Doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt tới 350% có gì?
Ngày 28/02, CTCP Logistics Portserco (HNX: PRC) thông báo chốt quyền chi trả cổ tức tiền mặt năm 2022 với một tỷ lệ gây giật mình: 350%.
Doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt tới 350% có gì?
Ngày 28/02, CTCP Logistics Portserco ( HNX : PRC ) thông báo chốt quyền chi trả cổ tức tiền mặt năm 2022 với một tỷ lệ gây giật mình: 350%.
Ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/03, dự kiến chi trả vào 20/04. Tỷ lệ 350% có nghĩa mỗi cổ đông đang sở hữu 1 cp của PRC sẽ nhận được số tiền là 35,000 đồng.
Trên thị trường, PRC có 1.2 triệu cp đang lưu hành. Như vậy, Doanh nghiệp sẽ cần chi ra khoảng 42 tỷ đồng để hoàn tất đợt thanh toán này cho cổ đông.
Xét tổng tiền thực chi, con số 42 tỷ đồng có lẽ chẳng thấm vào đâu so với hàng trăm, thậm chí cả ngàn tỷ đồng tiền mặt trả cổ tức của một số doanh nghiệp khác. Tuy nhiên xét trên tỷ lệ chi trả, 350% là con số cao đến giật mình.
Thống kê năm 2022, tỷ lệ trả cổ tức cao nhất chỉ là 120%, thuộc về PTG . 350% cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay của chính PRC , bởi kể từ khi niêm yết vào cuối tháng 11/2010, mức cổ tức cao nhất doanh nghiệp này từng chi trả là 20%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cp nhận được 2,000 đồng.
Chuyện gì đã xảy ra với năm 2022 của PRC?
Doanh nghiệp ngành vận tải và logistics này đã trải qua năm 2022 với khoản lợi nhuận gần 50 tỷ đồng, gấp đến 37 lần năm 2021 và cũng là mức lãi cao kỷ lục kể từ năm 2008. Kết quả kinh doanh những năm trước đó, PRC tỏ ra tương đối nhạt nhòa. Ngoại trừ năm 2009 có lợi nhuận 16 tỷ đồng, những năm còn lại chỉ thu lãi từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của PRC qua các năm | ||
BCTC hợp nhất kiểm toán 2022 cho thấy doanh thu năm qua của PRC không có nhiều biến động, đạt gần 107.4 tỷ đồng, tăng 24%. Giá vốn cũng tăng hơn 28% khiến lãi gộp của Công ty chỉ đạt 7.2 tỷ đồng, giảm 11%. Thậm chí nếu tính riêng hoạt động kinh doanh, PRC lỗ 1.4 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi hơn 600 triệu đồng.
Trong khi các chỉ số khác không có tác động đáng kể, thứ mang lại mức lãi kỷ lục nêu trên của PRC nằm ở khoản lợi nhuận khác, tăng đột biến lên tới 64.1 tỷ đồng, gấp 64 lần năm trước. Theo giải trình từ Doanh nghiệp, khoản lãi đột biến này ở quý 4/2022, sau khi PRC hoàn tất việc bán tài sản là dự án kho bãi tổng hợp tại lô B1-13 khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, địa chỉ số 3 Bùi Quốc Hưng, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng vào ngày 12/10/2022.
Việc chuyển nhượng tài sản của PRC đã được ĐHĐCĐ bất thường ngày 19/08/2022 thông qua. Giá chuyển nhượng dự án là 85 tỷ đồng, được bán trực tiếp, không thông qua hình thức đấu giá. Tỷ trọng giá trị giao dịch trên tổng giá trị tài sản doanh nghiệp lên tới gần 80%.
Do là khoản lợi nhuận đột biến, không quá ngạc nhiên khi PRC đặt kế hoạch năm 2023 ở mức thấp hơn rất nhiều. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, PRC trình doanh thu 105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế chỉ 350 triệu đồng, tương ứng thấp hơn lần lượt 2% và 99.4% so với năm 2022.
