Doanh nghiệp nước ngoài phá sản, nợ hơn 2.300 tỉ đồng: Trách nhiệm thuộc về ai?

Chia sẻ Facebook
11/04/2022 00:36:13

Câu hỏi được đặt ra là với tình trạng của một doanh nghiệp như Sofel, vì sao các ngân hàng giải ngân cho họ số tiền khủng, thậm chí có ngân hàng cho vay còn không có tài sản thế chấp? Trách nhiệm thuộc về ai?

Hai con tàu Sofel đang đóng dang dở được một ngân hàng nhận thế chấp cho vay đến hơn 860 tỉ đồng - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Năm 2007, Công ty TNHH đóng tàu và cơ khí hàng hải Sài Gòn (Sofel), 100% vốn Singapore, đầu tư dự án nhà máy đóng tàu tại KCN Đông Xuyên, TP Vũng Tàu. Mười năm sau, doanh nghiệp này mất khả năng trả lương, đóng BHXH cho công nhân và không thể trả các khoản vay, tiền hàng hóa, dịch vụ cho các đối tác, tổ chức tín dụng của Việt Nam.

Sau khi xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của một nhà thầu phụ Việt Nam đối với Sofel, ngày 12-9-2018, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Sofel. Và bắt đầu từ đây những khoản nợ "khủng" của Sofel tại Việt Nam bắt đầu lộ ra.


Nợ hơn 2.300 tỉ đồng


Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ , danh sách chủ nợ của Sofel do quản tài viên lập vào tháng 10-2018 có đến gần 100 doanh nghiệp Việt Nam, với số tiền lên đến hơn 2.300 tỉ đồng. Chiếm phần lớn số tiền trong danh sách này là các ngân hàng, với tổng số tiền lên đến gần 2.000 tỉ đồng.

Trong nhóm chủ nợ là các ngân hàng, số tiền cho Sofel vay nhiều nhất là 868 tỉ đồng, ít nhất là 31 tỉ đồng. Nhóm chủ nợ là công ty (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ), Sofel nợ từ hơn 10 triệu đến hơn 30 tỉ đồng. Những doanh nghiệp này là các nhà thầu phụ, cung cấp các dịch vụ, bán hàng hóa cho Sofel.

Tuy nhiên, theo một người có chức trách, danh sách chủ nợ và số tiền Sofel nợ có thể còn dài hơn, lớn hơn con số trên vì có những trường hợp không báo với tòa án.

Theo tìm hiểu, số tiền Sofel nợ lớn như vậy nhưng tất cả tài sản mà Sofel để lại được định giá chưa đến một nửa - tức khoảng 1.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, có tài sản mà Sofel thế chấp cho ngân hàng được định giá chỉ bằng gần 1/3 so với số tiền mà Sofel còn nợ.

Một người có chức năng cho hay trong các ngân hàng là chủ nợ của Sofel chỉ có một ngân hàng lấy đủ số tiền (theo định giá) từ tài sản mà Sofel thế chấp để lại, còn lại các chủ nợ ngân hàng khác đều thu không đủ.

Trong khi các chủ nợ là ngân hàng còn có tài sản thế chấp để bán phát mãi, thu hồi một phần nợ thì hầu hết chủ nợ là các doanh nghiệp đối tác, nhà thầu phụ của Sofel đành phải cay đắng ôm nợ.

Không chỉ doanh nghiệp ôm nợ, hàng ngàn công nhân cũng khốn khổ

Sau khi Sofel bị phá sản, một số chủ doanh nghiệp mới nhận ra mình đã bị mắc bẫy Sofel mà không hay biết. Một chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp thép cho Sofel kể thời gian đầu Sofel thanh toán, trả nợ đầy đủ và đúng hẹn. Đến khi gần phá sản, lãnh đạo công ty này còn nhờ dẫn đi tìm đất để xây thêm nhà máy đóng tàu. Do đó, ông càng tin tưởng bán hàng cho Sofel và còn kỳ vọng khi mở nhà máy mới mình sẽ bán thêm được hàng.

Thế nhưng đến nay doanh nghiệp ông phải ôm khoản nợ gần 10 tỉ đồng. "Những công ty, doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi như bị đẩy xuống bùn, vô cùng tuyệt vọng vì lâm vào những khoản nợ khó đòi của Sofel", doanh nhân này tâm sự.


Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ , vào đầu 2018, tình hình tài chính yếu kém, việc mất khả năng thanh toán của Sofel đã được cơ quan chức năng biết và nắm được tình hình. Lúc này, Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định được Sofel có nhiều khoản nợ xấu. Đó là khoản nợ 250 tỉ đồng và 70,7 triệu USD của nhiều ngân hàng, khoản nợ 85 tỉ đồng của 6 nhà thầu phụ, gần 40 tỉ đồng tiền BHXH...

