Doanh nghiệp sản xuất Cao Sao Vàng: Làm 9 tháng đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm, có 180 tỷ tiền gửi ngân hàng
Những năm 1980, 1990 của thế kỷ trước, hầu như gia đình nào cũng sở hữu một hộp Cao Sao Vàng trong nhà. Từ cảm sốt, đau bụng, đau chân cho tới say tàu xe, côn trùng cắn,... đều dùng đến chiếc hộp nhỏ có in hình ngôi sao vàng năm cánh nổi bật trên nền đỏ này.
Cao sao vàng được sản xuất từ sự phối hợp các loại tinh dầu dược liệu quý hiếm ở Việt nam. Đây là một dạng thuốc cao xoa xuất phát từ nhóm y học cổ truyền đã được Dược điển Việt Nam ghi nhận.
Cao sao vàng chữa cảm gió, nhức đầu, muỗi và các loại côn trùng cắn đốt, có thể dùng xông chữa cảm cúm, sỗ mũi. Sản phẩm này có mặt trên thị trường Việt Nam từ thời kháng chiến và đặc biệt phổ biến trong giai đoạn bao cấp.
Từ sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam và Liên Xô đẩy mạnh trao đổi hàng hóa. Cao Sao Vàng là một trong những mặt hàng xuất khẩu sang Liên Xô.
Để đảm bảo chỉ tiêu cam kết về số lượng xuất khẩu lớn, Tổng công ty Dược đã giao cho 5 xí nghiệp dược phẩm cùng sản xuất mặt hàng này. Riêng xí nghiệp dược ở Đà Nẵng được giao chỉ tiêu sản xuất mỗi năm trung bình 10 đến 15 triệu hộp. Đỉnh cao là năm 1983 với sản lượng được giao 20 triệu hộp.
Bắt đầu những năm 2000, khi kinh tế mở cửa và hội nhập, sản phẩm Cao Sao Vàng dần bị lấn át bởi vô số các loại dầu như dầu gió, dầu khuynh diệp, dầu tràm... trong nước và nhập ngoại.
Hộp cao nhỏ có thiết kế đặc biệt đã không còn là "thần dược" đem theo bên người và lớp thanh niên ngày nay sẽ không còn biết tới trải nghiệm mở nắp hộp Cao Sao Vàng bằng cách... vứt hoặc đập nó xuống đất.
Mặc dù không còn được ưa chuộng và đã vắng bóng trong thị trường nội địa nhưng Cao Sao Vàng lại xuất hiện ở nhiều trang thương mại điện tử trên thế giới, trong đó có Amazon.
Hiện nay, doanh nghiệp đang sản xuất và xuất khẩu Cao Sao Vàng là công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương 3 có trụ sở tại số 16 Lê Đại Hành, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng.
Công ty hiện có 2 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP - WHO đặt tại số 28 đường 351, Quỳnh Hoàng, An Dương, Hải Phòng và Lô N1-2 khu Công nghiệp Tràng Duệ, An Dương, Hải Phòng.
Lĩnh vực kinh doanh của DP3 là sản xuất và gia công các loại thuốc tân dược dạng viên nén, viên nang, kháng sinh nhóm không Betalactam... Đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng cao sao vàng và một số thuốc đông y sang các nước Nga, Ukraina, Kazastan,...
Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương 3 tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Trung Ương 3 thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam. Ngày 01/12/2003, Xí nghiệp Dược phẩm Trung Ương 3 chuyển thành công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương Foripharm.
Đến tháng 09/2006, Công ty đổi thành Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương 3.
Công ty đã niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã cổ phiếu là DP3. Giá đóng cửa cổ phiếu DP3 gần nhất đang là 89.100 đồng/cp, đây cũng là mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Về tình hình kinh doanh , năm 2021 công ty ghi nhận doanh thu 420 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 90% kế hoạch đề ra. Theo DP3, mặc dù là doanh nghiệp trong ngành dược phẩm nhưng năm 2021, công ty cũng chịu những tác động tiêu cực của dịch Covid như: nhu cầu khám chữa bệnh tại bệnh viện giảm nên kênh bán hàng qua đấu thầu không hiệu quả, giá nguyên vật liệu tăng cao, giãn cách xã hội ảnh hưởng đến công tác bán hàng.
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh năm 2021 là mặc dù không đạt mục tiêu doanh thu nhưng tổng lợi nhuận đạt 116,4 tỷ đồng, vượt 61% so với kế hoạch đề ra. Mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (ROE) đạt 25%, khá cao khi so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành.
9 tháng đầu năm nay, doanh thu DP3 đạt 360 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 85 tỷ đồng, lần lượt đạt mức tăng trưởng 31% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với kế hoạch lợi nhuận đề ra năm 2022 khá khiêm tốn là 75 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch chỉ sau 9 tháng đầu năm.
Về quy mô tài sản, kết thúc quý III năm nay, tổng tài sản của DP3 đạt 485 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản của công ty, tài sản ngắn hạn chiếm 59% tổng tài sản. Trong đó, công ty có 180 tỷ tiền các loại, phần còn lại là hàng tồn kho và khoản phải thu.
Tương tự, trong tài sản dài hạn của công ty cũng chủ yếu là tài sản cố định, bao gồm giá trị nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị,... phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhìn vào bảng cân đối kế toán, có thể thấy hoạt động kinh doanh của công ty khá "thuần", chỉ tập trung xoay quanh hoạt động chính về sản xuất thuốc, không có các hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư ngoài ngành, góp vốn, liên doanh, liên kết,... hay các khoản cho vay, đầu tư dài hạn,...
Công ty hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn chủ sở hữu, với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu 0,28. Đến 30/09, vốn điều lệ của DP3 đạt 86 tỷ đồng, và công ty có 154 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Là công ty cổ phần, tỷ lệ trả cổ tức 2 năm 2020, 2021 của công ty lần lượt đạt 80% và 60%. Kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 được thông qua chỉ là 40%, giảm so với 2 năm trước.
Nguyên nhân DP3 đặt mục tiêu lợi nhuận và chi trả cổ tức năm nay giảm so với năm ngoái do thận trọng trước những khó khăn của thị trường. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu đầu vào và cước phí vận chuyển tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất, bán hàng tăng tuy nhiên công ty lại không thể tăng giá do áp lực cạnh tranh.