Doanh nghiệp xoay xở giữa "bão" khó khăn sụt giảm đơn hàng

Chia sẻ Facebook
16/04/2023 14:42:12

Đơn hàng sụt giảm, khiến không ít chủ doanh nghiệp lo lắng bởi nếu tình trạng này kéo dài sẽ phải tính đến phương án cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất…

Danh nghiệp loay hoay ứng phó sụt giảm doanh thu

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, số doanh nghiệp có mức lương bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% trong quý II/2022 xuống còn 65% của quý IV/2022. Ðây đó đã thấy dấu hiệu một số doanh nghiệp cho người lao động làm việc luân phiên hoặc nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày do không có đơn hàng dự trữ. Ðây là tín hiệu báo động của thị trường lao động trong thời gian sắp tới.


Chia sẻ với báo Nhân Dân , ông Vũ Thanh Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc (Quận 12) thở dài: “Chỉ còn khoảng 187.000 đôi một tháng thay vì 300.000 đôi như trước đây. Sản phẩm giảm 40% do đối tác giảm đơn hàng, doanh thu ảnh hưởng, công nhân không có việc. Sang tháng 6, tháng 7, tình hình có vẻ còn bi đát hơn vì chưa thấy có tín hiệu gì lạc quan”. Theo ông Bình, trong gần 30 năm qua kể từ khi thành lập, công ty chưa từng gặp tình huống khó khăn như hiện nay.

Ðể lập phương án sản xuất, sử dụng lao động cho phù hợp thực tế, ông Bình cùng Ban Giám đốc công ty đã phải nhiều lần ngồi họp bàn tìm giải pháp, trong đó làm sao sắp xếp công việc để 2.500 công nhân vẫn có thể làm việc tám tiếng một ngày, một tuần làm sáu ngày, bảo đảm không bị mất việc, giảm việc,... nhằm giữ ổn định thu nhập. Ðại diện Công đoàn công ty cho hay, do giảm đơn hàng, nên khả năng thu nhập tháng 2 của công nhân sẽ giảm khoảng 50%, bình quân còn khoảng 5,5 triệu đồng, trong khi những tháng cuối năm 2022 và tháng 1 vừa qua, công ty vẫn bảo đảm mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng cho mỗi công nhân. Theo nhận định của đại diện Công đoàn công ty, đây là mức thu nhập sụt giảm sâu, dù trước đó công ty vẫn duy trì lương, thưởng và các chế độ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.


Trao đổi với báo Giao Thông , ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Công ty Gỗ Hưng Thành ở Bình Dương nói: “Ngay cả thời Covid-19 cũng không thảm hại như hiện nay!”.

Công ty như rơi vào vực thẳm khi đối tác Nhật Bản ngừng mua hàng, còn đối tác từ Hàn Quốc cũng giảm tới 70% sản lượng. Doanh thu hàng trăm tỷ đồng giờ tụt xuống còn vài chục tỷ đồng. Hơn phân nửa lao động nghỉ việc, thậm chí những lao động còn lại cũng phải nghỉ luân phiên.

“Chúng tôi giờ chỉ hoạt động để duy trì máy móc, còn mảng kinh doanh gần như đóng băng”, ông Sỹ nói và cho biết, tình trạng này kéo dài từ đầu năm. Giá cũng rớt thảm, từ mức 190 USD/tấn vào cuối quý IV/2022, nay còn khoảng 130 USD/tấn.

Đơn hàng giảm mạnh, không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà sự sống còn của công ty cũng bị đe dọa. Theo ông Sỹ, đau đầu nhất hiện nay là nguồn vốn doanh nghiệp cạn kiệt, trong khi phải trả lãi ngân hàng cao gần gấp đôi so với trước đây."

Chia sẻ Facebook