Doanh nghiệp xây dựng suy giảm cả về lợi nhuận lẫn sức khỏe tài chính trong năm 2022
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng năm 2022, đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp ngành xây dựng do thiếu hụt hợp đồng xây dựng cũng như chi phí tăng cao.
Doanh nghiệp xây dựng suy giảm cả về lợi nhuận lẫn sức khỏe tài chính trong năm 2022
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng năm 2022, đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp ngành xây dựng do thiếu hụt hợp đồng xây dựng cũng như chi phí tăng cao.
Theo thống kê từ VietstockFinance , doanh thu thuần của 98 doanh nghiệp xây dựng trên 3 sàn ( HOSE , HNX và UPCoM) trong năm 2022 tăng 24% so với năm trước, đạt hơn 139 ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm 11%, còn gần 5.6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, 37 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận, 34 doanh nghiệp báo lãi giảm, còn lại là các doanh nghiệp lỗ trong năm 2022 hoặc năm trước.
Dù vậy, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 23/12/2022, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng - ông Đậu Minh Thanh cho biết tốc độ tăng trưởng của toàn ngành xây dựng năm 2022 ước đạt 8%-8.5%.
Top 20 doanh nghiệp xây dựng tăng trưởng lãi mạnh nhất năm 2022
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Xét về mức tăng trưởng, CTCP Đầu tư và Xây lắp Constrexim Số 8 ( HNX : CX8 ) là doanh nghiệp tăng mạnh nhất khi lãi ròng năm 2022 đạt gần 604 triệu đồng, trong khi năm trước chưa đến 20 triệu đồng, tương ứng gấp 31 lần. Kết quả của CX8 chủ yếu nhờ hoạt động xây dựng của Công ty sau khi hạch toán nghiệm thu các hợp đồng xây dựng đã hoàn thành.
Một số doanh nghiệp xây dựng chủ yếu ghi nhận nguồn thu từ hoạt động tài chính thay vì từ các hợp đồng xây dựng. Tiêu biểu như Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (UPCoM: SJG ), doanh thu thuần năm qua giảm 9%. Nguồn thu chủ yếu của SJG đến từ thương vụ bán gần 42 triệu cp SJS (Sudico) với lãi ước tính hơn 3,400 tỷ đồng, qua đó, lãi ròng đạt hơn 1,389 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với năm trước.
Hay C4G , năm qua nhờ chuyển nhượng dự án khu đô thị Long Sơn 1 mang lại lãi gộp hơn 22 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty lấy số tiền chưa dùng hết từ phát hành cổ phiếu để gửi ngân hàng thu lãi, giảm nợ vay. Qua đó lợi nhuận cả năm đạt hơn 168 tỷ đồng, gấp 2.5 lần năm trước.
Với kết quả kinh doanh chung của ngành tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp vượt kế hoạch năm 2022.
Ngược lại, không ít doanh nghiệp có lợi nhuận đi lùi. Giảm mạnh nhất là CTCP Xây dựng DIC Holdings ( HOSE : DC4 ), cả năm chỉ lãi hơn 253 triệu đồng, trong khi năm trước đạt 42 tỷ đồng. Doanh thu cũng giảm gần 60%, còn 264 tỷ đồng. Không những vậy, DC4 còn phải chịu chi phí tài chính tăng cao do phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính vào 2 công ty con cộng với lỗ do đầu tư chứng khoán.
Đáng chú ý nhất trong số doanh nghiệp lãi giảm là CTCP Thaiholdings ( HNX : THD ). Cuối năm 2021, HĐQT THD thông qua việc góp hơn 1,334 tỷ đồng để thành lập CTCP Thaispace với mục tiêu có thể bay lên vũ trụ vào năm 2026. Tuy nhiên, sau thông tin trên, THD im hơi lặng tiếng về dự án này cho đến nay. Bên cạnh đó, Công ty cũng không IPO Thaigroup trong năm 2022 như kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên.
Thất hứa kế hoạch IPO, nhân vật chủ chốt của THD là ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) còn thoái sạch vốn khỏi Công ty sau khi bán ra 87.41 triệu cp (24.97%) vào ngày 13/06/2022, ước thu về 3,144 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của THD ghi nhận doanh thu thuần giảm 50% và lãi ròng giảm 71%, còn 4,112 tỷ và 272 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp không may mắn trong năm qua khi thua lỗ.
Nợ khó đòi, nợ vay tăng mạnh
Sức khỏe tài chính cho thấy tổng các khoản phải thu của 98 doanh nghiệp xây dựng tại thời điểm 31/12/2022 là hơn 148 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 16% so với đầu năm. Tổng dự phòng nợ khó đòi cũng tăng tới 36%, vượt mức 9 ngàn tỷ đồng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc thu hồi nợ từ chủ đầu tư.
Top 20 doanh nghiệp có giá trị khoản phải thu lớn nhất tại ngày 31/12/2022
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Top 20 doanh nghiệp có dự phòng phải thu khó đòi lớn nhất tại ngày 31/12/2022
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Ông lớn ngành xây dựng - CTCP Xây dựng Coteccons ( HOSE : CTD ) luôn nằm ở thứ hạng cao trong danh sách doanh nghiệp có lượng khoản phải thu và nợ khó đòi lớn. Tổng khoản phải thu của CTD là 11,612 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm và chiếm hơn 61% tổng tài sản, đầu năm tỷ lệ này ở mức 49%. Ngoài ra, dự phòng nợ khó đòi của doanh nghiệp này lên tới 1,049 tỷ đồng, tăng gần 59%.
Khi gặp khó khăn trong việc thu tiền từ chủ đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng có xu hướng tìm đến nợ vay để bù đắp số tiền đã “bán chịu”. Qua đó, tổng nợ vay của các doanh nghiệp xây dựng tại thời điểm cuối năm 2022 là 135,885 tỷ đồng, tăng gần 3% so với đầu năm.
CTD có mức tăng nợ vay nhiều nhất ngành - từ chưa đến 2 tỷ hồi đầu năm tăng lên 1,077 tỷ đồng vào cuối năm. CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả ( HOSE : HHV ) tiếp tục là doanh nghiệp xây dựng có giá trị lãi vay cao nhất ngành với 20,653 tỷ đồng (giảm 2%).
Top 20 doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất tại ngày 31/12/2022
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Hệ quả của việc đẩy mạnh vay nợ trong khi không thể thu tiền từ khách hàng là dòng tiền kinh doanh sẽ bị âm. Theo đó, có 27 doanh nghiệp xây dựng có dòng tiền chuyển từ dương sang âm trong năm qua.
27 doanh nghiệp xây dựng có dòng tiền kinh doanh chuyển từ dương sang âm
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Dù vậy, vào cuối năm, tổng lượng tiền mặt của các doanh nghiệp xây dựng nắm giữ tăng gần 14%, đạt 27,050 tỷ đồng.
Top 20 doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt nhất tại ngày 31/12/2022
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance