nhằm thu hút dòng vốn đầu tư công nghiệp công nghệ cao, sạch. Tuy nhiên, thủ tục hành chính cần cải thiện để giúp hoạt động thương mại được xúc tiến nhanh hơn.

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận là yếu tố tiên quyết đối với ngành hậu cần. Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, quá trình vận chuyển cũng sẽ quyết định sự thành công của chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp sẽ tìm những địa điểm có hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện để đặt nhà máy, kho xưởng. Nhờ vậy, việc di chuyển hàng hóa đến các cảng, sân bay phục vụ cho hoạt động xuất khẩu hay cung cấp sản phẩm cho thị trường lớn trong nước sẽ thuận tiện hơn. Do đó, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ tạo đòn bẩy cho sự phát triển của ngành hậu cần Việt Nam.

Đối với ngành bất động sản, điều quan trọng nằm ở nguồn cung dành cho logistics. Nhiều đơn vị phát triển dự án đã và đang làm việc với những chuyên gia trên thế giới để áp dụng những phương pháp tăng sự hiệu quả cho doanh nghiệp”, ông Matthew nêu quan điểm.

THUỲ LINH


Pháp luật TPHCM

Chia sẻ Facebook