Không chỉ ôm nợ "khủng" như trên, mà đến nay Sofel còn nợ nhiều tháng lương của gần 1.000 công nhân và nợ nhiều tỉ đồng tiền BHXH. Anh B. - một người từng làm công nhân cho Sofel trước đây - cho biết đến nay công ty còn nợ anh 3 tháng lương với khoảng 40 triệu đồng, sổ BHXH của anh cũng chưa được chốt.


Không có ý thức trả nợ

Tại thời điểm 2018, theo đánh giá của nhiều chủ nợ, Sofel không có "ý thức" về khoản nợ của mình và cũng không lên kế hoạch để trả nợ. Đồng thời viện nhiều lý do để trì hoãn, kéo dài thời gian.

Điển hình là tháng 2-2018, Sofel có đóng, bàn giao 3 con tàu chở dầu cho chủ hàng Đài Loan và đã được chủ hàng chuyển khoản trả tiền. Thế nhưng theo báo cáo của Sofel, số tiền trên đã bị ngân hàng nước ngoài cấn trừ nợ mà không chuyển về tài khoản của Sofel. Một lý do khá kỳ lạ.

Đối với khoản nợ 85 tỉ đồng của 6 nhà thầu phụ nói trên, vào tháng 2-2018, Sofel cũng hứa, cam kết sẽ bán 1.000 tấn thép được hơn 11 tỉ đồng để trả một phần nợ cho họ. Nhưng sau đó công ty viện lý do phải kiểm đếm, làm các thủ tục để kéo dài và đến nay khoản nợ này vẫn còn nguyên.

Chưa hết, đầu năm 2018 khi bị một doanh nghiệp Việt Nam kiện đòi khoản nợ gần 5 tỉ đồng ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Sofel cố tình không nộp phương án "tự bảo vệ" mình, kéo dài thời gian cung cấp hồ sơ.

Tuy không trả được nợ, không có kế hoạch trả nợ và không thực hiện đúng cam kết nhưng khi bị tòa án mở thủ tục phá sản, Sofel lại khiếu nại. Đến nay những tài sản máy móc, vật tư mà Sofel để lại chủ yếu ở trong tình trạng hư hỏng. Những con tàu còn đóng dở dang vẫn nằm trên ụ. Trong thời gian qua, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều quyết định xử lý tài sản bảo đảm của Sofel để giao cho các chủ nợ.

Tuy hiện nay, việc xử lý tài sản này vẫn đang được tiếp tục nhưng với những gì mà Sofel để lại, liệu gần 100 doanh nghiệp, ngân hàng của Việt Nam có thu được về số tiền 2.300 tỉ đồng mà Sofel đang nợ?

Cổng vào xưởng sản xuất của Sofel tại KCN Đông Xuyên, TP Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Công ty Sofel do Công ty Gulfstream Management Limited (có trụ sở đặt tại Singapore) thành lập, nhưng Công ty Gulfstream Management Limited lại được cấp phép, đăng ký thành lập tại British Virgin Islands. Người đại diện theo pháp luật của Sofel là ông Chan Eng Yew (sinh năm 1973, quốc tịch Singapore). Vốn điều lệ của Sofel chỉ chưa đầy 25 tỉ đồng.

Sofel đăng ký dự án nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển, chế tạo kết cấu kim loại, xây lắp sửa chữa các công trình dầu khí tại KCN Đông Xuyên với số vốn đăng ký gần 500 tỉ đồng, với tiến độ góp 15 năm. Thời hạn hoạt động của dự án 39 năm kể từ tháng 6-2007.

Đáng chú ý hội đồng thành viên của Sofel đồng thời cũng là hội đồng thành viên của Công ty TNHH Strategic Marine (cũng đóng tại KCN Đông Xuyên, cũng chuyên về đóng tàu, cơ khí) và đều thuộc Tập đoàn Triyards Holding. Chưa hết, còn có một công ty khác cũng thuộc Triyards là Công ty TNHH sửa chữa và đóng tàu Sài Gòn (SSY), có trụ sở tại TP Thủ Đức, TP.HCM.

Sau khi chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (quyết định 13) hết hiệu lực từ 31-12-2020, nhiều người lo nếu giá mua điện mặt trời giảm xuống, việc đầu tư điện mặt trời mái nhà có còn hiệu quả và ai nên đầu tư?

Chia sẻ Facebook