Doanh nghiệp vận tải lo đứt gãy nguồn cung xăng dầu
Nguồn cung hạn chế, để có đủ xăng dầu cho các phương tiện hoạt động, doanh nghiệp vận tải phải bỏ ra nhiều chi phí hơn. Tuy vậy, điều mà họ lo nhất là đứt gãy nguồn cung xăng dầu, không những ảnh hưởng đến doanh thu mà còn làm mất uy tín với khách hàng.
Thực trạng cung ứng xăng dầu có phần hạn chế trên thị trường đã và đang kéo dài, ngấm dần vào quan ngại và tình hình của doanh nghiệp.
PHẢI MẤT THÊM THỜI GIAN VÀ CHI PHÍ
Làm nghề lái xe đường dài hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Cao Thanh (sống tại Hà Nội) cho biết, chưa bao giờ gặp phải tình trạng mua xăng dầu khó như hiện nay.
"Khi vào các cây xăng để mua dầu cho xe container, tôi thường xuyên gặp câu trả lời là hết rồi, mất điện hay đang sửa chữa. Lúc có xăng dầu để bán, nhưng cửa hàng chỉ bán hạn chế, chứ không đổ đầy bình như trước. Điều này ảnh hưởng đến công việc của tôi", anh Thanh bức xúc.
Cũng trong tình trạng tương tự, một doanh nghiệp vận tải (xin được giấu tên) sở hữu 20 xe contaniner chở hàng với 2 tuyến đường cố định là Hà Nội - Hải Phòng và Thanh Hóa - Nghệ An. Tình trạng xăng dầu "khan khiếm" đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để có đủ nguồn xăng dầu cho các phương tiện hoạt động bình thường, doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí hơn.
Cụ thể, trước đây, việc mua cả bồn chứa xăng dầu sẽ tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp vì giá rẻ hơn giá nhà nước quy định và các phương tiện sẽ không phải di chuyển xa. Nhưng hiện nay, doanh nghiệp khó có thể mua được, trong trường hợp mua được thì chi phí sẽ phải tăng thêm.
"Trước ngày điều chỉnh giá xăng dầu tăng, để mua được mỗi bồn dầu thì có những xe phải chạy đến 8 km để đổ được đầy bồn, chi phí tăng thêm là 700 đồng mỗi lít. Như vậy, chạy quãng đường 100 km thì sẽ phải mất thêm 70 000 VND. Đây là đi gần, nếu đi xa thì thì phải bỏ ra chi phí cao hơn. Đây là chi phí ngầm, mình không thể tính vào hợp đồng đã ký với khách hàng được", đại diện doanh nghiệp trên chia sẻ.
Và khi không mua được bồn dầu, các doanh nghiệp buộc phải mua lẻ tại các trạm xăng với mức hạn chế 100 lít mỗi lần. Nếu đi cung đường Hà Nội – Nghệ An với khoảng cách 300 km, người lái xe phải vòng đi vòng lại 3 lần mới mua đủ số xăng cần thiết.
"Có những điểm bán xăng bị tắc nghẽn cục bộ khiến lái xe phải chờ mua trong đêm. Điều này không những mất thời gian mà còn mất thêm chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp", chủ doanh nghiệp thông tin.
NHỮNG CHI PHÍ KHÔNG THỂ TÍNH TOÁN ĐƯỢC
Tuy vậy, điều mà doanh nghiệp lo lắng nhất không phải là chi phí tăng, mà là nguồn cung xăng dầu bị đứt gẫy, phương tiện không hoạt động được, sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
"Xe của chúng tôi chở nguyên liệu nhập khẩu cho các nhà máy sản xuất, sau đó chở hàng xuất khẩu đi. Nếu không có nguồn xăng, thì hoạt động sẽ bị ngừng trệ. Bên cạnh việc thiệt hại về chi phí có thể đếm được như tiền lương lái xe, tiền bãi đỗ xe thì sẽ làm mất uy tín với khách hàng. Đây là chi phí không thể tính toán được", chủ doanh nghiệp lo ngại.
Nhìn nhận về những khó khăn này, ông Trần Đức Nghĩa - Trưởng ban Logistics, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, ngành vận tải là ngành có tiêu thụ xăng dầu lớn và chưa bao giờ ngành vận trải phải chịu cảnh gián đoạn nguồn cung như hiện nay, đặc biệt là tuần vừa rồi.
"Nếu như nguồn cung gián đoạn đồng nghĩa với việc toàn bộ doanh thu về 0, không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp của mình mà còn ảnh hưởng đến hàng nghìn doanh nghiệp khác, bởi trên thực thế hầu hết các đều có nhu cầu vận chuyển. Điều này là rất nghiêm trọng", ông Nghĩa nhìn nhận.
Khi được hỏi về giải pháp của doanh nghiệp, ông Trần Đức Nghĩa cho rằng, tất cả điều mà ngành vận tải có thể làm là hy vọng nguồn cung có thể ổn định trong thời gian tới.
"Chúng tôi hi vọng Chính phủ và Bộ Công thương sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, như vậy mới có thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu để của người dân, doanh nghiệp có thể yên tâm hoạt động bình thường", ông Trần Đức Nghĩa nêu rõ.
Theo Nguyễn Ngọc