Doanh nghiệp trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội gần 14.600 tỷ đồng
Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) là gần 14.600 tỷ đồng, chiếm 3,4% số phải thu.
Con số trên được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu ra trong báo cáo gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình cắt giảm lao động, việc làm trong các doanh nghiệp.
Dù có nhiều cải thiện, nhưng theo Tổng Liên đoàn Lao động, trong năm 2022, nền kinh tế vẫn đối diện nhiều khó khăn, thách thức.
Thống kê cho thấy, có 122,1 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, nhiều người lao động mất việc làm. Nhiều người lao động phải chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để tìm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Chất lượng cuộc sống của người lao động có sự chuyển biến, nhưng những vấn đề bức xúc ở các khu công nghiệp tập trung chưa có sự thay đổi rõ nét.
Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động cho biết, tình hình doanh nghiệp chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động chưa nghiêm, nhất là các quy định về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội.
Cá biệt có những doanh nghiệp mặc dù sản xuất kinh doanh tăng trưởng vẫn lợi dụng ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nhằm không tăng hoặc cắt giảm các phúc lợi đã thỏa thuận dẫn đến những bức xúc trong công nhân lao động.
Cập nhật về tình hình ngừng việc tập thể, Tổng Liên đoàn Lao động cho biết, năm 2022 trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số 98.375/182.131 người lao động tham gia. Có 92/144 cuộc, chiếm 63,89% tổng số cuộc xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Tổng Liên đoàn Lao động cũng cho biết, một bộ phận người lao động còn lo lắng về thu nhập, đời sống trước biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, tiền thưởng và các khoản phúc lợi trong dịp Tết 2023.
Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn diễn ra chưa có các giải pháp thực sự hữu hiệu, ổn định, lâu dài. Nhiều nơi tín dụng đen vẫn xâm nhập vào đời sống của người lao động. Người lao động mong muốn Đảng, Nhà nước có thêm nhiều chính sách mới để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ.
Ngoài ra, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động, có 1.236 doanh nghiệp ở 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động. Trong số này, có 646 doanh nghiệp dân doanh, chiếm 52,27%, 590 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 47,73%.
Về ngành nghề, có 226 doanh nghiệp dệt may, chiếm 18,28%, 109 doanh nghiệp da giày, chiếm 8,82%, 196 doanh nghiệp chế biến gỗ, chiếm 15,86%, 62 doanh nghiệp điện tử, chiếm 5,02%, 31 doanh nghiệp cơ khí, chiếm 2,51% và 612 doanh nghiệp khác, chiếm 49,51%.
Trong khu công nghiệp có 360 doanh nghiệp, chiếm 29,13% tổng số doanh nghiệp.
Tổng số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là 472.214 người, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Mức độ ảnh hưởng có 2 cấp, gồm thôi việc, mất việc là 41.558 người, chiếm 8,80%, giảm giờ làm là 430.665 người, chiếm 91,20% (bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động).
Ngoài ra, có 30 doanh nghiệp nợ lương của 6.946 người lao động với tổng số tiền là hơn 110 tỷ đồng, 121 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của 32.315 lao động với tổng số tiền là hơn 237 tỷ đồng.
Bất ổn này được Tổng Liên đoàn Lao động dự báo sẽ tiếp diễn thời gian tới, khi tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý 1, thậm chí quý 2/2023.
Thông tin tổng hợp từ công đoàn cơ sở cho thấy, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp 15.769 lao động.
Sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ của người lao động, doanh nghiệp lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy người lao động từ trên 35 tuổi ra khỏi doanh nghiệp để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn.
Trong bối cảnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn chủ động nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Các công đoàn cơ sở cần theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, của đoàn viên, người lao động để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023 và công bố tới toàn thể người lao động trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày. Đến nay nhiều doanh nghiệp đã công bố phương án bố trí nghỉ Tết Nguyên đán 2023.
Cùng với đó, đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc của người lao đông trên cơ sở giữ tối đa số lượng người lao động có việc làm, thu nhập, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Trường hợp phải chất dứt hợp đồng lao động thì đảm bảo quy trình, quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật và đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp; giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động.
Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhất là lao động nữ, trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, lao động từ 35 tuổi trở lên, lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động là người khuyết tật… trong trường hợp bị giảm giờ làm, mất việc làm. Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động bị mất việc làm.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo ngay về cơ quan này nếu có trường hợp các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, sử dụng đông lao động, có các doanh nghiệp cùng chủ sở hữu, doanh nghiệp thành viên ở nhiều tỉnh, thành phố hoặc các doanh nghiệp cùng sản xuất, cung ứng cho các doanh nghiệp lớn, các nhãn hàng, doanh nghiệp xuyên quốc gia đồng loạt cắt giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, nợ lương, cắt giảm chế độ đối với người lao động… Từ đó, để có các giải pháp thống nhất, đồng bộ để bảo vệ quyền lợi của người lao động.