Doanh nghiệp vận tải “gồng mình” trước bão giá nhiên liệu
Trước áp lực giá nhiên liệu tăng cao, nhiều doanh nghiệp vận tải đang phải “gồng mình” để duy trì hoạt động.
Giá xăng dầu tăng làm thay đổi cung cầu thị trường vận tải
Giá xăng bán lẻ hiện đang ở mức khoảng 33.000 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng đã khiến cho thị trường hàng hóa và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng nặng nề và sau đó là người tiêu dùng.
Các hãng xe công nghệ, xe taxi truyền thống cho biết, việc tăng giá các mặt hàng xăng dầu không chỉ ảnh hưởng đến giá cước, thu nhập của tài xế hay túi tiền của người dân, mà ngay chính các hãng xe, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với bài toán thiếu nhân sự sau dịch. Bởi khi giá xăng tăng các lái xe không còn mặn mà với công việc do thu nhập đã thấp đi đáng kể.
"Số lượng xe sụt giảm, giảm hơn 7.000 phương tiện, trong khi nhu cầu của người dân giữ nguyên. Một số lượng lớn xe công nghệ họ cũng đã phải bán xe", ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay.
Ngoài chi phí xăng dầu cao, một chuyến xe cố định còn phải gánh chịu các chi phí khác như phí xuất bến, phí cao tốc, phí bảo trì đường bộ và tiền trả lãi ngân hàng. Doanh thu không đủ chi phí, nhiều đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng hoặc cắt giảm để cứu vãn tình thế.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đã có khoảng 80 - 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải tăng từ 10 - 15%, giá cước vận tải hàng hóa cũng tăng từ 7 - 10%.
Các hãng hàng không khó phục hồi do giá nguyên liệu bay tăng
Khó khăn về chi phí nhiên liệu không chỉ xảy ra với các doanh nghiệp vận tải đường bộ, mà đang là gánh nặng với các hãng hàng không trong giai đoạn phục hồi này.
Dù đang là cao điểm hè, mùa của du lịch và doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không được đánh giá sẽ rất tốt nhưng có một thực tế dù các hãng cũng đã khôi phục được nhiều đường bay, tăng chuyến, tăng giá vé mà vẫn chưa bù đắp được chi phí.
Bamboo Airways cho biết, hãng này đã hồi phục bay gần như 100% với 60 đường bay nội địa, 12 đường bay quốc tế. Tỷ lệ lấp đầy số ghế trong mùa cao điểm luôn đạt tới 85%. Tuy nhiên, giá chi phí nguyên liệu bay cho một chuyến bay đã tăng tới 50% khiến lợi nhuận của hãng giảm rõ rệt.
Dù giảm gần 2.500 tỷ đồng so với năm ngoái nhưng mức lỗ dự kiến năm nay của Vietnam Airlines vẫn gần 10.000 tỷ đồng. Nếu năm 2019, cơ cấu chi phí xăng dầu chỉ chiếm 28 - 29% tổng chi phí của hãng thì hiện tại tỉ lệ này đã tăng lên 38 - 40%.
Các hãng hàng không xây dựng kế hoạch kinh doanh cả năm với khung giá nhiên liệu bay bình quân từ 75 - 80 USD/thùng nhưng thực tế bình quân giá nhiên liệu bay nửa đầu năm là 116 USD/thùng. Đặc biệt, nửa đầu tháng 6, bình quân giá nhiên liệu bay đã lên hơn 160 USD/thùng, tức gấp đôi so với tính toán ban đầu.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách bay nội địa đạt hơn 20,6 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách nội địa tăng mạnh giúp các hãng hàng không Việt cải thiện dòng tiền, tạo việc làm. Tuy nhiên, giá nhiên liệu bay liên tục tăng khiến hoạt động vận tải đường không tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, hiện các hãng hàng không trong nước đang lỗ gần 100 tỷ đồng mỗi tháng, chủ yếu do bù giá nhiên liệu tăng cao.
Cần có cơ chế hỗ trợ xăng dầu cho vận tải
Hiện nay, ngoài thuế bảo vệ môi trường, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, mỗi lít bán ra đang có thêm các loại thuế khác gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các chuyên gia kinh tế cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều đề nghị giảm thêm các loại thuế, phí hoặc phụ thu phí nhiên liệu… mới có thể hạ giá xăng dầu và hỗ trợ ngành vận tải trong thời điểm này.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất để cứu các doanh nghiệp vận tải không bị phá sản do giá xăng dầu leo thang, Bộ Công Thương cần khẩn trương có kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
Trong bối cảnh kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu dùng năng lượng tăng trở lại thì những giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kịp thời cũng là một một nguồn sung lực để ổn định kinh tế.
Nhằm kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay, sáng nay (6/7), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể, giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng và 500 - 700 đồng với dầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2022 để kịp cho kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo.
Cục Hàng không đã đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa mức bằng thời điểm năm 2014, tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành.