Doanh nghiệp xoay xở kiếm đơn hàng
Giảm nhân viên, giãn giờ làm khi đơn hàng sụt giảm vẫn đang là câu chuyện diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương trên cả nước khi bước sang năm mới.
Doanh nghiệp xoay xở kiếm đơn hàng
Đơn hàng giảm hơn 50%
Lượng đơn hàng sản xuất tại Công ty giày Pousung VN (Đồng Nai) đã sụt giảm từ quý 4/2022 và kéo dài đến nay. Theo ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pousung, ước tính tỷ lệ giảm khoảng 30 - 35% so với trước. Tình hình này có thể kéo dài đến hết quý 1/2023 và kéo sang cả quý 2/2023. Tuy nhiên, với đặc thù là một doanh nghiệp (DN) lớn nên công ty vẫn sắp xếp đảm bảo hoạt động sản xuất cho công nhân như không tăng ca, cho nghỉ luân phiên một ngày trong tuần và không tuyển dụng thêm lao động mới. Tổng cộng đến hiện tại, công ty vẫn có 22.300 lao động, giảm khoảng 5% so với một năm trước. Dù vậy, tính chung cả năm 2022, công ty vẫn đạt kết quả cao hơn năm 2021, vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên công nhân được nhận lương thưởng đón Tết Quý Mão tăng cao hơn 30%.
Tình trạng sụt giảm đơn hàng cũng đang diễn ra với nhiều DN khác. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony, cho hay từ quý 3/2022, đơn hàng của công ty đã lao dốc ngoài dự báo. Thông thường trước đây, cuối năm là thời điểm làm không bao giờ hết việc, luôn phải tuyển thêm lao động thời vụ khoảng 60 người, trả lương gấp đôi và không có ngày nghỉ do phải làm bù lại cho các đơn hàng xuất đi ngày Tết Nguyên đán. Thế nhưng, năm nay, không những không tuyển thêm một nhân viên thời vụ nào, ngay công nhân lâu năm tại công ty cũng được tinh gọn, giảm bớt nhiều, không có tăng ca, không tuyển thêm lao động. Ông Phạm Quang Anh than: “Lượng đơn hàng đặt may từ các nước giảm hơn 50% so với cùng thời điểm này các năm trước. Đáng nói, 2 năm đại dịch rình rập là thế nhưng công ty vẫn có đơn hàng để làm, sau khi thành phố mở cửa trở lại công ty cũng làm sấp mặt. Nay cả chủ lẫn công nhân nghỉ tết trước cả tháng…”.
Giải pháp trước mắt và lâu dài cho may mặc xuất khẩu là ngành may mặc VN phải có một chuỗi cung ứng chia sẻ, từ khâu vải, kim chỉ, nút, khuy áo, đến may, công nhân, gia công… Tất cả phải kết nối, chia sẻ và mỗi khâu kinh doanh sản xuất trong chuỗi đó có thể cắt giảm phần lợi nhuận, thù lao để lấy được những đơn hàng lớn hơn, lâu dài hơn. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony |
Cũng đánh giá tình hình của DN không khả quan, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết lượng đơn hàng của các DN trong ngành đã giảm rất mạnh từ quý 4/2022 đến nay với mức trung bình khoảng 50%. Một trong những thị trường chính của ngành gỗ VN là châu Âu lại giảm mạnh nhất và đến nay kinh tế các nước thuộc khu vực này vẫn khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Thị trường Mỹ cũng chưa có dấu hiệu hồi phục và nhiều đối tác cho biết đang chờ thêm tín hiệu mới như chính sách về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nếu lãi suất vẫn tăng lên mức cao thì dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục giảm khi người dân lẫn DN đều không dám vay tiền để mua nhà, xây dựng hay sửa chữa. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở các nước tiêu thụ truyền thống như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Ngành gỗ hiện nay chỉ chờ đợi vì chưa có dấu hiệu thay đổi gì tích cực. Có thể một số hội chợ chuyên ngành sắp tới diễn ra trong tháng 2 và tháng 3 thì mới gặp gỡ với đối tác, khách hàng cũng tham dự hội chợ để xem xét và từ đó mới đặt hàng. Chúng tôi kỳ vọng nhanh nhất thì từ giữa quý 2/2023 trở đi đơn hàng có thể hồi phục hơn quý đầu năm”, ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ thêm.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Bé, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM, nhận xét những đơn hàng của DN làm trong năm 2022 thực chất là đơn hàng tồn từ năm trước đó, đa số đều ký trước và đủ để làm hết 6 tháng đầu năm. Sang quý 3 bắt đầu giảm dần và quý 4 ngưng hẳn, dẫn đến tình trạng thiếu đơn hàng nghiêm trọng trong mấy tháng cuối năm và nguy cơ quý 1/2023 rất chật vật tìm kiếm đơn hàng.
