Doanh nghiệp phân bón bước qua đỉnh lợi nhuận?

Chia sẻ Facebook
29/07/2022 13:43:02

Lợi nhuận của DPM, DCM đều đã giảm sâu so với đỉnh đạt được vào quý trước trong khi BFC thậm chí còn tăng trưởng âm. DDV là cái tên hiếm hoi tiếp tục phá đỉnh lợi nhuận nhưng biên lãi gộp đã chững lại rõ rệt.


Mùa báo cáo tài chính quý 2 dần khép lại và bức tranh kinh doanh ngành phân bón đã phần nào lộ diện với nhiều điểm tương đồng giữa các doanh nghiệp dưới tác động của giá phân bón đầu ra.


Cụ thể, Đạm Phú Mỹ (mã DPM) ghi nhận doanh thu quý 2 đạt 5.013 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng gấp đôi lên mức 1.930 tỷ đồng tương ứng biên lãi gộp ở mức 38,5% cải thiện so với con số 32% cùng kỳ nhưng thấp hơn so với mức 48% quý đầu năm. Lãi ròng đạt 1.256 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ nhưng đã giảm mạnh so với con số kỷ lục vào quý trước đó và là mức thấp nhất trong vòng 3 quý trở lại đây.


Tương tự, lợi nhuận của Đạm Cà Mau (mã DCM) cũng đã hạ nhiệt sau quý đầu năm bùng nổ. Trong quý 2, công ty ghi nhận doanh thu tăng 73% so với cùng kỳ, đạt gần 4.084 tỷ đồng. Giá vốn tăng chậm hơn đẩy lợi nhuận gộp tăng đến 157% lên 1.353 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 33% cao hơn con số 21% cùng kỳ nhưng thấp hơn mức 46,2% của quý 1. Lãi ròng cũng tăng 250% lên 1.039 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn khoảng 32% so với quý đầu năm.

Lợi nhuận DPM và DCM giảm sâu so với đỉnh quý trước

Thông thường, lợi nhuận của DPM và DCM đạt mức cao vào quý 2 và quý 4. Tuy nhiên, năm nay đã khác khi SSI Research cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp này đạt đỉnh trong quý 1/2022, sau đó sẽ giảm dần từ quý 2 và 3 trước khi phục hồi trở lại vào quý 4 khi mùa cao điểm bắt đầu.

Trước đó, SSI Research cũng đã dự báo giá ure đạt đỉnh trong tháng 3 và có thể giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than dần được khắc phục. Việc nối lại giao thương giữa Nga và các nước Châu Âu sẽ mất nhiều thời gian sau khi xung đột giữa Nga-Ukraine hạ nhiệt. Thực tế, giá ure tại Trung Quốc đã giảm 26% từ giữa tháng 6 đến nay.

Giá ure giảm sâu


Dù chưa công bố báo cáo tài chính nhưng Phân bón Bình điền (mã BFC) cũng đã ước tính kết quả kinh doanh quý 2 đi lùi so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu trong kỳ đạt 1.833 tỷ đồng, giảm gần 23% so với quý 2/2021. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 75 tỷ đồng, cũng giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.


Doanh nghiệp phân bón hiếm hoi tiếp tục phá đỉnh lợi nhuận là DAP-Vinachem (mã DDV) tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể. Trong quý 2, doanh thu của công ty tăng 16,2% so với cùng kỳ, đạt 858 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 91% lên 182 tỷ đồng tương ứng biên lãi gộp ở mức 21,2% cao hơn mức 12,9% cùng kỳ nhưng chỉ tương đương so với quý đầu năm. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2,9 lần lên 156,4 tỷ đồng trong khi quý trước tăng trưởng gấp 3,8 lần cùng kỳ.

Trái ngược lại với giá ure, thị trường vẫn ghi nhận giá phân bón DAP tăng liên tục từ tháng 4 đến hết tháng 6 trước khi chững lại và quay đầu giảm trong tuần qua. So với đỉnh, giá phân bón DAP tại Trung Quốc đã giảm hơn 6%. Nếu xu hướng này vẫn duy trì, không dễ để DAP-Vinachem có thể giữ được đỉnh lợi nhuận trong các quý tiếp theo.

Giá DAP cũng bắt đầu đảo chiều

Trong một báo cáo về ngành phân bón mới đây, Chứng khoán KIS đã dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp phân bón có thể chậm lại. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp toàn ngành đã đạt đỉnh mới trong quý 1/2022 tại mức 31,7% và có thể giảm trong những quý tiếp theo nếu giá phân bón có xu hướng giảm trong những tháng tiếp theo, cùng với tốc độ tăng phi mã của giá nhiên liệu do căng thẳng chính trị toàn cầu.

Mặt khác, Yuanta Việt Nam lại cho rằng giá phân bón sẽ khó có thể tiếp tục giảm mạnh do 1) chi phí sản xuất cao trong bối cảnh giá khí tăng mạnh; 2) nguồn cung hạn chế do tình trạng hạn chế xuất khẩu phân bón ở Trung Quốc và Nga; 3) nhu cầu phân bón tiếp tục duy trì và việc Trung Quốc mở cửa sau dịch trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu phân bón.

Chưa thể khẳng định ngành phân bón đã bước qua đỉnh lợi nhuận hay chưa và cần thêm thời gian để kiểm chứng. Giá phân bón dù vẫn ở mức cao so với các năm trước nhưng lại biến động không thật sự thuận lợi là một yếu tố cần lưu ý. Nếu xu hướng giảm tiếp tục duy trì, lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón sẽ khó tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực.

Một yếu tố nữa được đánh giá có thể tác động đến các doanh nghiệp phân bón đến từ thông tin dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Dù vậy, Chứng khoán KIS cũng lưu ý mức thuế 5% có thể không đáng kể do các công ty này đạt được một khoản "hậu hĩnh" nhờ đơn giá xuất khẩu ở mức cao so với giá bán trong nước.

Chia sẻ Facebook