Các chỉ tiêu trên còn đến từ những dự báo về nền kinh tế phát triển chậm với những ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng như quy mô cuộc chiến giữa Nga - Ukraine có khả năng leo thang, kéo theo nhiều nước khác tham gia. Là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, kinh doanh đại lý dầu - nhớt (vốn là những ngành hàng đang lỗ trong bối cảnh giá vận tải thấp vì nhu cầu giảm và lượng nhà cung cấp lớn), cộng với việc hoạt động kinh doanh kho bãi sẽ giảm mạnh nguồn lực sau khi nhượng lại dự án kho bãi tổng hợp ở Đà Nẵng, PRC dự báo 2023 sẽ là một năm khó khăn với Công ty.
Dẫu vậy, khoản tiền thu được từ việc bán tài sản nói trên cũng giúp PRC sở hữu một bản cân đối kế toán lành mạnh ở thời điểm cuối tháng 12/2022. Cụ thể, tổng tài sản của PRC ở thời điểm này là 105.8 tỷ đồng, tăng 77% so với đầu năm, trong đó tiền mặt và các khoản tương đương chiếm hơn 39% (41 tỷ đồng, gấp 17 lần đầu năm). Đó là chưa tính đến 16 tỷ đồng dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn. Trong khi đó ở chiều ngược lại, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp là gần 21 tỷ đồng.
Ai sẽ nhận được khoản cổ tức kỷ lục của PRC?
Theo thống kê từ VietstockFinance , PRC là mã cổ phiếu có EPS cao nhất toàn thị trường trong năm 2022, đạt 41,537 đồng, gấp hơn 37 lần so với năm 2021.
Trước khoản lợi nhuận cùng mức cổ tức kỷ lục, giá cổ phiếu PRC rơi vào sóng tăng mạnh, có nhiều phiên tăng trần liên tiếp kể từ đầu năm 2023. Tính từ đầu năm tới nay (kết phiên 02/03), giá cổ phiếu PRC tăng vọt lên mức đỉnh lịch sử 56,800 đồng/cp trước khi điều chỉnh giảm về 53,400 đồng/cp kết phiên 03/03, tương ứng tăng gần 70% so với đầu năm.
Dẫu vậy, để mua được PRC không phải điều đơn giản bởi thanh khoản PRC không cao, số lượng khớp lệnh chỉ dao động từ vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu mỗi phiên, ít có trường hợp đột biến.
Diễn biến giá cổ phiếu PRC từ năm 2018 tới nay | ||
Theo báo cáo thường niên 2022, cơ cấu cổ đông của PRC tương đối cô đặc với phần lớn cổ phần do ban lãnh đạo nắm giữ (tổng tỷ lệ lên tới 68%, chưa tính đến lượng cổ phiếu của người có liên quan). Nhiều nhất là ông Nguyễn Xuân Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Nhân sự và ông Nguyễn Lê Minh - Ủy viên HĐQT kiêm Giám đốc Công ty, nắm lần lượt 233,000 và 242,500 cp, tương ứng tỷ lệ 19.42% và 20.21%. Với tỷ lệ này, hai lãnh đạo sẽ nhận được lần lượt 8.4 tỷ đồng và 8.7 tỷ đồng trong đợt chi trả cổ tức sắp tới.
PRC còn có 2 cổ đông lớn khác là ông Lê Nam Hùng - Ủy viên HĐQT kiêm Phó Giám đốc và bà Nguyễn Thị Tuyết - Ủy viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng. Ông Hùng và bà Tuyết nắm giữ lần lượt 98,500 cp và hơn 110 ngàn cp, tương ứng tỷ lệ 8.21% và 9.22%, qua đó nhận được 3.5 tỷ đồng và khoảng 4 tỷ đồng trong đợt chi trả này.
Tỷ lệ sở hữu trên nhiều khả năng sẽ tiếp tục thay đổi trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Bình - con của Kế toán trưởng kiêm Ủy viên HĐQT Nguyễn Thị Tuyết, đã đăng ký mua 100 ngàn cp PRC từ ngày 17/02 - 14/03/2023 với mục đích tăng số lượng nắm giữ. Nếu thành công, ông Bình sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 1.05% (tương đương 12,600 cp) lên 9.38%, trở thành cổ đông lớn của PRC . Với thị giá 53,400 đồng/cp, dự tính ông Bình cần chi khoảng 5.3 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.
Hồng Đức