Doanh nghiệp xoay sở tìm cách 'hút tiền'

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 01:46:23

Bước vào những tháng cuối năm, các doanh nghiệp địa ốc áp lực đáo hạn trái phiếu. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chiết khấu, bán hàng nhanh để thu hồi tiền. Áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng mạnh trong năm 2023-2024.


Chiết khấu cao thu hồi dòng tiền

Theo báo cáo các đơn vị nghiên cứu, trong quý này, bất động sản tiếp tục là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất với 34% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 20.071 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Những cái tên có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý bao gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (3.000 tỷ đồng) và CTCP Bách Hưng Vương (2.980 tỷ đồng).


Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao, room tín dụng ở mức thấp, áp lực đáo hạn trái phiếu, các chủ đầu tư tích cực xây dựng phương án thích ứng lâu dài, nhằm kích cầu thị trường.

Cụ thể, dự án Aqua City - đại đô thị sinh thái thông minh phía đông TPHCM của Tập đoàn Novaland, chủ đầu tư đã đưa ra mức ưu đãi hấp dẫn như tặng gói nội thất 1,5 tỷ đồng; cam kết thuê lại sản phẩm với mức lợi nhuận 18% trong 3 năm đầu sau khi nhận nhà hoặc cam kết mua lại 6-10%/năm, ưu đãi đặc biệt cho lịch thanh toán nhanh lên đến hơn 20%…

Hay như chủ đầu tư Hưng Thịnh vừa công bố chính sách chiết khấu “khủng” cho dự án Moonlight Avenue (TP Thủ Đức). Dự án này có quy mô gần 800 căn hộ, giá bán dự kiến từ 65-72 triệu đồng/m2. Theo đó, người mua thanh toán vượt tiến độ đến 98% được chiết khấu 40% giá trị căn hộ. Như vậy, căn hộ khoảng 70m2, người mua chỉ cần trả 2,9 tỷ đồng, căn studio giá chỉ còn tầm 1,2 tỷ đồng/căn. Cũng trên địa bàn TP Thủ Đức, chủ đầu tư dự án Salto Residence cũng áp dụng thanh toán 40% cho đến khi nhận nhà và được ngân hàng tài trợ vốn vay kèm chính sách ân hạn nợ gốc và ưu đãi lãi suất 0% trong 30 tháng.


Dự báo suy thoái bất động sản

Mặc dù các chủ đầu tư đua ưu đãi kích cầu bất động sản dịp cuối năm 2022, tuy nhiên điều này cũng khiến nhiều người lo lắng về một đợt suy thoái của bất động sản sắp tới đây. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá các chính sách này chỉ là ngắn hạn khi các chủ đầu tư cần kích cầu, tăng thanh khoản. Mặt bằng giá sẽ sớm hồi phục khi thanh khoản, tín dụng được khơi thông với bất động sản.

Việc các chủ đầu tư tung ưu đãi lớn được cho là một bước đi nhanh nhạy và đầy khôn ngoan, chia sẻ lợi ích với khách hàng trong bối cảnh thị trường khó khăn và bị siết tín dụng. Nhưng các chuyên gia cũng lưu ý rằng, nhà đầu tư cần chú ý để không bị “mắc bẫy” ưu đãi. Song song với các chương trình bán hàng hấp dẫn tung ra dịp cuối năm, nhà đầu tư cần thận trọng đánh giá về tiềm năng tăng giá trong tương lai của BĐS, nên ưu tiên lựa chọn các bất động sản đã thành hình, quy hoạch bài bản và có thể “mắt thấy - tay sờ” tại những vị trí hạ tầng kết nối tốt.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng - khẳng định: lãi suất tăng sẽ làm giảm khả năng mua nhà của người dân, từ đó tác động mạnh đến tình hình cung cầu trên thị trường bất động sản.

"Bất động sản là lĩnh vực huy động vốn rất lớn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của bất động sản gần 12%, vẫn cao hơn so với nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân. Việc tăng lãi suất này cũng làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp bất động sản. Việc chi phí cao lên thì giá bán phải cao lên, nhưng trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay thì người dân sẽ khó mua hơn, dẫn đến tính thanh khoản thấp và thị trường trầm lắng sẽ kéo dài hơn”, ông Hiếu nói.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung. Thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 63 dự án với 14.948 căn, bằng khoảng 50,4% số dự án so với cùng kỳ năm 2021. Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ quý 3/2022 đạt 51.003 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 73,8% so với quý trước.

Chia sẻ Facebook