Doanh nghiệp nội 'teo tóp', lo vào tầm ngắm bị quỹ ngoại thâu tóm
Trong khi doanh nghiệp nội giảm quy mô vốn đăng ký thì các công ty, quỹ nước ngoài lại tăng vốn đầu tư.
Doanh nghiệp nội 'teo tóp', lo vào tầm ngắm bị quỹ ngoại thâu tóm
Trong khi doanh nghiệp nội giảm quy mô vốn đăng ký thì các công ty, quỹ nước ngoài lại tăng vốn đầu tư.
“Năm 2020, quy mô vốn đăng ký trung bình khoảng 28 tỷ đồng/doanh nghiệp; năm 2021 là 17 tỷ đồng/doanh nghiệp; năm 2022 khoảng 10,6 tỷ đồng/doanh nghiệp; còn bình quân 2 tháng đầu năm 2023, quy mô vốn chỉ có 7,4 tỷ đồng/doanh nghiệp”.
Số liệu trên được ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM , đưa ra tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội, do UBND TP.HCM tổ chức hôm qua, 3/3.
Theo ông Hoàng, quy mô vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cả nước đang có xu hướng giảm. Ở chiều ngược lại, trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tăng cả về số lượng cũng như tăng về vốn đầu tư vào TP.HCM .
Thống kê cho thấy, trong 2 tháng qua, có 103 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 99 triệu USD (tăng 47,1% số dự án cấp mới và tăng 24,4% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Đồng thời, TP.HCM cũng chấp thuận cho 305 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 199,7 triệu USD , tăng 13,4% về số trường hợp và tăng 23,8% về vốn so với cùng kỳ.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM , cảnh báo, doanh nghiệp trên địa bàn kinh doanh không có lãi, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, lãi suất cao nên doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính. Đây là đối tượng để các công ty và quỹ đầu tư nước ngoài đưa vào tầm ngắm thâu tóm.
Trong khi đó, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội trong tháng 2/2023 của TP.HCM cho thấy, có tổng cộng 11.877 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và tạm ngưng hoạt động; có 3.741 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Như vậy, số doanh nghiệp ngưng hoạt động cao gấp 3 lần số doanh nghiệp quay lại thị trường.
Tương tự, khảo sát do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM vừa thực hiện với 100 doanh nghiệp, có 83% đơn vị đang gặp khó khăn. Các yếu tố khó khăn gồm: thị trường bị thu hẹp (41,2%); hàng tồn kho nhiều (30,1%); giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%); khó tiếp cận nguồn vốn (40%); lãi suất vay cao (43%); thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian (38,2%)….
Điểm nghẽn lãi suất
Đề cập về một số giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, cho rằng, trong điều kiện lạm phát dưới 4%, lãi suất cho vay 9-10%/năm thì doanh nghiệp không thể chịu được. Chính sách duy trì lãi suất dương như hiện nay sẽ làm thui chột mọi nỗ lực trong đầu tư, phát triển của nền kinh tế. Đây là điểm nghẽn rất lớn.
Ngoài ra, đối với thị trường bất động sản, trái phiếu, các doanh nghiệp cũng như đang chờ đợi một động thái nào đó từ phía Chính phủ, tự doanh nghiệp chưa chủ động.
Cũng theo ông Lịch, lãnh đạo TP.HCM vừa họp bàn, tháo gỡ vướng mắc cho 116 dự án bất động sản trên địa bàn, nếu được, ngay trong tháng 3/2023, cần cụ thể hóa việc gỡ khó bằng văn bản, cho triển khai ngay dự án, để doanh nghiệp có niềm tin.
“Rất cần động thái cụ thể từ Chính phủ, chính quyền TP.HCM để khơi dậy niềm tin của doanh nghiệp, thị trường. Nếu các động thái chỉ trên giấy tờ thì rất khó”, TS. Trần Du Lịch nói.
Trong khi đó, TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), dự báo, tình hình kinh tế trong quý I và quý II năm 2023 là vệt dài của đà giảm từ cuối năm 2022. Tình trạng sa thải lao động còn diễn ra bởi lo ngại từ kinh tế toàn cầu lẫn trong nước tiếp tục gặp khó.
Đại diện HIDS cho rằng, các chính sách luôn có độ trễ nhất định. Những vấn đề đặt ra hôm nay sẽ khó có biện pháp tác động được ngay lập tức. Doanh nghiệp sẽ dần thích nghi, điều chỉnh trong bối cảnh mới. TP.HCM cần tập trung giải ngân đầu tư công, thúc đẩy cơ sở hạ tầng; đối thoại, gỡ rối cho doanh nghiệp ở từng lĩnh vực cụ thể.
TP.HCM cần quan tâm tới một số dư địa có thể phát triển nội thân như kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè... Những chính sách trong thẩm quyền, khả năng của thành phố cần sớm được thúc đẩy cho ngành dịch vụ, kinh tế đi lên, tạo động lực mới cho địa phương.
Trần Chung