“Các nhà máy gia công lớn cắt giảm mấy ngàn công nhân trong mấy tháng cuối năm 2022 mà báo chí thông tin trong thời gian qua chỉ là tảng băng nổi, tảng băng chìm mới đáng lo ngại. Hầu như ngày nào cũng có công ty gia công xuất khẩu quy mô nhỏ cắt giảm công nhân. Ít thì trăm công nhân, nhiều thì vài ba trăm. DN làm hàng gia công xuất khẩu dệt may, da giày… cắt giảm người lao động rất nhiều. Một lý do duy nhất là không có đơn hàng, hết việc làm. Trong thực tế, tình trạng thiếu đơn hàng đã xảy ra từ năm 2022, nhưng VN thường có độ trễ, chậm hơn 6 tháng so với thế giới, nên khi người châu Âu cắt giảm các khoản chi tiêu mua giày dép, áo quần thì bên VN vẫn chưa “ngấm” khó khăn này vì các đơn hàng trước đó vẫn còn, vẫn làm lai rai… Thế nên, năm 2023 mới khó khăn hơn”, ông Bé nói.
Ông chủ đích thân “ra trận”
Trong tình hình khó khăn hiện nay, các DN đều đang nỗ lực xoay xở tìm giải pháp để khắc phục tình trạng không có đơn hàng. Ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh (Long An), cho hay ngay từ giữa năm 2022 khi đơn hàng bắt đầu sụt giảm, ông đã liên tục ra nước ngoài đàm phán với khách hàng cũ để tăng chủng loại sản xuất. Thay vì trước đây chỉ làm một loại giày nữ thì nay công ty mở rộng sản xuất cả giày nam và giày trẻ em. Đồng thời, giảm đơn giá mỗi đôi giày khoảng 10% so với trước, chấp nhận sản xuất không có lãi để có được đơn hàng. Kết quả đáng mừng là số đơn hàng của công ty vẫn có để duy trì được gần 2.000 lao động hiện hữu và đơn hàng đã ký đủ sản xuất đến hết quý 1/2023.
“Nói đơn giản là công ty chấp nhận làm tất cả sản phẩm mà khách hàng có nhu cầu, không chê hay chọn lựa như khi thị trường đang tăng trưởng cao. Thậm chí, chúng tôi còn nói khách hàng có nhu cầu gì, muốn giá như thế nào thì cứ báo và công ty sẵn sàng đáp ứng. Có thể nhờ may mắn nên lượng hàng vẫn đủ để cho số công nhân hiện có tiếp tục làm việc, đảm bảo thu nhập cho đời sống. Nhưng công ty cũng không tăng ca, không thể tuyển thêm lao động mới và cũng chưa biết khi nào thị trường sẽ đầy ắp đơn hàng như trước”, ông Trần Thế Linh nói.
Thất nghiệp có xu hướng tăng Thông tin từ Vụ Thống kê doanh số và lao động (Tổng cục Thống kê), thị trường lao động quý 4/2022 tiếp tục phục hồi nhưng chậm dần, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng lên so với quý trước. Lần đầu tiên ở VN diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm, do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm. Lãi suất và tỷ giá tăng vọt cũng khiến các DN càng gặp khó khăn và phải cắt giảm lao động. Một số DN trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm. Do đó, tình hình thất nghiệp quý 4/2022 có xu hướng tăng lên so với quý trước. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,08 triệu người, tăng 24.900 người so với quý trước và giảm 520.000 người so với cùng kỳ năm trước. |
Tương tự ở Công ty Dony, ông Phạm Quang Anh cũng cho biết may mắn là dịp cuối năm 2022 ông đã thực hiện chuyến đi tìm kiếm khách hàng và chốt được 2 container đơn hàng mũ nón qua Mỹ. Đích thân ông chủ Dony đã làm việc với một số tổng lãnh sự quán nước ngoài, giới thiệu và sau đó chào hàng xuất khẩu nhiều đơn hàng khẩu trang diệt khuẩn, đồ bảo hộ y tế. Hết dịch, dây chuyền sản xuất khẩu trang, bảo hộ y tế tạm đóng lại còn nghề truyền thống của công ty là may đồ đồng phục cũng không “ăn hàng” nên công ty đã chuyển hướng gia công cho các thương hiệu đồ ấm lớn tại châu Âu và đã “sống khỏe” ngay sau dịch. Thế nhưng, đến quý 3/2022, đơn hàng lại cạn kiệt và ông lại phải tìm đến các chợ vải tại một số địa phương, tìm hiểu xu thế, kiểu mẫu, giá cả hàng hóa… Kết quả, những khách hàng đang tạm ngưng lấy hàng đã quay trở lại mua hàng sau khi hai bên trao đổi trực tiếp.
Kéo giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định: Năm 2023, nhiều chỉ số và dự báo cho thấy DN xuất khẩu đều còn nhiều khó khăn, do chi tiêu dùng của thế giới giảm đáng kể. Lạm phát, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, thất nghiệp… khiến nhiều chủ DN cần sớm có kế hoạch ứng phó dài hạn, tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng thêm thị trường, đặc biệt khu vực thị trường còn ổn định, lạm phát thấp. Một số DN xuất khẩu cho biết họ nỗ lực mở thêm thị trường mới, nhưng trong tình hình hiện nay, việc đó không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, thị trường lớn mà tôi thấy như ASEAN vẫn đang thiếu sự có mặt của hàng Việt. Trong thực tế, hàng hóa từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ vào VN rất nhiều, nhưng chiều ngược lại chưa tương xứng. Có chiến lược để khai thác thị trường gần là hướng đi cần chú ý. Với nhà nước, ngoài việc cần kéo dài các chính sách hỗ trợ thì chính sách tín dụng uyển chuyển lúc này nhằm hỗ trợ DN là cực kỳ quan trọng. Bởi dòng tiền của DN đã cạn kiệt, việc giảm lãi suất để DN giảm bớt khó khăn hay vay được vốn, có tiền để mua nguyên liệu dự trữ sản xuất cho những đơn hàng chậm là quan trọng. |
“Chuyến đi 10 ngày, nhưng chốt được đơn hàng làm đến nửa năm 2023. Thành công ngoài mong đợi”, ông Phạm Quang Anh phấn khởi nói. Có kết quả này nên ông cũng hủy kế hoạch nghỉ tết sớm 1 tháng như dự tính trước đó và thưởng cho số công nhân chính thức thêm 1 tháng lương, vực dậy tinh thần làm việc của họ để nhập nguyên liệu, chuẩn bị “chiến đấu” ngay sau tết. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán, công ty sẽ tuyển thêm công nhân để thực hiện các đơn hàng mới.
Ông chia sẻ thêm: “May mắn của tôi trong chuyến đi châu Âu vừa qua đã thay đổi nhiều về tư duy làm hàng, có những thị trường tiềm năng mà không đến tận nơi, không thể biết và có được. Trao đổi với nhiều đối tác, nhà cung ứng nguyên phụ liệu, chính họ đã chỉ ra cho tôi thấy rằng chuỗi cung ứng ở nước mình đang có vấn đề nên việc lấy thật nhiều đơn hàng luôn khó khăn. Nhiều khách hàng nói rằng họ chỉ biết chuỗi cung ứng lớn và phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nhưng năm qua họ gặp khó khăn, nên có gì đó “chới với”. Tôi nghĩ đây là cơ hội vàng nếu biết nắm bắt tốt. Giải pháp trước mắt và lâu dài cho may mặc xuất khẩu là ngành may mặc VN phải có một chuỗi cung ứng chia sẻ, từ khâu vải, kim chỉ, nút, khuy áo, đến may, công nhân, gia công… Tất cả phải kết nối, chia sẻ và mỗi khâu kinh doanh sản xuất trong chuỗi đó có thể cắt giảm phần lợi nhuận, thù lao để lấy được những đơn hàng lớn hơn, lâu dài hơn”.
