Doanh nghiệp phát hành "gặp nạn", người mua trái phiếu đòi tiền ở đâu?
Hàng ngàn người mua trái phiếu doanh nghiệp qua lời giới thiệu, bảo đảm của môi giới giờ không biết đòi tiền ở đâu khi chủ doanh nghiệp bị bắt.
Chị P.M.H (Nghệ An) cho biết chị mua 600 triệu tiền trái phiếu mà của một doanh nghiệp mà đến giờ chị cũng không nhớ nổi tên, chỉ biết là doanh nghiệp đó rất “lớn và uy tín”, lời của tư vấn nhấn mạnh với chị. Người giới thiệu cho chị thông tin trái phiếu là nhân viên ngân hàng .
Khi đến văn phòng ngân hàng, nhân viên cho biết chỉ có thể giải quyết số tiền tiết kiệm của chị (trị giá 2 tỷ đồng) nếu muốn tất toán trước hạn, còn trái phiếu thì “chưa có phương án giải quyết”, vì chưa đến hạn thanh toán (đáo hạn).
Chị H. là một trong hàng trăm nghìn nhà đầu tư cá nhân đã bỏ tiền mua trái phiếu doanh nghiệp qua lời chào mời của nhân viên các ngân hàng và công ty chứng khoán. Với họ, trái phiếu doanh nghiệp như một khoản tiết kiệm có kỳ hạn, nhưng với lãi suất cao hơn. Họ cũng tin vào thông tin của tư vấn viên, trái phiếu là của “một công ty lớn, uy tín”.
Thực tế việc công ty “lớn và uy tín” là không đủ để đảm bảo an toàn cho những nhà đầu tư cá nhân đã mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ai sẽ trả tiền?
Một câu hỏi được nhiều cá nhân mua trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông - một doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc Tân Hoàng Minh quan tâm, là nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì họ có thể “đòi” tiền từ ai.
Câu trả lời thực ra hết sức đơn giản: Từ doanh nghiệp phát hành, ở đây là An Đông hay Tân Hoàng Minh.
Các trung gian như Công ty chứng khoán hay Ngân hàng bán trái phiếu ra công chúng là các nhà đầu tư cá nhân, với bất kỳ cam kết nào, thì họ vẫn không phải là bên cuối cùng chịu trách nhiệm thanh toán.
Báo cáo của FiinGroup cho thấy nhà đầu tư cá nhân nắm giữ tới gần 1/3 lượng trái phiếu doanh nghiệp ở thị trường thứ cấp (thị trường mua đi bán lại trái phiếu sau phát hành), trong khi tỷ lệ này ở thị trường sơ cấp chỉ là 10,11%. Việc các ngân hàng, công ty chứng khoán chào mời trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân nghiệp dư như chị H. là hết sức phổ biến.
Môi giới trái phiếu doanh nghiệp là nghiệp vụ từng mang lại khoản doanh thu lớn cho công ty chứng khoán và các ngân hàng. Đó là khoản hoa hồng mà các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trả cho họ, thông thường từ 1-2% giá trị trái phiếu chào bán được.
Trái phiếu được chào bán cho nhà đầu tư cá nhân thường được quảng cáo với những thuật ngữ tài chính tương đối phức tạp do môi giới đưa ra.
Đơn cử với “cam kết mua lại bất kỳ lúc nào”. Trên thực tế, khi người mua cần bán lại trái phiếu doanh nghiệp mình đang sở hữu, họ phải nhờ trung gian (ngân hàng hoặc công ty chứng khoán) rao bán để tìm người có nhu cầu mua.
Trong tình hình hiện nay, hiếm có nhà đầu tư nào sẵn sàng cho việc đó. Tổ chức trung gian hay tổ chức phát hành cũng không sẵn lòng mua lại, với lý do “chưa thu xếp được nguồn tiền”. Mới đây, VKC Holdings, một công ty thuộc hệ sinh thái Louis Holdings vừa ra thông báo hoãn thanh toán lãi trái phiếu do mất khả năng thanh toán. Louis Holding gắn liền tên tuổi với Chủ tịch Đỗ Thành Nhân, người vừa bị bắt hồi tháng 4 vừa qua vì hành vi thao túng chứng khoán.
Trái phiếu doanh nghiệp khác tiền gửi tiết kiệm
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong phát biểu sáng 10/10 khẳng định “tiền gửi của người dân tại ngân hàng đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp”.
Thực tế, khi người dân cầm chứng chỉ tiền gửi, sổ tiết kiệm, hay có tiền trong tài khoản đến xin rút tiền, đều được đáp ứng. Ngân hàng nhà nước cũng chuẩn bị nguồn tiền giúp SCB đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân.
Người dân đến rút tiền tại Phòng giao dịch SCB Phú Mỹ Hưng ngay sau khi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, sáng 8/10/2022 (Ảnh: MT)
Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp là một loại giấy tờ ghi nhận việc doanh nghiệp vay tiền từ các cá nhân, tổ chức với cam kết thanh toán gốc và lãi vào một thời điểm nhất định.
Trong thời gian từ lúc phát hành đến lúc đáo hạn, trái phiếu doanh nghiệp có một hành trình tương đối phức tạp. Những trái phiếu này có thể được bán lại cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên hoặc nhà đầu tư tổ chức.
Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp những vấn đề nghiêm trọng như chủ doanh nghiệp bị bắt, bị khởi tố hình sự… thì khả năng doanh nghiệp vỡ nợ, mất khả năng thanh toán là rất cao. Bởi khi đó họ không thể đảo nợ (phát hành các khoản nợ mới để thanh toán nợ cũ) cũng như dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị nghẽn lại.
Chính vì sự khác nhau cơ bản giữa các khoản tiền gửi ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp mà lãi suất các khoản vay này chênh lệch nhau rõ rệt.
Với các khoản tiền gửi tiết kiệm, lãi suất nửa năm vừa qua thường dao động xung quanh 5-7%/năm tùy kỳ hạn. Trong khi đó lãi suất trái phiếu doanh nghiệp được chào bán thường từ 10%/năm trở lên, thậm chí có lúc lên tới 13%/năm. Về mặt nguyên tắc trên thị trường vốn, các khoản vay càng rủi ro (khả năng vỡ nợ càng lớn), thì lãi suất càng cao.
Có thể thấy, trái phiếu là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận tốt hơn (do lãi suất cao hơn) nhưng cũng rủi ro hơn nhiều so với tiền gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn hiện nay do vậy phải thận trọng xem kỹ các điều khoản trái phiếu trước khi quyết định đầu tư. Nếu vẫn yêu thích trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ đầu tư trái phiếu được vận hành chuyên nghiệp là một lựa chọn tốt nhờ tính hợp pháp và an toàn.
Theo Hồng Minh