Doanh nghiệp xăng dầu kêu “bán là lỗ”, Bộ Công thương nói nguồn cung đầy đủ

Chia sẻ Facebook
27/08/2022 18:55:36

Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng hiện nay “thiếu xăng dầu là không bình thường”. Trong khi đó, rất nhiều đại lý xăng dầu cho biết càng bán càng lỗ.

Tại cuộc họp ngày 26/8 với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng thời điểm hiện nay “thiếu xăng dầu là không bình thường”. Trong khi đó, báo chí trong nước đưa tin rất nhiều đại lý xăng dầu cho biết vấn đề là càng kinh doanh càng thua lỗ do mức chiết khấu thấp trong thời gian dài.

Có 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép từ 1-2 tháng

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dọa sẽ đóng cửa vì thua lỗ liên tục do mức chiết khấu thấp từ thương nhân đầu mối nhập khẩu. (Ảnh: Trí Thức VN)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, giá dầu thô thế giới đang liên tục giảm, cộng với nguồn cung trong nước từ hai nhà máy lọc dầu đã vận hành đủ công suất nên việc có tin tức về việc thiếu xăng dầu là “không bình thường” ở thời điểm này.

Bên cạnh đó, gần đây có một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép nhưng không làm ảnh hưởng đến nguồn cung cho các doanh nghiệp đại lý bán hàng.

Do nguồn cung thế giới đang dồi dào và giá rẻ nên ông Diên cho rằng điều này là “phi lý” khi nói hiện có tình trạng đứt gãy nguồn cung trong nước.

Tuy vậy, điều đáng chú ý là các doanh nghiệp đại lý bán hàng rầm rộ phản ứng về việc mức chiết khấu từ thương nhân đầu mối quá thấp, dẫn đến mở cửa bán là cầm chắc lỗ vốn, dẫn tới sẽ đóng cửa hàng loạt.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, qua kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối cho thấy vấn đề nổi lên hiện nay là mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối với cửa hàng bán lẻ xăng, dầu.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, rất nhiều doanh nghiệp đang phản ánh trên mạng rằng sẽ đồng loạt nghỉ bán và gửi văn bản lên Sở Công thương với lý do “ôm hàng khó khăn”, “không mua được hàng”, “chiết khấu 0 đồng”, “chiết khấu âm”, thậm chí phải trả tiền cao hơn giá bán lẻ…khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Theo các doanh nghiệp, mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng, thậm chí phải bỏ thêm 2.000 – 3.000 đồng/lít để được mua dầu nhưng nguồn cung rất hạn chế.

Trong khi đó, kỳ điều hành giá xăng dầu sắp tới sẽ rơi vào ngày 5/9, thay vì ngày 1 hằng tháng như quy định, do rơi vào kỳ nghỉ.

Ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc Hợp tác xã Xe du lịch và vận tải số 4 (TP.HCM), cho biết mức chiết khấu đối với xăng và dầu trong ngày 25/8 đều ở mức 80 đồng/lít.


Trong khi đó, chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước… khiến cho việc nhận xăng tại kho bị lỗ nặng. “Càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa bán xăng dầu, bởi nếu đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép”, ông Lèo nói, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Giám đốc một doanh nghiệp có 8 cửa hàng bán lẻ tại Bình Dương, cho hay giá xăng xuống thấp khiến các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu giảm chiết khấu về 0. Do đó, công ty ông đang chịu lỗ 500 – 600 đồng/lít, báo Vnexpress đưa tin.

Ông Lê Văn Mỵ – Tổng giám đốc Công ty CP thương mại Hóc Môn (đơn vị đang sở hữu 11 cửa hàng và 21 đại lý bán lẻ ở TP.HCM), cho biết ngoài nguồn cung bấp bênh, chiết khấu liên tục về 0 đồng khiến nửa đầu năm công ty lỗ gần 3,5 tỷ đồng. Chịu quá nhiều áp lực, ông buộc phải giảm lương, giảm giờ làm của nhân viên.

Không chỉ các đại lý trên, nhiều đại lý tại Hà Nội và miền Tây cũng chung cảnh ngộ. Họ cho biết mức chiết khấu phải duy trì được ở mức 600 – 1.200 đồng/lít xăng, dầu thì mới đảm bảo được hòa vốn, sau khi trừ đi chi phí nhân công, vận chuyển, hao hụt…

Nhiều doanh nghiệp dù than lỗ nhưng vì là ngành kinh doanh có điều kiện nên họ vẫn phải hoạt động, nếu dừng bán có nguy cơ bị rút giấy phép kinh doanh.

Ông Trần Duy Đông – vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết hiện nguồn cung xăng, dầu trong nước đang đáp ứng khoảng 75-80% nhu cầu thị trường, còn lại là nhập khẩu.

Về sản xuất, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn quý 3 dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,3 triệu m3/tháng) và quý 4 dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,46 triệu m3/tháng).


Tuấn Minh

Quỹ bình ổn khiến giá xăng không được giảm, Diesel tăng 850 đồng/lít Từ 15h ngày 22/8, giá dầu các loại tăng từ 730 - 850 đồng/lít, trong khi giá xăng giữ nguyên so với ngày 11/8 do bị trích Quỹ bình ổn.

Chia sẻ Facebook