Trung Quốc mở cửa, nhiều ngành kỳ vọng hồi phục sớm
Trong khi các ngành dệt may, da giày lao đao trong cơn sốt thiếu đơn hàng trầm trọng, nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản lại “ăn nên làm ra” ngay trong năm qua và năm nay. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao, cho rằng dù khó khăn đến mấy thì thế giới vẫn có nhu cầu lương thực thực phẩm. Chính vì vậy, trong khó khăn, xuất khẩu gạo VN vẫn tăng đều và chưa bị ảnh hưởng. Trong năm 2023, sự kiện thị trường Trung Quốc khôi phục lại hoạt động xuất nhập khẩu sau 3 năm “bế quan tỏa cảng” để phòng chống dịch là cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu nông thủy sản.
Ông nói: “Xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc trong năm nay có thể “cứu” phần nào sự hụt đơn hàng của các ngành công nghiệp khác. Chỉ riêng mặt hàng gạo, năm qua xuất khẩu qua Trung Quốc giảm còn dưới 1 triệu tấn, năm nay các dự báo tăng mạnh, có thể đạt 1,3 - 1,4 triệu tấn. Theo đó, kim ngạch thu về từ xuất khẩu gạo của thị trường này có thể đạt 500 - 600 triệu USD. Tiếc là thị trường này toàn mua gạo giá rẻ và đôi khi còn “ép” giá, nếu không, với lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc mà bán được giá cao, kim ngạch có thể đạt gần 1 tỉ USD”.
Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động Những ngày đầu năm 2023, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa thông tin thời gian gần đây, có 25 DN phải giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động đối với hơn 7.000 người do thiếu đơn hàng. Đáng chú ý, một số DN phải dừng hoạt động do không có đơn hàng và có tình trạng công nhân bị nợ lương. Ví dụ, Công ty TNHH TCE Jeans (H.Hoằng Hóa) vừa qua cắt giảm 1.800 công nhân (công ty có 5.000 công nhân); Công ty TNHH Fruit Of the Loom (H.Quảng Xương) cắt giảm 900 công nhân trong tổng số 3.200 công nhân; Công ty TNHH T&H Newstar (TP.Thanh Hóa) và Công ty TNHH ABC (P.Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa) tạm dừng hoạt động vì không có đơn hàng. Trước đó, cuối năm 2022, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho biết từ tháng 6 - 10.2022, các DN đã cắt giảm khoảng 22.600 lao động; thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động với 1.000 người. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các DN trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, giày da… |
Tương tự, dù ngành thủy sản cũng bị giảm đơn hàng từ quý 4/2022 đến nay, nhất là ở những thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật…, nhưng ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho hay với việc thị trường Trung Quốc đã mở cửa thông thoáng hơn thời gian qua thì các DN kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trở lại. Trung Quốc hiện là thị trường đứng thứ hai về xuất khẩu của ngành thủy sản VN nhưng một số mặt hàng lại đang dẫn đầu như cá tra. Trong hai năm 2021 - 2022, cá tra VN bán vào Trung Quốc vẫn tăng trưởng khá chứng tỏ sản phẩm phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người dân nước sở tại. Tương tự, một số sản phẩm tươi sống khác như tôm hùm cũng kỳ vọng sẽ gia tăng xuất khẩu. Vì vậy, khi nước này không còn áp dụng chính sách Zero Covid thì khả năng nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng khi hàng quán, du lịch hồi phục. Song song đó, tại các thị trường lớn khác cũng có thể nhu cầu sẽ tăng trở lại để phục vụ khách du lịch Trung Quốc hoặc các hoạt động giao thông, đi lại…
Ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh: Nhiều dự báo cho thấy kinh tế thế giới vẫn còn đang rất khó khăn và có thể chỉ hồi phục sau tháng 6 trở đi. Nhưng việc thị trường đông dân như Trung Quốc mở cửa trở lại có thể sẽ tác động tích cực khiến kinh tế thế giới hồi phục sớm hơn dự báo. Riêng đối với ngành thủy sản là hàng hóa thiết yếu nên DN kỳ vọng từ cuối quý 1/2023 này thị trường sẽ sôi động hơn. Các DN trong nước luôn trong tâm thế chuẩn bị và sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngay khi có tín hiệu tăng.
Nguyên Nga
Thanh niên