Doanh nghiệp Nhật Bản “chuyển giá” sang người tiêu dùng
Tại Nhật Bản, chỉ số giá hàng hóa tăng liên tiếp khiến doanh nghiệp đang đứng trước áp lực buộc phải tăng giá để đảm bảo hoạt động kinh doanh.
Do tác động của đồng Yen yếu, thiếu hụt nguồn cung, chi phí hậu cần logistics tăng cao, chỉ số hàng hóa doanh nghiệp tại Nhật Bản đã liên tiếp tăng trong nhiều tháng qua.
Báo Nikkei cho biết, chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp tháng 7 do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố vào ngày 10/8 là 114,5, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là chỉ số cao nhất kể từ khi số liệu được thống kê từ năm 1960. Lý do chính là do đồng Yen gần chạm mốc 140 yên đổi 1 USD tại thị trường ngoại hối trong tháng 7. Theo đó, hợp đồng nhập khẩu bằng đồng Yen tăng lên 48%, so với hợp đồng bằng đồng USD chỉ tăng 25,4%.
Thống kê trên báo Mainichi cho thấy, trong số 515 mặt hàng được công bố, có đến 80% mặt hàng tăng giá. Tăng cao nhất là điện, nước, ga với 29,9%, gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 29,8% thép 27,2%, xăng dầu, than đá tăng 14,7%. Xu hướng tăng giá cũng đang lan rộng đến các sản phẩm gần gũi với người tiêu dùng như thực phẩm và đồ uống (5,5%) và các sản phẩm dệt may (5,3%).
Theo bài viết của hãng thông tấn JiJi, trong đợt tăng giá vào mùa thu, có hơn 2.400 mặt hàng tăng giá vào tháng 8 và 6.000 mặt hàng tăng giá vào tháng 10, cao nhất từ trước đến nay. Bài viết này cũng cho biết, xu hướng tăng giá bán lẻ là tất nhiên khi giá cả đầu vào tăng, các công ty đã linh hoạt tăng giá mà không còn do dự như trước đó nữa.
Theo nhận định, đồng Yen đã tăng giá trở lại trong tháng 8 nhưng xu hướng này không thực sự rõ ràng, trong khi giá năng lượng và nguyên liệu sản xuất tiếp tục tăng cao. Xu hướng tăng giá bán lẻ hiện nay Nhật Bản sẽ không dừng lại.
Hơn 70% chủ doanh nghiệp Nhật Bản đang lo ngại sự mất giá của đồng Yen sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong năm nay.