Doanh nghiệp xuất khẩu hướng về “sân nhà”
Nhiều doanh nghiệp đang liên tục cân nhắc, điều chỉnh sản xuất, khai thác và tận dụng triệt để thị trường trong nước để ổn định sản xuất, giữ việc làm cho công nhân.
Các cửa hàng thời trang là một phần kế hoạch phát triển thị trường nội địa của doanh nghiệp khi đơn hàng xuất khẩu tại thị trường chính như Mỹ và châu Âu sụt giảm kể từ quý 3. Khoảng 3 triệu sản phẩm được tung ra thị trường, nâng tỷ lệ hàng trong nước của doanh nghiệp lên 30%.
"Chúng tôi hưởng ứng phong trào người Việt dùng hàng Việt, giảm giá cho khách hàng, khuyến khích khách hàng dùng thử sản phẩm Việt, phối hợp với từng trung tâm thương mại để làm marketing giúp khách hàng hiểu về nhãn hàng của mình, có những chính sách ưu đãi phù hợp cho mùa mua sắm cuối năm", ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, chia sẻ.
Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cũng kéo sức mua ở thị trường nội địa lên gấp 3 lần kể từ khi trực tiếp tổ chức hệ thống phân phối, thay vì tìm đến các kênh trung gian. Giá hàng hóa cạnh tranh, chất lượng cao là lợi thế của hàng xuất khẩu, bán tại "sân nhà", giúp doanh nghiệp giữ vững tăng trưởng 15% trong năm nay.
"Ban đầu quay lại thị trường nội địa, chúng tôi thăm dò, nhưng sau thời gian kinh doanh thì đây là 1 kênh rất hiệu quả. Khi xuất khẩu gặp khó, đây là kênh gánh một phần cho thị trường. Không chỉ có sản phẩm của doanh nghiệp chúng tôi, mà còn có hàng của những doanh nghiệp xuất khẩu chung", ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết.
Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng ở thị trường nội địa, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử để phân phối, tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia các chương trình ngày mua sắm trực tuyến; gian hàng Việt trực tuyến quốc gia….
"Để giành được nhiều hơn nữa thiện cảm và mối quan tâm của người tiêu dùng trong nước, trước hết chất lượng sản phẩm phải ngang bằng với chất lượng xuất khẩu. Nhà sản xuất cần chú ý hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói cũng phải hợp gu và thói quen tiêu dùng của người Việt", ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nhận định.
Cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là giai đoạn có thể đóng góp 30 - 40% doanh số cả năm. Ngành chức năng và các doanh nghiệp đang nỗ lực tận dụng cơ hội từ mùa mua sắm lớn nhất trong năm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.
Trong chuỗi sự kiện tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan tuần qua, bên cạnh những gian hàng trưng bày, có một sự kiện kết nối cung cầu đặc biệt thiết thực đối với DN Việt.